Hiệp định sau 03 năm thực thi đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Cơ hội đến từ thị trường các nước thành viên CPTPP vẫn còn rất lớn, dư địa để khai thác thị trường trong CPTPP còn nhiều. Điều này được minh chứng bằng việc tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước thành viên CPTPP trong 03 năm qua liên tục duy trì ở mức 2 con số.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Trong 10 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước Thành viên CTPPP đạt 88,1 tỷ USD, tăng khoảng 19,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường các nước thành viên CPTPP đạt 45,1 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu từ các nước thành viên CPTPP đạt khoảng 43 tỷ USD, tăng khoảng 16,26% so với cùng kỳ.

Xuất nhập khẩu sang thị trường các nước đối tác mà Việt Nam chưa có FTA trước đó gồm Canada và Mexico đã có kim ngạch tăng trưởng ấn tượng.

Cụ thể, trong 10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang Canada đạt khoảng 6 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm 2021. Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang Mexico đạt khoảng 4,6 tỷ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Bên cạnh những thuận lợi mà hàng hóa Việt Nam có được khi xuất khẩu sang thị trường CPTPP thì doanh nghiệp cũng gặp phải một số hạn chế nhất định. Theo bà Phạm Thị Ngọc Minh - đại diện Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, đó là quy tắc xuất xứ hàng hóa đối với một số mặt hàng ở trong CPTPP hiện nay được xem là chặt nhất so với các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã là thành viên, chẳng hạn như quy tắc xuất xứ hàng hóa đối với mặt hàng dệt may là quy tắc xuất xứ 3 công đoạn từ sợi trở đi. Bên cạnh đó, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu dựa vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu và chủ yếu nhập khẩu từ ngoài các nước CPTPP. Điều này dẫn đến một số các mặt hàng của Việt Nam chưa đáp ứng được quy tắc xuất xứ hàng hóa để được hưởng thuế quan ưu đãi khi xuất khẩu sang thị trường này.

Ngoài ra, số lượng doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam hiện nay chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cơ hội để doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận những thông tin thị trường, đặc biệt là những thông tin thị trường mới như là thị trường Canada, Mexico thì còn khá hạn chế. Vì vậy tỷ lệ mà để hưởng ưu đãi thuế quan của các doanh nghiệp vừa và nhỏ này không bằng những doanh nghiệp lớn.

Doanh nghiệp làm gì để có thể tận dụng tối đa những ưu đãi mà Hiệp định CPTPP mang lại? Theo bà Phạm Thị Ngọc Minh, doanh nghiệp chủ động tìm hiểu những thông tin về mặt hàng, về thị trường, về ưu đãi thuế quan của từng hiệp định để từ đó có thể biết được cơ hội của chúng ta đang ở đâu, ở nhóm hàng nào, ở thị trường nào.

Thứ hai, quan tâm hơn đến quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định CPTTP và đầu tư về nhân lực cũng như kinh phí trong việc lưu trữ hồ sơ để chứng minh xuất xứ hàng hóa. “Trong Hiệp định CPTPP khác so với những cái hiệp định trước đây là Cơ quan Hải quan nước nhập khẩu hoặc là những cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu được phép trực tiếp kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa đối với doanh nghiệp mà không thông qua các cơ quan, tổ chức cấp C/O được Bộ Công Thương ủy quyền như các Hiệp định FTA khác mà Việt Nam là thành viên”, bà Minh lưu ý.

Thứ ba, doanh nghiệp cần phải chú trọng việc quảng bá hình ảnh sản phẩm của mình đến các nước đối tác và chủ động đầu tư hơn trong quy trình sản xuất của mình để tập trung vào chế biến sâu sản phẩm, nâng cao hàm lượng chế biến sâu và từ đấy nâng cao giá trị của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần lưu ý trong việc kết nối với các nhà cung cấp nguyên vật liệu trong nước cũng như là nguyên vật liệu trong khối. Việc kết nối này thì sẽ giúp cho hàng hóa của doanh nghiệp có thêm cơ hội để đáp ứng quy tắc xuất xứ hàng hóa đặt ra, từ đấy thì có thể là nâng cao, tận dụng ưu đãi thuế quan mà Hiệp định CPTPP mang lại.

Minh Anh (t/h)