Kết thúc phiên thảo luật Dự án Bộ luật Dân sự (BLDS) sửa đổi ngày 25-11, phó chủ tịch Quốc hội (QH) Uông Chu Lưu đề nghị, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát lại tất cả chế định, phản ánh được ý kiến của các đại biểu (ĐB) QH, để có được bộ luật hoàn chỉnh, có chất lượng, trình lấy ý kiến nhân dân vào đầu năm 2015.
Phân định các hình thức sở hữu
Sửa đổi,bổ sung BLDS không chỉ nhằm giải quyết những vấn đề vướng mắc, tồn tại mà quan trọng hơn phải phản ánh, bảo vệ, phát huy được giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng bộ luật này trở thành luật chung của hệ thống pháp luật liên quan các quan hệ dân sự, kinh tế, thương mại, góp phần bảo đảm tính ổn định, bền vững của các quan hệ xã hội trên cở sở kế thừa, phát triển pháp luật dân sự Việt Nam,. Dự thảo BLDS quy định hai phương án về hình thức sở hữu (HTSH). Theo đó, phương án 1 xác định ba HTSH sở hữu toàn dân, sở hữu riêng và sở hữu chung; phương án 2 xác định hai HTSH là sở hữu riêng và sở hữu chung; đồng thời ghi nhận HTSH đối với tài sản công thuộc sở hữu toàn dân là sở hữu cung hợp nhất do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
Nhiều ĐBQH tán thành cần sửa đổi quy định về phân loại HTSH, bởi việc quy định HTSH theo cách liệt kê như BLDS hiện hành không bảo đảm tính ổn định do các chủ thể này luôn thay đổi, biến động theo sự phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, việc phân loại HTSH theo cách nào, có bao nhiêu HTSH, hiện có hai luồng ý kiến khác nhau.
Theo một số ĐBQH, nếu chọn phương án chỉ hai HTSH sẽ không thể hiện đầy đủ tính chất “ nhiều HTSH” của nền kinh tế nhiều thành phần và không bao quát hết các quy định cụ thể về sở hữu trong hiến pháp ( sở hữu toàn dân, sở hữu tư nhân…) ĐBQH Nguyễn Thành Bộ ( Thanh Hóa) góp ý: “ phương án 1 thể hiện được đầy đủ, bao quát loại HTSH đang tồn tại ở nước ta, trong đó bao hàm được sở hữu pháp nhân nằm trong nội hàm sở hữu chung. Mặt khác, bảo đảm được sự thống nhất giữa BLDS với quy định trong Hiến Pháp về sở hữu toàn dân”.
Trong khi đó, lại có ý kiến cho rằng, việc xác định HTSH phản căn cứ sự khác biệt trong cách thức thực hiện các quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt của chủ sở hữu đối với tài sản chứ không phải căn cứ vào yếu tố ai là chủ thể của quyền sở hữu như quy định hiện hành.
Khái niệm còn hàn lâm, khó hiểu
Dự thảo đề xuất sử dụng các thuật ngữ mới thay thế các khái niệm đang sử dụng rất phổ biến. Thí dụ “ GDDG” ( giao dịch dân sự) thay bằng “ hành vi pháp lý”, tài sản và quyền sở hữu tài sản” thay bằng “ vật quyền, trái quyền”. Nhiều ĐBQH cho rằng, những khái niệm “ vật quyền”, “ trái quyền”. Nhiều ĐBQH cho rằng, những khái niệm “ vật quyền”, “ trái quyền”, “ hành vi pháp lý” có thể đúng về lý thuyết hàn lâm, nhưng nếu thay đổi sẽ tạo ra xáo trộn lớn trong toàn bộ hệ thống pháp luật vốn dựa trên các thuật ngữ quen thuộc của BLDS hiện hành. Trong khi, về bản chất các thuật ngữ này không có sự thay đổi về nội hàm.
ĐBQH Vũ Tiến Lộc ( Thái Bình) phân tích, về kết cấu lại phần tài sản và quyền sở hữu, BLDS hiện hành thiết kế chế định này khá đơn phương, vì vậy rất mạch lạc, bao gồm quy định về tài sản và các quy định xoay quanh các nội dung về quyền sở hữu và các trường hợp hạn chế quyền sở hữu. Dự thảo mới đã kết cấu lại toàn bộ các chế định này theo hướng tách vấn đề tài sản để đưa vào phần chung, còn quyền sở hữu phân định lại theo “ vật quyền” và “ trái quyền”. Trong “ vật quyền” quy định theo hai trục riêng, gồm chủ sở hữu và chủ sở hữu không phải quyền sở hữu.
“ Cách kết cấu này có thể phù hợp, nếu đây là một giáo trình pháp luật với các lý thuyết hàn lâm về quyền sở hữu trong một hệ thống pháp luật đã vận hành ổn định, bền vững và khoa học qua cả trăm năm, như những hệ thống pháp luật của một số nước phát triển. Nhưng với hệ thống pháp luật của Việt Nam còn non trẻ, thì việc đảo lộn các quy định như thế là không thích hợp, nếu không nói là khá rủi ro. Đặc biệt là xét về góc độ tác động của nó đến hệ thống pháp luật chuyên ngành”, ĐB Vũ Tiến Lộc phân tích.
Hơn nữa, trên thực tế gần 10 năm thi hành BLDS năm 2005, không có sự ghi nhận nào về những vướng mắc phát sinh do không sắp xếp các quyền dân sự thành “ trái quyền” hay “ vật quyền”. Cũng không có phản ánh nào về khó khăn do không quy định riêng về quyền của người không phải chủ sở hữu, càng không có vấn đề gì về các thuật ngữ sử dụng. “ Nếu không có những vướng mắc trên thực tế như vậy, tôi thấy không cần thay đổi”, ĐB Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Để bảo đảm tính khả thi cho luật, ĐBQH Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh) đề nghị, cơ quan soạn thảo phải xem xét, giải thích rõ ràng, lý do vì sao sửa đổi các thuật ngữ, khái niệm, lợi ích của việc thay đổi các thuật ngữ đó, khái niệm đó và có thay đổi được căn bản đối tượng, phạm vi điều chỉnh không. Trong trường hợp thay đổi được căn bản những đối tượng và hành vi điều chỉnh cần phải dùng thuật ngữ mới thì chúng ta dùng, , nhưng phải giải thích thật rõ. Những từ ngữ đó, những thuật ngữ đó còn rất lạ tai, rất mới, đối với chúng ta cũng rất khó hiểu, chưa nói đối với những người dân tham gia GDDS thường xuyên lại càng khó hiểu.
Cùng quan điểm này, ĐB Trần Hồng Hà ( Vĩnh Phúc), ĐB Nguyễn Bá Thuyền ( Lâm Đồng) cho rằng, chúng ta sử dụng những từ ngữ sẽ làm cho tòa án, kiểm sát hiểu sai, gây oan sau cho dân thì nên sửa. Nếu thấy dùng thuật ngữ đó mà ổn định, lâu dài không có vấn đề gì, không hiểu sai thì không nên sửa. “ Tất nhiên, có nhiều vấn đề chúng ta thấy trong pháp luật dân sự của các nước quy định đúng là như thế, nhưng có phù hợp thực tiễn Việt Nam hay không cần phải nghiên cứu, cân nhắc”, ĐB Nguyễn Bá Thuyền góp ý.
Theo Thời Nay