Làng Tống Xá, trước đây thuộc địa phận xã Vạn Xá - Yên Xá, huyện Ý Yên (Nam Định). Vùng đất cổ Tống Xá có hơn 1.200 năm lịch sử. Làng Tống Xá được hình thành vào thế kỷ VIII, do hai ông Tống Phúc Thành và Dương Vạn Hợp đem theo gia thất về khai hoang, vỡ đất, trồng cấy, lập trang ấp có tên là Kiến Hoà, sau này đổi tên là làng Tống Xá, cái nôi của nghề đúc đồng với truyền thống gần 900 năm. Với truyền thống cha truyền con nối, các nghệ nhân đúc tài hoa nơi đây đã tạo ra nhiều sản phẩm tinh xảo có mặt khắp cả nước.
Chuyện kể rằng: Cách đây gần 900 năm (năm Kiến Hòa, năm 1118), có nhà sư tự Nguyễn Trí Thành (pháp danh là Minh Không) từ nhỏ đã xuất gia theo hầu Thiền sư Giác Không. Ông là người học rất giỏi, đi nhiều nơi và thường đem kiến thức học được truyền dạy cho mọi người. Trong một lần vãn cảnh chùa, dạo xem phong thổ làng Tống Xá, thấy sắc diện của người dân nơi đây hiền hòa, khí vượng, hiếu nghĩa…, mến mộ tình cảm ấy, ông đã truyền dạy cho dân làng nghề đúc, kéo bễ thổi lò, chế tạo ra các dụng cụ bằng gang, đồng.
Tương truyền, ông đã dạy nghề đúc cho dân làng Tống Xá trong 7 tháng (từ ngày 12/2/1118 đến 12/9/1118). Cùng với với việc dạy nghề, ông cũng cho tu sửa lại chùa và đặt tên chùa là “Cổ Liêu tự” (ngôi chùa cổ đã có từ rất xa xưa không rõ năm tháng).
Ngày 12/9/1118, ông chuyển đi nơi khác sinh sống và ông mất vào ngày 3/6/1154 tại chùa Nghĩa Xá, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Để tưởng nhớ công lao của ông, dân làng đã lập đền thờ ông cạnh đền thờ ông Tống và ông Dương gọi là đền thờ Đức Thánh Tổ và lấy ngày 12 tháng 2 âm lịch làm ngày giỗ hằng năm. Và cứ 3 năm một lần, dân làng lại tổ chức một kỳ lễ hội, lễ hội được tổ chức trong 3 ngày, gồm 2 phần: Phần lễ và phần hội.
Phần Lễ gồm: Lễ mộc dục – tắm rửa cho Đức Thánh; Lễ cầu an của các cụ trong làng; Lễ tế nam quan (2 lần); Lễ tế nữ quan (2 lần); Lễ rước Đức Thánh từ Đền Thánh Tổ về Đằng Dương và ngược lại; Lễ cầu phúc của nhân dân và các dòng họ.
Phần hội gồm: Lễ mít tinh kỷ niệm; Các chương trình văn nghệ, múa lân, múa rồng, sư tử; các trò chơi dân gian truyền thống của quê hương như tổ tôm, bắt vịt dưới ao, vật cù, cờ người…
Ngày xưa để làm ra được những sản phẩm đúc thủ công, người thợ phải làm qua rất nhiều công đoạn, từ cách chọn đất, xây lò, nhóm lửa, chọn đồng đến làm khuôn… Đối với công nghệ đúc đồng phải qua 5 công đoạn chính đó là: tạo mẫu, tạo khuôn, nấu chảy nguyên liệu, rót khuôn, hoàn thiện sản phẩm và đánh bóng. Riêng công đoạn làm khuôn đất rất quan trọng, nhất là lúc lấy khuôn, mình phải cạo thật đều xung quanh để cho đồng nó chảy khỏi chỗ dày chỗ mỏng bởi khi bị mỏng thì nó dễ bị thủng. Tất cả phải được thực hiện thận trọng, chuẩn xác để đảm bảo cho sản phẩm không bị vênh và co ngót. Và để có được sản phẩm đẹp có hồn đòi hỏi người thợ phải có tay nghề cao và phải yêu nghề mới thổi hồn của mình vào pho tượng.
Bên cạnh đó, nghề đúc là một nghề vất vả không chỉ đòi hỏi có sức khỏe tốt mà còn cần sức chịu đựng bền bỉ, dẻo dai của người thợ, nhất là vào mùa nắng nóng, nhiệt độ trong lò hơn 1 nghìn độ C, nhiệt độ xung quanh phạm vi 20 m cũng bị nung nóng lên đến 60-70 độ C, nhưng vẫn phải làm thật cẩn trọng mới có thể làm ra được những sản phẩm tinh xảo. Ngày đó, vì công nghệ thủ công nên chỉ đúc những mặt hàng nhỏ đơn giản chủ yếu như đồ thờ cúng, đỉnh đồng, lư hương…
Ngày nay, cũng với quy trình ấy, nhưng với công nghệ máy móc hiện đại đã đúc ra sản phẩm nhanh hơn, tinh xảo hơn, đặc biệt với công nghệ 3D, 4D, đã giúp cho người thợ giải quyết được phần tạo mẫu, tạo hình nhanh chóng, lại giảm được thời gian, giá thành như: tượng Phật, danh nhân, lãnh tụ dân tộc, đồ thờ, chuông, tượng mạ vàng, đồ phong thủy ...
Cùng với những sản phẩn nhỏ thủ công truyền thống đang được tiêu thụ trong và ngoài nước, còn có những sản phẩm lớn được làm ra từ công nghệ đúc thủ công với những giá trị mang tầm lịch sử như: Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ (cao 16,2m, nặng 220 tấn) trong dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử; Tượng Vua Lý Thái Tổ (cao 10,1m, nặng 45 tấn), với công nghệ đúc tượng liền khối cao gần 7m mà chỉ có 1 khuôn, 1 lần đúc đã được người thợ tài hoa nới đây thực hiện và hoàn thành để kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội; tượng 14 vị Vua thời Trần đặt tại Quần thể Di tích lịch sử - văn hoá Thiên Trường; tượng Bác Hồ được đặt tại các quần thể di tích; tượng Phật tổ Như Lai bằng đồng đúc liền khối 35 tấn tại núi Non Nước (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) và tượng Tam thế Phật tổ Như Lai chùa Bái Đính (Ninh Bình) nặng 50 tấn.
Hiện nay, đồ đồng của làng Tống Xá không chỉ được tiêu thụ trong nước mà đã xuất khẩu sang nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với những sản phẩm đúc thủ công tinh xảo - khẳng định giá trị làng nghề truyền thống của tỉnh Nam Định.
Nguyệt Ánh