Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), dự kiến trong năm 2024, tiêu thụ thép sẽ tăng khoảng 6,4%, xuất khẩu thép tăng lên gần 13 triệu tấn. Mục tiêu này được đặt ra dựa trên kỳ vọng GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng 6-6,5% trong năm nay. Bên cạnh đó, nhu cầu thép của thế giới dự kiến cũng tăng 1,9%, đạt 1,8 tỷ tấn trong năm 2024, trong đó nhu cầu thép của ASEAN kỳ vọng tăng 5,2%.
Triển vọng sản xuất thép của Việt Nam dự kiến tăng khoảng 10% trong năm 2024 và 8% vào năm 2025 khi nhu cầu sử dụng thép của các ngành kinh tế trong nước phục hồi trở lại. Sản xuất thép thành phẩm trong hai năm 2024 và 2025 ước đạt khoảng 28 triệu-30 triệu tấn, nhu cầu tiêu thụ thép trong nước khoảng 22 triệu-23 triệu tấn.
Theo VSA, năm 2024 sẽ là năm bản lề quan trọng của ngành thép, bởi giá thép đã ở đáy của chu kỳ giảm, nhiều khả năng thời gian tới, giá thép sẽ tiếp tục phục hồi. Nhìn xa hơn, nhu cầu thép chắc chắn sẽ tăng, đến năm 2030 mức tiêu thụ thép trung bình đạt 290-300 kg/người, tăng mạnh so với mức 240 kg/người ở thời điểm hiện tại. Đây cũng là tiền đề cho chu kỳ phát triển và tăng trưởng mới của ngành thép Việt Nam trong thời gian tới.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp thép được khuyến cáo chưa nên quá lạc quan mà cần chủ động tìm hiểu, theo sát diễn biến nhu cầu thị trường một cách thận trọng trước khi xu hướng này được định hình và xác lập chắc chắn trong năm 2024. Đồng thời, cần nâng cao năng lực, nguồn lực tài chính, nhanh chóng thay đổi phương thức sản xuất, thay đổi công nghệ, tập trung cho chuyển đổi xanh, sản xuất xanh để giảm phát thải các-bon.
Từ đó có thể mở rộng thị trường xuất khẩu phù hợp với cơ chế điều chỉnh carbon biên giới của EU (CBAM) vừa thí điểm áp dụng giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 1/10/2023 và thực hiện đầy đủ từ năm 2026. Cần minh bạch hơn nữa trong quản trị, hệ thống sổ sách kế toán theo chuẩn quốc tế nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ bị các nước mở điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại trong bối cảnh thương mại toàn cầu hiện nay.
Phương Thảo (t/h)