Nếu dự án chậm tiến độ, mỗi ngày phía Việt Nam phải bồi thường số tiền 01 triệu USD (tương đương khoảng 23 tỷ đồng). Nếu chậm tiến độ 6 tháng, số tiền phía Việt Nam phải bồi thường lên tới khoảng 5.000 tỷ đồng. Nếu quá 6 tháng, hợp đồng BOT NMNĐ Vân Phong 1 sẽ bị chấm dứt sớm và Chính phủ Việt Nam phải mua lại nhà máy.
3 thách thức lớn cản trở tiến độ Dự án
Để thực hiện nghĩa vụ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nói riêng theo Hợp đồng mua bán điện, cũng như thực hiện nghĩa vụ của phía Việt Nam theo Hợp đồng BOT của Dự án NMNĐ BOT Vân Phong 1, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã nỗ lực hết sức để đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án trong tất cả các giai đoạn từ chuẩn bị đầu tư, đấu thầu, giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, quá trình thẩm tra, phê duyệt thủ tục đầu tư dự án của các cơ quan có thẩm quyền ngoài EVN bị kéo dài, do vậy dự án mới được khởi công vào tháng 7/2021. Mặc dù đã được khởi công, nhưng dự án còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc cần sớm có giải pháp tháo gỡ.
Cụ thể, về phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, tại tỉnh Khánh Hoà có 117 vị trí móng cột nằm trên đất rừng, trong đó 46 vị trí móng nằm trên đất rừng tự nhiên và 71 vị trí móng nằm trên đất rừng trồng. Tại tỉnh Ninh Thuận có 27 vị qua rừng tự nhiên, 14 vị trí qua rừng trồng phòng hộ. Đến nay, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia đã hoàn thành công tác kiểm kê, đánh giá hiện trạng rừng phần móng trụ và đường tạm thi công, đã hoàn thành thẩm định kết quả đánh giá hiện trạng rừng qua địa bàn các huyện, thị xã liên quan và đã trình UBND các tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận. Hiện các thủ tục này vẫn đang chờ các địa phương trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định trước khi trình Thủ tướng.
Trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB), đến nay vẫn còn 120/172 vị trí móng (tỷ lệ gần 70%) trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà và 128/132 vị trí móng (gần 97%) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng để bàn giao cho nhà thầu thi công. Tỉnh Ninh Thuận và Khánh Hòa đã ban hành thông báo thu hồi đất cho dự án. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các thủ tục thực hiện tiếp theo về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đang tạm dừng, trong đó nhiều huyện chưa lập và ban hành được giá đất cụ thể, chủ trương mức hỗ trợ đất trong hành lang tuyến cũng chưa được UBND các tỉnh ban hành.
Một khó khăn lớn khác mà EVN đang gặp phải đối với dự án này là công tác lựa chọn nhà thầu xây lắp và cung cấp vật tư thiết bị. Cụ thể, trong bối cảnh giá nguyên vật liệu (đặc biệt là giá các loại kim loại), vật tư thiết bị, chi phí nhân công tăng cao do biến động của thị trường và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Cần ban hành cơ chế đặc biệt
Do thời gian còn lại để triển khai dự án không còn nhiều (khoảng 15 tháng) với khối lượng công việc rất lớn, lãnh đạo Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia sẽ thường trực trên công trường, sẵn sàng phối hợp kịp thời với các địa phương để giải quyết các vấn đề phát sinh hàng ngày, đảm bảo tiến độ bàn giao từng vị trí móng cột và hành lang tuyến, đồng thời sẽ huy động mọi lực lượng và kinh nghiệm để thực hiện dự án đảm bảo đóng điện vào tháng 12/2022. Tuy nhiên, để đảm bảo tiến độ dự án, ngoài những nỗ lực từ phía rất cần sự sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của các cấp lãnh đạo các tỉnh và các Bộ, ngành liên quan.
Để thúc đẩy tiến độ các dự án nhằm đáp ứng mục tiêu hoàn thành theo cam kết về chuyển mục đích sử dụng đất rừng, EVN đã có văn bản kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận hỗ trợ giải quyết nhanh các thủ tục có liên quan đến nội dung chuyển đổi mục đích sử dụng rừng (bao gồm cả các đoạn tuyến liên quan đến rừng thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng của HĐND tỉnh) để có thể hoàn thành các thủ tục pháp lý về rừng trước 31/12/2021. Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, EVN kiến nghị công tác thẩm định hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng do UBND các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận chủ trì được thực hiện theo hình thức trực tuyến, việc kiểm tra hiện trường (nếu cần thiết) sẽ hậu kiểm trong quá trình chủ đầu tư triển khai thực hiện công tác chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng.
Tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận vào các ngày 9 và 10/9/2021, Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân đã kiến nghị UBND các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận chỉ đạo việc hoàn thành từng thủ tục pháp lý trong quá trình thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng để bàn giao tất cả các vị trí móng và mặt bằng trạm của dự án chậm nhất là 30/12/2021, bàn giao hành lang an toàn lưới điện chậm nhất là tháng 6/2022. EVN cũng kiến nghị các địa phương thành lập Ban chỉ đạo công tác bồi thương giải phóng mặt bằng tại các tỉnh và các huyện liên quan để tập trung chỉ đạo công tác bồi thường giải phóng mặt bằng cho dự án trong thời gian từ tháng 9/2021 đến tháng 6/2022.
EVN cũng kiến nghị UBND các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận chủ trì tổ chức họp giao ban công tác định kỳ bồi thường giải phóng mặt bằng để tổng hợp tình hình và chỉ đạo giải quyết, có biện pháp xử lý cương quyết đối với những trường hợp không chấp hành phương án bồi thường đã được phê duyệt hoặc cố tình cản trở việc thi công công trình; tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong tỉnh về công tác bồi thương giải phóng mặt bằng cho dự án. Đồng thời, EVN kiến nghị UBND các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương chuyển đổi đối với rừng tự nhiên và trình HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương chuyển đổi đối với rừng trồng trong tháng 9/2021.
Phát biểu tại các cuộc làm việc trực tuyến vào đầu tháng 9 vừa qua, lãnh đạo các tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận đều khẳng định đây là dự án trọng điểm, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội của đất nước và của địa phương. Chính vì thế, đối với những đề xuất kiến nghị của EVN, lãnh đạo 2 tỉnh đều cam kết sẽ chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương trong tỉnh vào cuộc quyết liệt, tích cực vận động nhân dân bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Lãnh đạo 2 tỉnh cũng khẳng định, địa phương đặt quyết tâm cao nhất, hỗ trợ tối đa EVN để hoàn thành dự án này đúng tiến độ.
Dự án đường dây 500kV Vân Phong – Vĩnh Tân
- Chủ đầu tư: Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam)
- Quản lý điều hành Dự án: Ban QLDA các công trình điện miền Trung;
- Quy mô: Xây dựng mới đường dây 500kV 2 mạch dài khoảng 156,78km từ Nhiệt điện Vân Phong đến điểm D (G36A) – Điểm đấu nối TBA 500kV Thuận Nam vào đường dây 500kV NĐ Vân Phong – NĐ Vĩnh Tân.
- Dự án đi qua tỉnh Khánh Hòa (các huyện Ninh Hòa, Diên Khánh, Cam Lâm và TP Cam Ranh) và tỉnh Ninh Thuận (các huyện Bác Ái, Ninh Phước, Ninh Sơn, Thuận Nam).
- Nhiệm vụ: Giải phóng công suất của Trung tâm Điện lực Vân Phong (trong đó có Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1), Nhà máy Thủy điện tích năng Bác Ái và các nguồn năng lượng tái tạo khu vực tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận vào hệ thống điện quốc gia.
PV