Ảnh minh họa
Theo thông tin từ Bộ Y tế, khi đàm phán về tiếp nhận lô vắc xin này, lãnh đạo 2 nước đã có trao đổi và thống nhất khi lô vắc xin này về Việt Nam sẽ ưu tiên cho những người Trung Quốc đang làm việc tại Việt Nam, người có nhu cầu đi học tập và công tác tại Trung Quốc và cư dân ở khu vực biên giới.
Ngày 3/6 vừa qua, Việt Nam đã chính thức cấp phép khẩn cấp có điều kiện vắc xin Sinopharm trong trường hợp khẩn cấp phòng chống dịch Covid-19. Ngoài Sinopharm, Việt Nam đã cấp phép cho 3 loại vắc xin khác, bao gồm: AstraZeneca, Sputnik V, Pfizer.
Vắc xin Sinopharm của Trung Quốc sử dụng công nghệ virus bất hoạt, một công nghệ sản xuất vắc xin truyền thống giống như sản xuất vắc xin sởi, quai bị, rubella, đậu mùa…
Vắc xin này được nghiên cứu từ tháng 2/2020, cuối tháng 4 cùng năm được phê duyệt thử nghiệm trên người.
Đến ngày 23/6, vắc xin bắt đầu được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tại Các Tiểu vương Quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain, Ai Cập, Peru, Maroc và Argentina.
Ngày 30/12/2020, Cục Quản lý Dược Trung Quốc đã cấp phép sử dụng có điều kiện đối với vắc xin này, công bố hiệu quả bảo vệ đạt 79.34%; tỷ lệ sinh ra kháng thể trung hòa là 99,52%.
Ngày 7/5/2021, vắc xin Sinopharm được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL), ghi nhận hiệu quả bảo vệ đạt 78.2%, trở thành vắc xin thử 6 trên thế giới được xét vào danh sách này.
Như vậy đến nay, Việt Nam sẽ có 3 loại vắc xin, bao gồm gần 4 triệu liều AstraZeneca từ nguồn mua của VNVC, Covax và 1 triệu liều do Nhật Bản tặng; 2.000 liều vắc xin Sputnik V cho Nga tặng và 500.000 liều vắc xin Sinopharm nói trên.
Linh Tuệ