Chưa sát với khả năng thu

Về cơ bản, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) thống nhất với dự toán thu NSNN năm 2020 của Chính phủ; song đề nghị Chính phủ xem xét lại một số nội dung.

Cụ thể, cần xem xét lại tỷ lệ huy động từ thuế, phí khoảng 19,4%, thấp nhất trong các năm gần đây (năm 2017 là 21,4% GDP; năm 2018 21,1% GDP; năm 2019 20,2% GDP và mục tiêu đề ra giai đoạn 2016 - 2020 là 21% GDP).

Việc giao dự toán những năm vừa qua còn chưa sát với khả năng thu, thực tế nhiều địa phương thực hiện vượt dự toán thu và một số địa phương không đạt dự toán Chính phủ giao.

KTNN đề nghị Chính phủ xem xét, đánh giá bổ sung một số nội dung có thể ảnh hưởng dự toán thu NSNN năm 2020 như:

Dự toán thu nội địa, xây dựng tăng khoảng 12,5% so với ước thực hiện năm 2019. Tuy nhiên, qua báo cáo dự toán các địa phương gửi KTNN cho thấy, có 38/51 địa phương dự báo nguồn thu không đầy đủ cơ sở, xây dựng dự toán thu nội địa năm 2020 thấp hơn mức tăng tối thiểu bình quân chung cả nước theo quy định tại Thông tư số 38/2019/TT-BTC ngày 28/6/2019 của Bộ Tài chính, nhất là thấp hơn nhiều so với ước thực hiện năm 2019 (TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bình Dương, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định…), nhưng không phân tích, đánh giá rõ các nhân tố tác động làm sụt giảm nguồn thu.

Một số khoản thu cần phân tích, đánh giá bổ sung cơ sở xây dựng như dự toán thu từ chênh lệch thu - chi NHNN năm 2020 là 7,8 nghìn tỷ đồng (chỉ bằng 66,1% so với ước thực hiện năm 2019); thu từ thuế thu nhập cá nhân năm 2020 xác định tăng 15,4% so với ước thực hiện năm 2019, chiếm 8,5% tổng thu cân đối NSNN, song có thể bị ảnh hưởng do việc điều chỉnh giảm trừ gia cảnh theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2012.

Trong cơ cấu thu nội địa, thu từ 3 khu vực kinh tế (DNNN, DN có vốn đầu tư nước ngoài, kinh tế ngoài quốc doanh) là các khoản thu chiếm tỷ trọng lớn (dự toán năm 2020 dự kiến tăng từ 6,3 - 14,3% so với ước thực hiện năm 2019), nhưng thực tế đều không đạt dự toán giao nhiều năm. Do vậy, Chính phủ cần phân tích, đánh giá kỹ tình hình bối cảnh kinh tế, cũng như ảnh hưởng của cơ chế, chính sách để dự báo nguồn thu cho phù hợp từ 3 khu vực kinh tế này trong năm 2020.

Bên cạnh đó, dự toán thu viện trợ 5.000 tỷ đồng, tăng 25% so với dự toán năm 2019, song chưa thuyết minh rõ cơ sở để lập dự toán. Đồng thời, đề nghị Chính phủ kiểm tra, rà soát, đánh giá tiến độ giải ngân của các dự án, hiệp định, văn kiện... đã và đang triển khai ký kết, thực hiện để dự báo dự toán thu - chi NSNN năm 2020 kịp thời và phù hợp, tránh tình trạng phải bổ sung dự toán năm 2019.

Chính phủ dự kiến tổng thu cân đối NSNN năm 2020 là hơn 1,5 triệu tỷ đồngChính phủ dự kiến tổng thu cân đối NSNN năm 2020 là hơn 1,5 triệu tỷ đồng

Lập dự toán chi mức cao

Theo Chính phủ, dự toán chi đầu tư phát triển năm 2020 là 470,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 26,9% tổng chi NSNN, tăng 41,3 nghìn tỷ đồng (+9,6%) so với dự toán năm 2019.

Tuy nhiên, KTNN cho rằng, dự toán chi NSNN 2020 chưa phân bổ chi đầu tư phát triển cho 2 lĩnh vực (giáo dục & đào tạo, dạy nghề; khoa học & công nghệ) theo quy định tại Điều 19, Luật NSNN.

Nhiều bộ, cơ quan trung ương lập dự toán chi đầu tư phát triển năm 2020 ở mức cao, vượt quá khả năng đáp ứng của NSNN. Đáng chú ý, việc lập dự toán cho các dự án khởi công mới và dự án chuẩn bị đầu tư chưa thuyết minh được tính cấp bách, thiếu cơ sở lập dự toán hoặc không có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Trong phương án phân bổ vốn cho các dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương năm 2020, Chính phủ đưa ra tiêu chí: “Bố trí vốn để thu hồi khoảng 34% số vốn ứng trước nguồn ngân sách trung ương dự kiến thu trong giai đoạn 2016 - 2020 còn lại chưa thu hồi...”.

Tuy nhiên, theo KTNN, số dư vốn ngân sách trung ương ứng trước còn phải thu hồi đến hết năm 2019 là 63,1 nghìn tỷ đồng (trong đó Chính phủ cam kết nhưng chưa thu hồi là 26 nghìn tỷ đồng, còn lại 37,1 nghìn tỷ đồng chưa có phương án thu hồi). Ngoài ra, nguồn trái phiếu chính phủ ứng trước kế hoạch vốn trước năm 2015 chưa được Chính phủ giao vốn để thu hồi là 1,8 nghìn tỷ đồng. Do đó, KTNN đề nghị Chính phủ xem xét cân đối bố trí vốn để xử lý dứt điểm.

Về dự toán chi thường xuyên năm 2020 là 1.056,5 nghìn tỷ đồng (chiếm 60,5% tổng chi NSNN). KTNN thống nhất với quan điểm của Chính phủ, song đề nghị Chính phủ khi phân bổ dự toán cần xem xét: Lộ trình tăng học phí tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP, mức độ tự chủ thực tế đã đạt được của các đơn vị sự nghiệp công lập hoặc kinh phí tiền lương, các khoản trích theo lương đã kết cấu trong giá dịch vụ khám chữa bệnh theo quy định để giảm kinh phí hỗ trợ chi thường xuyên… Một số bộ, cơ quan trung ương lập dự toán chi sự nghiệp khoa học & công nghệ năm 2020 chưa chi tiết danh mục đề tài và các nhiệm vụ mở mới năm 2020 chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hoặc chưa lựa chọn cơ quan thực hiện.

Vấn đề bổ sung có mục tiêu của ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương, năm 2020, dự toán 148,2 nghìn tỷ đồng chi bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương. KTNN đề nghị Chính phủ khi phân bổ dự toán bổ sung có mục tiêu cho các địa phương xem xét đến tình hình, khả năng thực hiện nhiệm vụ chi tại các địa phương.

Đồng thời, lưu ý đến kết quả kiểm toán tại 31/36 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho thấy, đến hết năm 2018, còn 1.203,5 tỷ đồng kinh phí bổ sung có mục tiêu hết nhiệm vụ chi, nhưng các địa phương chưa nộp trả ngân sách trung ương...

Bùi Quyền