Theo thông tin từ UBND tỉnh Đồng Nai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng đã ký văn bản gửi: Tổng công ty Tín Nghĩa, Tổng công ty cổ phần Phát triển khu công nghiệp (Sonadezi) và Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico) về việc cung cấp lương thực, thực phẩm phục vụ người dân trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, UBND tỉnh Đồng Nai giao Tổng công ty Tín Nghĩa, Sonadezi và Dofico chuẩn bị đầy đủ các quầy hàng lương thực, thực phẩm như: thịt, rau củ quả… để cung cấp kịp thời đến người dân trên địa bàn tỉnh.
Các tổng công ty nói trên có trách nhiệm phối hợp với Sở Công Thương Đồng Nai, UBND các địa phương trong tỉnh nắm rõ số lượng cần thiết và bố trí các quầy hàng phục vụ cho người dân đảm bảo công tác phòng, chống dịch.
UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã giao UBND các huyện, thành phố trên địa bàn của tỉnh có trách nhiệm bố trí địa điểm phù hợp cho các tổng công ty tổ chức phục vụ người dân, lưu ý khi tổ chức thực hiện phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Đồng thời, giao cho Sở Công Thương Đồng Nai là đơn vị đầu mối hướng dẫn, điều phối thực hiện các các quầy hàng lương thực, thực phẩm (thịt, rau củ quả…) nói trên đạt hiệu quả. Thời gian triển khai chậm nhất là ngày 3/8/2021.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng, trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc, Sở Công Thương Đồng Nai chủ động phối hợp các địa phương và đơn vị liên quan báo cáo đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện.
Trong những ngày đầu Đồng Nai áp dụng các biện pháp cách ly xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên phạm vi toàn tỉnh, chợ đóng cửa, hàng quán ngưng hoạt động khiến việc mua lương thực, thực phẩm của người dân gặp không ít khó khăn. Để đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa và an toàn trong mua bán, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương nghiên cứu mở các điểm bán hàng lưu động.
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, TP.Biên Hòa đã mở 5 điểm bán hàng bình ổn tại các phường: Thống Nhất, Tân Mai, Long Bình, Tam Hòa, Tân Phong. Tiếp theo đó, TP.Biên Hòa mở thêm 10 điểm bán nhu yếu phẩm lưu động tại các phường: An Hòa, Trảng Dài, Hiệp Hòa, Tân Vạn, Bửu Hòa, Bửu Long, Trung Dũng, Tân Hạnh, Tân Hiệp.
Mặc dù là mô hình mới, thời gian chuẩn bị và triển khai gấp gáp, nhân viên bán hàng không chuyên nghiệp, nguồn cung bị động nhưng trong thời gian ngắn, các “chợ” mới đều hoạt động trôi chảy, tuân thủ tốt quy định phòng, chống dịch, được người dân đồng tình và ủng hộ.
Cũng nhằm đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu cho người dân, Sở Công thương đã kết nối với Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam, Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Anh Hoàng Thy và một số doanh nghiệp mở điểm bán hàng bình ổn giá tại các phường, xã trên địa bàn TP.Biên Hòa.
Trước đó tại cuộc họp bàn giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vào ngày 1/8/2021, ông Nguyễn Phú Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai yêu cầu các cơ quan liên quan mời 3 tổng công ty gồm: Tổng Công ty Tín Nghĩa, Sonadezi và Dofico để làm việc, phối hợp phân phối, bán hàng lưu động cho nhân dân.
Theo ông Nguyễn Phú Cường, việc mời các tổng công ty nói trên tham gia cung cấp lương thực, thực phẩm sẽ góp phần không để xảy ra tình trạng người dân đi siêu thị phải xếp hàng dài, đến lúc vào được siêu thị thì hết đồ để mua. Các tổng công ty mở các quầy bán hàng thiết yếu mà nhà nước quản lý, thực hiện nghiêm 5K để đáp ứng yêu cầu của người dân cũng góp phần không để đứt gãy chuỗi cung ứng sản phẩm.
Sở Công thường tỉnh Đồng Nai cũng đã chấp thuận cho một số đơn vị như: Công ty TNHH MTV Trịnh Phong Giang (H.Cẩm Mỹ), Công ty TNHH Sản xuất thương mại và dịch vụ Linh Chi Minh Dũng (TP.Long Khánh) tổ chức các chuyến xe bán hàng thiết yếu lưu động. Tham gia bán hàng, các đơn vị phải tuân thủ nghiêm quy định phòng, chống dịch; niêm yết giá công khai và chỉ được bán những hàng trong danh mục hàng hóa thiết yếu.
Ngoài các điểm lưu động đặt tại các xã, phường, thời gian này, các tổ chức đoàn thể cũng vào cuộc mở các điểm bán hàng phục vụ nhân dân. Để việc mua bán diễn ra nhanh chóng và thuận tiện, các điểm bán đã thiết kế các combo thực phẩm đa dạng với khối lượng phù hợp để người mua sử dụng trong nhiều ngày.
Tính đến nay, TP.Biên Hòa đã triển khai được hơn 20 điểm bán hàng thiết yếu, giá bình ổn tại các phường, xã; Sở Công thương kết nối gần 10 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng lương thực, thực phẩm tham gia bán hàng bình ổn giá cho người dân. Ngoài ra, các lực lượng như: Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Chữ thập đỏ các cấp và Sở NN-PTNT đã và đang và tổ chức nhiều điểm bán hàng bình ổn giá, đồng giá, giá 0 đồng. Các điểm bán hàng này dự kiến hoạt động đến hết thời gian thực hiện cách ly theo Chỉ thị 16.
Hải Dương