Mục đích của kế hoạch nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang trồng các loại cây ăn trái, cây hàng năm khác có giá trị kinh tế cao, để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho hộ sản xuất; tổ chức lại sản xuất nông nghiệp ở một số vùng, khu vực nhằm khai thácđược những lợi thế về đất đai, điều kiện tự nhiên của từng địa phương, tạo thuận lợi để phát triển nông nghiệp bền vững; hình thành các vùng sản xuất chuyên canh với khối lượng sản phẩm lớn, tạo thành vùng sản xuất hàng hóa, xây dựng được thương hiệu cho nông sản Đồng Tháp, xây dựng mã số vùng trồng phục vụ cho xuất khẩu.
Trong đó, Đồng Tháp chuyển đổi sang cây hàng năm 3.858 ha, cây lâu năm 1.205,5 ha và trồng lúa kết hợp nuôi trồng thuỷ sản 37 ha. Đối với cây lâu năm, các loại cây có diện tích chuyển đổi lớn gồm: Cây xoài, mít, chanh, ổi, cam... Đối với cây hàng năm, chủ yếu là các loại hoa màu như: Ớt, dưa hấu, bắp, kiệu, sen…
Cũng theo kế hoạch, việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải đúng quy định của pháp luật về quản lý đất đai và phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đồng thời, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng bảo đảm khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng sẵn có phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương, bảo đảm phục hồi lại hiện trạng ban đầu để trồng lúa trở lại khi cần thiết và việc chuyển đổi từ trồng lúa sang các loại cây trồng khác phải thực hiện theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, chuyển đổi từ đất trồng lúa sang các loại cây trồng khác phải lựa chọn cây trồng, cơ cấu giống, thời vụ, kỹ thuật chăm sóc, thâm canh phù hợp để việc chuyển đổi bảo đảm hiệu quả kinh tế cao, ổn định và bền vững.
Thuận Yến - Thuỳ Linh