Hàng trăm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên cả nước liên tục khai lỗ, trốn thuế với số tiền bị truy thu, truy hoàn lên tới nghìn tỉ đồng.
20 doanh nghiệp FDI chuyển giá hàng ngàn tỷ đồng
Theo báo cáo của Thanh tra Tổng cục Thuế, trong năm 2013, ngành thuế đã tập trung nhân lực vào công tác trọng tâm chống chuyển giá đối với các doanh nghiệp FDI có giao dịch liên kết, liên tục khai lỗ nhưng vẫn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Kết quả thanh tra, kiểm tra tại 2.110 doanh nghiệp đã truy thu, truy hoàn, phạt hơn 988 tỉ đồng, giảm khấu trừ 136,95 tỉ đồng. Đặc biệt thanh tra thuế đã buộc doanh nghiệp phải giảm lỗ lên tới hơn 4.192 tỉ đồng. Theo đánh giá của thanh tra, số tiền truy thu chủ yếu tập trung ở khu vực doanh nghiệp FDI (chiếm 40% tổng số thu), tỷ lệ số thu bình quân trên 1 doanh nghiệp là 1,73 tỉ đồng.
Tuy nhiên, con số trên chỉ phản ánh một góc của bức tranh về thực trạng trốn thuế của doanh nghiệp FDI. Báo cáo của 63 cục thuế, hơn 100 chi cục thuế trên cả nước thực sự khiến không ít người phải giật mình. Cụ thể, kết quả thanh tra tại 870 doanh nghiệp FDI có tới 720 doanh nghiệp vi phạm.
Đáng lưu ý là tại một số đơn vị, tỷ lệ vi phạm lên đến 100% như Cục thuế Bắc Giang thanh tra 16 doanh nghiệp thì cả 16 đều vi phạm. Tỷ lệ này diễn ra tương tự tại Hòa Bình (16/16), Gia Lai (15/15)…
Tại một số tỉnh, thành khác dù không đến 100% nhưng tỷ lệ này cũng rất lớn như Hà Nội thanh tra 332 doanh nghiệp thì phát hiện có 326 đơn vị vi phạm, số tiền giảm lỗ hơn 1.500 tỉ đồng, truy thu, phạt, truy hoàn gần 498 tỉ đồng. TP.HCM thanh tra 193 doanh nghiệp FDI, có tới 164 doanh nghiệp vi phạm, giảm lỗ hơn 870 tỉ đồng và truy thu, phạt gần 173 tỉ đồng.
Còn tại 1.240 doanh nghiệp bị kiểm tra, có tới 942 doanh nghiệp vi phạm. Cục thuế Bắc Giang kiểm tra 106 doanh nghiệp có 106 doanh nghiệp vi phạm, tỷ lệ này cũng xảy ra tại Đồng Nai 39/39, Gia Lai 30/30, Hải Phòng 45/45, Thái Nguyên 46/46, Quảng Ngãi 80/80…
Theo Tổng cục thuế, trong 4 tháng đầu năm 2014, ngành Thuế đã hoàn thành việc thanh tra tình trạng chuyển giá đối với 20 doanh nghiệp FDI với số tiền phải điều chỉnh về giá tăng 3.747 tỷ đồng. Ngoài ra, 20 đơn vị này cũng phải điều chỉnh giảm lỗ 759 tỷ đồng, truy thu thuế doanh nghiệp 230 tỷ đồng và xử phạt 12 tỷ đồng. Chủ yếu tập trung trong ngành da giày, dệt may…
"Chiêu trò" của doanh nghiệp FDI
Hành vi vi phạm, thủ đoạn của các doanh nghiệp FDI đã được lực lượng thanh tra làm rõ.
Cụ thể, quá trình thu thập các thông tin, dữ liệu, thanh tra phát hiện các nhà đầu tư nước ngoài thường góp vốn vào doanh nghiệp trong nước bằng máy móc, thiết bị công nghệ lạc hậu hoặc đã khấu hao hết nhưng được đẩy giá lên rất cao so với giá trị thực. Bằng cách này đã giúp nâng khống giá trị vốn góp, gây thất thu cho ngân sách và bất lợi cho doanh nghiệp trong nước.
Một hình thức chuyển giá khác được các doanh nghiệp FDI áp dụng là bán hàng hóa, nguyên vật liệu cho các bên có quan hệ liên kết với giá thấp hơn nhiều so với giá bán cho các bên không có quan hệ liên kết. Bởi với lợi thế nắm giữ phần vốn lớn tại các Doanh nghiệp VN, bên liên kết nước ngoài có quyền định đoạt giá chuyển giao hàng hóa, nguyên liệu để chuyển được nhiều lợi nhuận trước thuế ra nước ngoài.
Báo cáo về các hành vi vi phạm của Thanh tra thuế cho biết: “Các tập đoàn, công ty mẹ tại nước ngoài ký hợp đồng sản xuất kinh doanh và dịch vụ với các công ty của các nước với đơn giá gia công sản xuất dịch vụ rất cao. Sau đó, các tập đoàn này giao lại cho các công ty con lập tại VN thực hiện sản xuất gia công dịch vụ và xuất thẳng cho các đơn vị mà công ty mẹ đã ký hợp đồng. Tuy nhiên, tiền không thu được trực tiếp từ các công ty đã xuất hàng mà chỉ thu được theo đơn giá gia công, sản xuất dịch vụ do công ty mẹ quy định, đơn giá này rất thấp”.
Bên cạnh đó, một hình thức chuyển giá khác thông qua chi trả lãi vay vốn sản xuất kinh doanh cũng được các nhà “ảo thuật” FDI vận dụng. Hành vi này thông qua giá bán hàng hóa dịch vụ xuất khẩu cho nước ngoài, chủ yếu bao tiêu sản phẩm qua công ty mẹ với giá bán hoặc giá gia công thấp hơn giá vốn dẫn đến kết quả sản xuất kinh doanh của DN FDI liên tục lỗ nhiều năm. Để tiếp tục hoạt động và mở rộng kinh doanh, công ty mẹ thực hiện hình thức hỗ trợ vốn hoặc cho vay không tính lãi.
Khoanh vùng đối tượng DN, theo Thanh tra thuế các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ, tiêu dùng có các nhãn hàng nổi tiếng ở nước ngoài thường xuyên có hành vi chuyển giá thông qua định giá tiền bản quyền thương hiệu rất cao so với giá trị thực. Thủ đoạn này giúp cho nhà đầu tư nước ngoài thu được lợi nhuận từ việc nâng khống giá trị thương hiệu trong khi bên phía VN vẫn phải chịu chi phí quảng cáo cho thương hiệu đó.
Điều đáng nói, quảng cáo tại thị trường trong nước với chi phí cao làm cho thương hiệu này trở nên nổi tiếng hơn, và bên nước ngoài có lý do yêu cầu bên VN phải trả thêm tiền bản quyền thương hiệu, mặc dù thực chất các khoản chi phí này phải do công ty mẹ tại nước ngoài trang trải.
Theo ông Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, đã nhiều lần cảnh báo: “Xu hướng xuất khẩu ô nhiễm từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển thông qua FDI ngày càng gia tăng và VN có nguy cơ trở thành một trong những nước có mức nhập khẩu ô nhiễm cao”.
Chuyên gia kinh tế tài chính Bùi Kiến Thành, nền kinh tế VN thuở sơ khai với tư duy ưu đãi tuyệt đối để mời gọi nguồn vốn FDI bằng mọi giá, chúng ta đã tạo ra khá nhiều lỗ hổng về luật. Đó là những cam kết ưu đãi về chính sách thuế, giá thuê đất mà DN trong nước có nằm mơ cũng không có được.
Những tưởng các tập đoàn lớn nước ngoài vào sẽ tạo công ăn việc làm, giúp kinh tế VN phát triển mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy, giá lao động VN vẫn được đánh giá là thấp nhất so với các nước trong khu vực (không tính Lào và Campuchia).
Đổi lại, chúng ta đang mất nhiều từ những khai báo lỗ mà không ít trong số đó phải khẳng định ngay là giả. Một số liên doanh lớn với tỉ lệ góp vốn 30% của VN bằng đất đai và 70% từ nước ngoài, khi DN FDI liên tục báo lỗ, chúng ta đã không những không thu được thuế mà chính phía VN còn phải nộp thêm vốn, bù lỗ cho liên doanh nữa.
Theo PGS,TS. Nguyễn Thị Phương Hoa, Trưởng bộ môn Viện Kế toán Kiểm toán, Đại học Kinh tế quốc dân, hoạt động chuyển giá có thể có tác động tiêu cực đến nền kinh tế vĩ mô như gây thất thu ngân sách nhà nước, tạo ra sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp chấp hành tốt nghĩa vụ về thuế và doanh nghiệp không chấp hành tốt nghĩa vụ về thuế, gia tăng giá trị nhập khẩu và gia tăng giá trị nhập siêu gây mất cân bằng giữa cán cân thương mại và cán cân thanh toán, từ đó gia tăng áp lực giảm giá đối với đồng tiền nội. Vì thế sự kiểm soát vĩ mô với hoạt động chuyển giá là rất cần thiết trong bối cảnh hội nhập.
Cụ thể, chuyển giá được thực hiện ở giá trị giao dịch giữa các bên quan hệ liên kết với nhau, họ dễ dàng thỏa thuận một mức giá rất cao hoặc rất thấp để đạt được mục đích chung của toàn bộ tập đoàn hoặc toàn bộ hệ thống. Doanh nghiệp chuyển giá khai tăng giá trị nhập khẩu từ công ty mẹ hoặc khai giảm giá bán cho công ty mẹ và vì thế họ phản ánh lỗ trên báo cáo tài chính và không nộp thuế.
Trong khi đó các doanh nghiệp khác gồm các doanh nghiệp FDI đơn lẻ hoặc các doanh nghiệp Việt Nam không thực hiện hoạt động chuyển giá vì vậy trên báo cáo tài chính của họ thông tin kết quả kinh doanh của họ là đúng đắn và thực hiện nộp thuế trên cơ sở kết quả kinh doanh của họ.
Về hậu quả làm gia tăng giá trị nhập khẩu và gia tăng giá trị nhập siêu gây mất cân bằng cán cân thương mại và cán cân thanh toán: như trong trường hợp tài sản cố định của doanh nghiệp chuyển giá từ 400 nghìn USD được khai lên 16 triệu USD, tức là giá trị nhập khẩu theo tiền USD là 16 triệu USD sẽ được sử dụng để thanh toán thay vì 400 nghìn USD nên làm giá trị nhập khẩu tăng lên.
Tẩy chay là biện pháp hữu hiệu?
Cũng theo PGS,TS. Nguyễn Thị Phương Hoa, việc tăng cường vai trò của truyền thông cũng là biện pháp hữu hiệu để hạn chế tình trạng chuyển giá, trốn thuế của các doanh nghiệp FDI.
Có thể thấy ví dụ thực tiễn của Starbuck tại Anh. Công ty Starbucks khi thực hiện việc chuyển giá, trốn thuế với mức độ lớn, khi được công bố rộng rãi cho công chúng người dân Anh đã rất bất bình và tẩy chay Starbucks.
Dân mạng chế ảnh yêu cầu Coca Cola hãy đóng thuế.
Sau đó giám đốc công ty đã phải tính toán lại và cam kết nộp thuế bổ sung. Khi người dân hiểu rõ hành động sai trái của các doanh nghiệp họ sẽ thay đổi hành vi tiêu dùng, không mua sản phẩm của doanh nghiệp từ đó tạo nên áp lực lớn đối với doanh nghiệp chuyển giá, trốn thuế. Mục tiêu của doanh nghiệp là đạt được lợi nhuận thông qua bán được sản phẩm, hàng hóa; do đó sự quay lưng của người tiêu dùng đối với sản phẩm của doanh nghiệp sẽ khiến mục tiêu của doanh nghiệp không đạt được và là điều doanh nghiệp thực sự lo lắng.
Trường hợp có dấu hiệu chuyển giá, trốn thuế của Coca Cola tại Việt Nam, chúng ta có nhiều dòng nước giải khát của Việt Nam, nước ngoài như Pepsi nếu Cocacola thực hiện hành vi trốn thuế, chuyển giá người tiêu dùng vẫn có nhiều cơ hội để sử dụng các sản phẩm của các doanh nghiệp khác.
Người tiêu dùng thấy doanh nghiệp FDI kinh doanh không lành mạnh, không đúng đắn thì người ta sẽ đánh giá tích cực hơn về các doanh nghiệp Việt Nam và quyết định lựa chọn sản phẩm của doanh nghiệp đó mặc dù mẫu mã hay hình thức của sản phẩm có thể chưa hấp dẫn bằng.
Theo GDVN