Hội thảo đã nêu bật sự ủng hộ ngày càng gia tăng của công chúng tại Việt Nam đối với việc chấm dứt hoạt động buôn bán. Kể từ năm 2019, FOUR PAWS đã nhận được hơn 2,2 triệu chữ ký trên toàn thế giới, trong đó bao gồm 250.000 chữ ký của người dân Việt Nam, kêu gọi chấm dứt hoạt động này ở Việt Nam cũng như trên toàn Đông Nam Á.

Bác sỹ Karan Kukreja, Trưởng chương trình Động vật đồng hành tại Đông Nam Á của FOUR PAWS, cho biết: “Chúng tôi rất vinh dự khi được tổ chức hội thảo lần thứ hai với các bên hữu quan ngày hôm nay để sớm chấm dứt hoạt động buôn bán thịt chó và mèo ở Việt Nam. Có thể thấy mỗi năm qua, sự ủng hộ của công chúng với việc chấm dứt này ngày càng gia tăng và điều đó được chứng minh thông qua hơn 2,2 triệu chữ ký trên toàn cầu cùng sự ủng hộ của đông đảo công chúng Việt Nam với chuyến xe “Hành trình yêu thương” của chúng tôi qua 3 miền đất nước, hay hơn 20 nghìn bức thư được gửi đến thủ tướng chính phủ ủng hộ việc ra luật cấm. Việc chấm dứt buôn bán thịt chó và mèo cần sớm được thực hiện để đáp ứng mong đợi của công chúng, giảm thiểu rủi ro các bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người và tăng cường hình ảnh du lịch thân thiện của Việt Nam. FOUR PAWS luôn sẵn sàng hợp tác với các bên để đưa ra những giải pháp phù hợp nhất”.

Sự kiện “Hành trình yêu thương - Vì phúc lợi hàng triệu chó và mèo ở Việt Nam" cũng là cơ hội để các đại biểu quốc tế chia sẻ kinh nghiệm trong việc cấm buôn bán thịt chó và mèo. Cụ thể, ông Lin Sileap đến từ Ủy ban Chăn nuôi và Thú y, thuộc Sở Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản tỉnh Siem Reap - Campuchia, đã trình bày về những thách thức và thành công của lệnh cấm buôn bán thịt chó tại Siem Reap vào năm 2020.

Một bài thuyết trình từ bà Lola Webber, chuyên gia độc lập về hoạt động buôn bán thịt chó mèo, cũng như  cố vấn cho Tổ chức Humane Society International (HSI) trong chiến dịch chống buôn bán thịt chó tại Hàn Quốc, đã cung cấp đến đại biểu tham dự hội thảo những hiểu biết sâu sắc về bối cảnh buôn bán thịt chó tại Hàn Quốc và những nỗ lực, bước tiến dẫn đến lệnh cấm mang tính đột phá đối với ngành kinh doanh, buôn bán thịt chó tại Hàn Quốc vào tháng 1 năm 2024.

Cũng tại tại hội thảo, các chuyên gia về du lịch, viện thú y và chính quyền địa phương đã thảo luận và chia sẻ các ý kiến để đánh giá tác động của việc buôn bán thịt chó và mèo đối với danh tiếng của Việt Nam như một điểm đến du lịch.

Bà Vũ Hương Giang – Giám đốc điều hành và điều phối bền vững công ty du lịch EASIA Travel, cho biết: “Du khách quốc tế ngày càng quan tâm đến phúc lợi động vật và các thực hành du lịch có đạo đức. Easia đã rất nỗ lực trong việc nâng cao nhận thức cho khách hàng về hoạt động buôn bán thịt chó và mèo, cách hành xử đúng đắn với động vật đồng hành để đảm bảo an toàn, và cung cấp các trải nghiệm không tàn nhẫn, ví dụ như các tour ẩm thực không liên quan đến thịt chó, mèo. Việc hợp tác với các tổ chức như FOUR PAWS và các cơ quan chính phủ là rất cần thiết để tạo ra thay đổi trong toàn ngành, đồng thời định vị Việt Nam như một quốc gia dẫn đầu về thực hành du lịch bền vững”.

Bà Trần Thị Hồng Trang - Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp Hội An, nhấn mạnh: “Việc Hội An trở thành một thành phố không thịt chó và mèo đã cải thiện hình ảnh du lịch của thành phố, đồng thời phù hợp với các mục tiêu phát triển du lịch bền vững của quốc gia. Trong khi những nhận thức tiêu cực về việc chấm dứt hoạt động buôn bán thịt chó và mèo vẫn còn tồn tại có thể làm suy giảm nỗ lực thu hút du khách quốc tế của du lịch Việt Nam”.

Những ý kiến, kinh nghiệm và chia sẻ của các đại biểu tham dự hội thảo đã mang lại nhiều cơ hội và thông tin quý báu cho các bên để góp phần xây dựng một đất nước Việt Nam thân thiện với con người và động vật, không còn hoạt động buôn bán thịt chó và mèo.

FOUR PAWS cam kết sẽ tiếp tục hợp tác với Chính phủ cùng các bên liên quan để đề ra hướng giải quyết cho các rủi ro của nạn buôn bán, hướng đến chấm dứt buôn bán thịt chó và mèo ở Việt Nam.

Khánh Yên