THCL Không chỉ chủ động khẳng định chất lượng, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, DN Việt Nam rất cần hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng liên quan để có những thông tin hữu ích, từ đó có thể thành công khi đưa sản phẩm sang thị trường Anh quốc.
Không ít rào cản
Vương quốc Anh hiện là trung tâm tài chính hàng đầu thế giới, là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, đứng thứ hai châu Âu (sau Đức). Hiện nay, Anh là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong khối EU.
Kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh tăng mạnh qua các năm, trong đó, xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Vương quốc Anh từ 754,99 triệu bảng năm 2005, lên 3,192 tỷ bảng năm 2015. Có thể nói, đây là thị trường tiềm năng của Việt Nam, song cũng như nhiều thị trường khác, yêu cầu về chất lượng, uy tín, đặc biệt yêu cầu về sản phẩm có thương hiệu đặt lên hàng đầu.
Tuy nhiên, theo ông Đỗ Kim Lang, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương): “Bên cạnh nhiều mặt hàng có lợi thế, nông sản hiện là thế mạnh truyền thống của Việt Nam. Song vấn đề làm thương hiệu cho các sản phẩm nông sản qua chế biến (công nhiệp thực phẩm) của Việt Nam chưa đạt yêu cầu để có thể xuất trực tiếp ra nước ngoài. Nông sản Việt thường chỉ xuất thô hoặc dưới tên DN chế biến nước ngoài.
Rõ ràng, Nhà nước cần định hướng và tạo điều kiện cho DN tiếp cận với thị trường Anh nói riêng, cũng như các thị trường khác nói chung, nhưng DN cần đầu tư làm thương hiệu riêng. Mặc dù vậy, nhiều DN Việt Nam (kể cả DN lớn) chưa thực sự quan tâm đến vấn đề xây dựng thương hiệu, đang chỉ chú ý nhiều đến việc sản xuất, phân phối. Từ ý thức sẽ kéo theo một loạt vấn đề khác như đầu tư về kinh phí, nhân lực”…
Theo ông Lại Tiến Mạnh, Giám đốc Công ty Tư vấn thương hiệu Mibrand, khi DN Việt Nam muốn đưa thương hiệu vào thị trường Anh, gặp nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất (không chỉ riêng tại thị trường Anh mà hầu hết các thị trường nước ngoài) là thiếu thông tin. Cụ thể, vấn đề liên quan đến kênh phân phối, các tiêu chuẩn, các hệ thống luật pháp và thối quen cũng như sự quan tâm của người tiêu dùng với sản phẩm… Từ sự thiếu thông tin, DN Việt Nam sẽ bị hạn chế ở các bước chuẩn bị trong việc đưa hàng hóa, sản phẩm, thương hiệu vào thị trường Anh, cũng như các thị trường nước ngoài khác.
Do đó, các cơ quan chức năng, cụ thể như Thương vụ Việt Nam tại Anh cần liên tục cung cấp và cập nhật thông tin về thị trường, như sự biến động, kênh phân phối, hiện trạng tiêu dùng, chỉ số tiêu dùng cũng như thói quen, tập quán tiêu dùng của người dân Anh để DN phần nào hình dung ra bức tranh về thị trường, yêu cầu cần có.
DN phải làm gì?
Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, vị thế chính trị và kinh tế của Việt Nam ngày một nâng cao trên trường quốc tế thì việc xây dựng hình ảnh thương hiệu Việt Nam lớn mạnh, uy tín là mục tiêu quan trọng của Nhà nước, cộng đồng DN và toàn thể xã hội. Từ đó, khẳng định Việt Nam là quốc gia có hàng hóa, dịch vụ chất lượng và năng lực cạnh tranh cao, uy tín.
Ông Saby Mishra, CEO J. Wallter Thompson Vietnam cho hay: Để có thể thành công với thương hiệu của mình tại Vương quốc Anh, DN Việt Nam cần lưu ý một số vấn đề. Đó là cần có cửa hàng tại Anh, thấu hiểu tâm lý người tiêu dùng và quảng cáo thông minh. Đặc biệt, cần tạo niềm tin nơi người tiêu dùng bằng uy tín, chất lượng sản phẩm. Điều đáng nói, thế mạnh sản phẩm Việt tiềm năng trong hình ảnh thương hiệu quốc gia Việt Nam. Vì vậy, các công ty muốn nghiêm túc đưa sản phẩm sang thị trường Anh, cần thông qua Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), qua Thương vụ Việt Nam tại Anh để xây dựng hình ảnh thương hiệu…
Ông Đỗ Kim Lang nêu, khi quảng bá các thương hiệu Việt Nam sang thị trường Anh, các DN nên có chuyên gia tư vấn về thương hiệu để có cách tiếp cận và chiến lược phù hợp với thị trường một cách tiết kiệm chi phí nhất. Cùng với các chuyên gia về thương hiệu, Cục Xúc tiến thương mại cũng sẵn sàng hỗ trợ cho các DN thâm nhập vào thị trường này bằng nhiều hoạt động như xúc tiến thương mại, tuyên truyền, quảng bá. Bên cạnh đó, Thương vụ Việt Nam tại Anh cũng rất nỗ lực, chủ động tạo ra những cơ hội để DN tham gia xuất khẩu… Tuy nhiên, để các DN tự đi sẽ mất rất nhiều thời gian và gặp nhiều khó khăn, do đó, Nhà nước cần có sự dẫn dắt và có sự tác động, hỗ trợ cho DN.
Ông Đỗ Kim Lang: “Nhà nước không thể làm thay DN và cũng không có đủ nguồn lực giúp DN. Nhà nước chỉ có nguồn lực phù hợp kích thích DN làm thương hiệu. Nếu DN thụ động, sẽ không xây dựng được thương hiệu, khó phát huy và duy trì vị thế trên thị trường và nhiều hệ lụy khôn lường, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới”. |
Hà Thu