TS. Nguyễn Trí Hiếu
"Vậy có cách gì để hóa giải xung đột quyền lợi của hai bên, để tìm được tiếng nói chung giúp cho dòng vốn được khơi thông?. PV đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính đầu ngành, người Việt Nam đầu tiên kinh doanh ngân hàng trên đất Mỹ, từng có 32 năm kinh nghiệm làm ngành tài chính ngân hàng tại Mỹ, Đức, cùng chục năm làm ngân hàng ở Việt Nam, để mong tìm ra một giải pháp hài hòa lợi ích, mang lại hiệu quả cao cho nền kinh tế.
Thưa TS Nguyễn Trí Hiếu, thực sự quy mô gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ DN ngày càng "leo thang", nhưng cũng tỷ lệ thuận với số lượng DN thông báo "chết lâm sàng". Dường như dòng vốn vẫn bị tắc nghẽn?
Sau khi Chính phủ công bố gói tín dụng 285 nghìn tỷ, rất nhiều ngân hàng đã vào cuộc. Ngày 17/4, gói tín dụng này được nâng quy mô lên 600.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc đăng ký này không nói lên điều gì cả, tôi cảm giác nhiều ngân hàng đăng ký để lấy tên cho mọi người biết đến, chứ không cho vay được bao nhiêu, và thực tế là chưa thấy "tiền tươi thóc thật".
Thực ra, ngân hàng cũng muốn cho vay chứ, vì nếu để tiền ngưng trệ không lưu thông, không thanh khoản, chính họ cũng sẽ rơi vào tình trạng lâm nguy trước?
Gói này là tiền của ngân hàng, dùng để giảm lãi suất, giãn thời hạn trả nợ, cho vay mới, và không chuyển sang nhóm nợ xấu đối với những khoản nợ cũ chưa trả được.
Tôi đã nói chuyện với rất nhiều DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa (DNNVV), và đều nhận được câu là tiền chưa đến được tay họ. Cá nhân tôi cũng cảm nhận hình như là thế, vì những DN được vay vốn là DN đều đang có khả năng chịu đựng trong thời điểm khó khăn này, còn những DN thực sự khó khăn và cần vốn để có thể cầm cự và vượt qua đại dịch, cần tiền để trả lương cho người lao động, cần tiền để đóng thuế, trang trải các chi phí khác thì hầu như không được vay vốn.
Như vậy, vô hình trung, gói tín dụng này tiếp tục tái diễn tình trạng "nước chảy chỗ trũng", và nó chỉ dành cho khách hàng tốt, khách hàng thân thiết và khó vừa phải, chứ với những DN thức sự khó khăn, các ngân hàng đang tìm cách tránh rót vốn. Điều này cũng không thể trách ngành ngân hàng bởi vì họ cũng là DN, vốn của họ là huy động từ nền kinh tế và họ phải chịu trách nhiệm trong việc bảo toàn đồng vốn, giúp đồng vốn sinh lời, không thể bắt họ làm từ thiện, bỏ tiền túi ra được.
Thực tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã liên tục tổ chức các cuộc họp trực tuyến, ra các văn bản chỉ đạo nhằm tháo gỡ khó khăn, giúp khơi thông dòng vốn, vì nếu đẩy được vốn ra nền kinh tế, sẽ là một mũi tên trúng 2 đích: vừa thực hiện được nhiệm vụ chính trị, vừa tự cứu chính bản thân mình.
Nhưng theo tinh thần mà Thống đốc NHNN đưa ra, và cũng được các ngân hàng ủng hộ đó là cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, nhưng sẽ không hạ chuẩn tín dụng để tránh phát sinh nợ xấu?.
Kể cả đứng ở góc độ là chuyên gia kinh tế hay là "người trong nhà" của ngành ngân hàng, tôi đều đồng ý với chủ trương của NHNN là không thể hạ chuẩn tín dụng, chỉ cắt giảm các thủ tục hành chính để hỗ trợ, nếu không sẽ xảy ra nợ xấu, khủng hoảng tài chính như thời kỳ trước đây mà đến bây giờ, chũng ta vẫn chưa giải quyết hết.
Tôi xin nhắc lại về bản chất các ngân hàng thương mại cũng hoạt động theo cơ chế của một DN, tức là cũng chịu sức ép về lợi nhuận. Ngân hàng không thể cho các DN vay vô điều kiện. Bởi đó là nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại bỏ ra. Ngân hàng phải bảo đảm khả năng thu hồi nợ. Nếu giải ngân cho những DN có sức chống chịu kém thì rủi ro sẽ lớn. Do đó, các ngân hàng sẽ phải thận trọng trước khi giải ngân nếu không muốn nợ xấu gia tăng.
Như vậy, bài toán dường như vẫn chưa có lời giải đáp, và dù vốn không thiếu nhưng điều kiện vay cũng… thừa, thưa ông?
Vì thế Chính phủ phải có gói tín dụng dành riêng cho DNNVV. Tôi đặc biệt nhấn mạnh đến nhóm đối tượng DNNVV vì đây là nhóm đối tượng chủ yếu không tiếp cận được các gói tín dụng ưu đãi do các tiêu chí vượt quá khả năng của họ. Đây cũng là nhóm DN dễ bị tổn thương và "ra đi" nhiều nhất trong thời gian qua.
Gói tín dụng dành cho DNNVV sẽ thực hiện cho vay thông qua Quỹ bảo lãnh tín dụng của Chính phủ, với lãi suất thấp và thời gian hỗ trợ phải dài, còn để các ngân hàng tự cho vay thì mâu thuẫn giữa bài toán hai bên này không thể giải quyết được và hậu quả là DN vẫn chết hàng loạt, nền kinh tế sẽ vẫn khủng hoảng.
Một gói tín dụng riêng, song song với gói tín dụng chung cho cả nền kinh tế. Vậy theo ông, khoảng bao nhiêu tiền là hợp lý?
Gói tín dụng rơi vào khoảng 150 nghìn tỷ. Với GDP hiện nay là 300 tỷ USD, 2% là vào khoảng 6 tỷ USD, tương đương 150 nghìn tỷ. Tôi tính toán dựa trên gói tín dụng mà Chính phủ đưa ra vừa rồi: 300 nghìn tỷ hỗ trợ tín dụng, hơn 180 nghìn tỷ hỗ trợ DN về giảm, giãn và miễn thuế, 62 nghìn tỷ hỗ trợ quốc gia về an sinh xã hội, và hơn 800 tỷ đồng hỗ trợ cho Quỹ phát triển DNNVV. Tổng cộng 4 gói này khoảng 550 ngìn tỷ, tương đương 8% GDP. Các nước lớn như Mỹ cũng có gói hỗ trợ vào khoảng 10% GDP, bởi vậy mức 150 nghìn tỷ là tương đối khả thi.
Nhưng với đâu đó 700 nghìn DNNVV và hơn 5 triệu hộ kinh doanh, con số 150 nghìn tỷ đồng dường như cũng chưa thấm vào đâu?
Đúng vậy, mặc dù số tiền này sẽ không đủ hỗ trợ, nhưng tôi tính toán nó sẽ giúp được khoảng 30-50% số DNNVV và 5 triệu hộ kinh doanh. Thực tế hiện nay, nhiều DNNVV đã ngừng hoạt động, các hộ kinh doanh đã đóng cửa hàng loạt, trả mặt bằng, coi như phá sản, thì số tiền này sẽ giúp được 30-50% DNNVV và hộ kinh doanh duy trì được sinh hoạt, trả tiền thuê mặt bằng, trả tiền lương cho người lao động… để khi qua dịch, họ vẫn còn tồn tại và kinh doanh trở lại.
Bài học về sự khủng hoảng năm 2008 khi nền kinh tế đi qua khó khăn, không có nền tảng để phát triển khiến quá trình vực dậy rất vất vả, kéo dài, dẫn đến việc chúng ta đánh mất đi nhiều cơ hội từ những Hiệp định được ký kết mang lại. Vì vậy, cần phải rút kinh nghiệm, tránh đi vào vết xe đổ.
Nhưng có lẽ, trong khó khăn của thời gian chờ ỗ trợ, các DN cũng cần phải tìm cách chủ động tự cứu mình. Là chuyên gia kinh tế, ông có lời khuyên gì cho các DN?
Tôi có 3 ý muốn chuyển tải. Đầu tiên, đó là đừng vì khó khăn tài chính của mình mà lao vào tín dụng đen. Vì đây là cái bẫy cực kỳ nguy hiểm mà khi dính vào thì không có cách gì rút ra được. Các đối tượng này sẽ khủng bố và tìm cách bòn rút đến từng đồng tiền cuối cùng của mình. Vì vậy, tôi nhấn mạnh là đừng "cố đấm ăn xôi" mà lao vào tín dụng đen.
Thế nhưng, hiện các nguồn tín dụng chính thức hiện rất hạn chế, và trong khi chờ đợi Chính phủ cứu, hãy tự cứu mình trước đã. Trong cái khó sẽ ló cái khôn, hãy tự tìm cách giải quyết khó khăn của mình vì chỉ có DN mới hiểu những vấn đề nội tại của họ. Còn giải pháp chung là hãy tìm các DN khác để bổ trợ cho nhau: đàm phán, bắt tay, chia sẻ. Đàm phán để có được giá nguyên liệu hợp lý hơn, đàm phán để cắt giảm bớt các chi phí như nhân công, mặt bằng… Bắt tay để cùng mạnh lên, ví dụ trao đổi sản phẩm, khuyến khích tiêu thụ, sử dụng các sản phẩm của nhau. Tuy nhiên, tôi lưu ý là hãy hợp tác thật sự với phương châm "win-win", tức hai bên cùng có lợi, đừng lợi dụng nhau, phải chung cánh, đoàn kết.
Thứ 3 là hãy duy trì lực lượng lao động ở mức cao nhất có thể. Thương lượng để lao động chấp nhận cắt giảm thu nhập, nghỉ làm luân phiên… nhưng cố gắng đừng sa thải họ. Bởi thứ nhất, với nhiều người lao động, thất nghiệp đồng nghĩa với không còn thu nhập nào để duy trì cuộc sống, khiến họ mất tất cả. Thứ 2, ngay bản thân DN cũng cần duy trì lực lượng này để sau khi dịch bệnh đi qua, khó khăn đi qua, còn có nền tảng mà phục hồi, vì với những lao động có tay nghề, không dễ gì mà tìm kiếm hay đào tạo trong thời gian ngắn.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo CAND