Bà Choueiri khuyến nghị, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) nên tiếp tục thận trọng và nên thực hiện việc tăng lãi suất một cách từ từ, do khả năng lạm phát vẫn còn nhiều bất ổn.
Gần đây, đồng Yen đã tiếp tục giảm so với đồng USD do kỳ vọng chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Nhật Bản sẽ vẫn ở mức cao.
Điều này khiến chính phủ Nhật Bản lo ngại về tác động tiêu cực đến các hộ gia đình do chi phí nhập khẩu tăng cao.
Tuy nhiên, bà Choueiri cho rằng, lợi ích từ việc xuất khẩu tăng do đồng Yen yếu đã vượt qua chi phí nhập khẩu tăng đối với Nhật Bản, một nền kinh tế "rất hướng ngoại". Do đó, sự mất giá của đồng Yen về cơ bản có lợi cho tăng trưởng của đất nước Mặt trời mọc.
Sự sụt giảm của đồng nội tệ đã khiến Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Katsunobu Kato đưa ra cảnh báo rằng những biến động "đơn phương, nhanh chóng" gần đây của đồng Yen cần được "theo dõi chặt chẽ".
Sau khi kết thúc chương trình kích thích kinh tế kéo dài 10 năm hồi tháng 3/2024, BoJ đã tăng lãi suất ngắn hạn lên 0,25% vào tháng 7/2024 và báo hiệu sẽ tiếp tục tăng lãi suất nếu nền kinh tế tiến triển tốt hướng tới mục tiêu lạm phát 2% một cách bền vững.
IMF dự báo, lạm phát của Tokyo sẽ đạt mức 2% một cách bền vững, nhờ nhu cầu trong nước, qua đó đáp ứng điều kiện tiên quyết cho việc tăng lãi suất.
Tuy nhiên, BoJ cần thận trọng trong việc tăng lãi suất do nhiều rủi ro khác nhau, chẳng hạn như tác động tiêu cực tiềm ẩn đến xuất khẩu từ sự phân mảnh thương mại, khả năng suy yếu của tiêu dùng và tăng trưởng tiền lương, cũng như tác động của biến động đồng Yen lên lạm phát.
Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới được công bố trong tháng này, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản sẽ tăng tốc từ mức 0,3% trong năm nay lên 1,1% vào năm 2025 do tiền lương thực tế tăng thúc đẩy tiêu dùng.
Tân Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba cam kết sẽ lập ngân sách bổ sung để tài trợ cho một gói chi tiêu quy mô lớn khác sau cuộc tổng tuyển cử hôm 27/10.
Theo Reuters