THCL Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương và UBND các tỉnh, thành phố kiểm tra việc tuân thủ các yêu cầu về môi trường ở các nhà máy thép. Xử lý nghiêm, kể cả việc dừng hoạt động hoặc đóng cửa các nhà máy không đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.
Việc phát triển ngành thép còn nhiều hạn chế, cần tập trung giải quyết
Đó là một trong những nội dung chỉ đạo tại Thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về tình hình triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép, giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2025.
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, thời gian tới, đánh giá lại cung - cầu thép ở Việt Nam trên cơ sở đánh giá cung cầu thép thế giới, khu vực để điều chỉnh và đề xuất các giải pháp Quy hoạch tổng thể cho giai đoạn đến 2025, tầm nhìn đến 2035; đồng thời, xây dựng kế hoạch triển khai Quy hoạch phù hợp với điều kiện cụ thể.
Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống sản xuất thép với công nghệ tiên tiến, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn tài nguyên, năng lượng của đất nước, bảo vệ môi trường sinh thái tại các khu vực sản xuất và kinh doanh thép. Từng bước loại bỏ các cơ sở sản xuất nhỏ với công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều nguyên liệu, năng lượng và ô nhiễm môi trường.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu khuyến khích các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp trong nước đầu tư sản xuất gang, phôi thép, thép thành phẩm, sản xuất thiết bị luyện, cán thép đạt tiêu chuẩn quốc tế. Có chính sách ưu đãi đầu tư đối với các dự án sản xuất gang, thép hợp kim, thép chất lượng cao từ quặng sắt với quy mô lớn. Hạn chế đầu tư sản xuất các sản phẩm trong nước đã đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng.
Dự báo, trong thời gian tới, nhu cầu thép cho nền kinh tế ngày càng tăng cao, đặc biệt trong lĩnh vực cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ. Để ngành thép đáp ứng tốt nhu cầu phát triển, góp phần tăng trưởng kinh tế đất nước, Phó Thủ tướng giao Bộ Công thương khẩn trương rà soát Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép, giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2025 để điều chỉnh phù hợp với nhu cầu thực tế, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Phó Thủ tướng giao Bộ Công thương chủ trì cùng các bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng và các cơ quan liên quan đề xuất cơ chế, chính sách để phát triển ngành công nghiệp thép nói chung; đồng thời lựa chọn các công nghệ, chủng loại sản phẩm cần ưu tiên phát triển để có cơ chế hỗ trợ phù hợp.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương và UBND các tỉnh, thành phố kiểm tra việc tuân thủ các yêu cầu về môi trường ở các nhà máy thép. Xử lý nghiêm, kể cả việc dừng hoạt động hoặc đóng cửa các nhà máy không đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.
Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát lại các chính sách thuế về xuất nhập khẩu để thúc đẩy phát triển ngành thép. Sớm nghiên cứu việc giảm thuế xuất khẩu đối với xỉ luyện thép để tạo điều kiện tiêu thụ phế thải này, giảm tác động đến môi trường, đồng thời tăng thêm nguồn thu ngoại tệ.
Các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Quy hoạch ngành thép, chấp hành các tiêu chuẩn kỹ thuật và môi trường trong công tác cấp phép đầu tư và giám sát hoạt động của các dự án sản xuất thép theo quy định.
Trong những năm qua, ngành thép Việt Nam đã có những bước phát triển quan trọng: Năng lực sản xuất ngày càng tăng, sử dụng công nghệ tiên tiến, đáp ứng yêu cầu về môi trường; tốc độ tăng trưởng sản lượng thép của các năm 2014 - 2015 đạt 19,8 - 21,8%. Năm 2015, Việt Nam đã trở thành nước tiêu thụ nhiều thép nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Hệ thống sản xuất và phân phối đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu thép xây dựng cả nước (khoảng 6 triệu tấn thép xây dựng trong tổng cầu khoảng 20 triệu tấn thép). Một số doanh nghiệp trong nước đã vươn lên trong việc áp dụng công nghệ hiện đại, đầu tư chiều sâu và đầu tư mới một số cơ sở sản xuất phôi thép, nhờ đó tăng năng lực sản xuất phôi thép trong cả nước, tạo cơ sở quan trọng để ngành thép Việt Nam phát triển.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển ngành thép còn nhiều hạn chế, cần tập trung giải quyết như chất lượng quy hoạch chưa cao, các dự án còn manh mún, chưa có tính hệ thống, chưa gắn với nhu cầu đa dạng của nền kinh tế. Công tác xây dựng kế hoạch và giám sát thực hiện quy hoạch chưa được triển khai quyết liệt, chưa cân đối được các nguồn lực để thực hiện dẫn đến việc thực hiện theo quy hoạch không hiệu quả, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của nền kinh tế.
Thái Bình