(THCL) _ Theo lộ trình chống đô la hóa của Chính phủ, việc cho vay ngoại tệ đến năm 2020 mới chấm dứt. Tuy nhiên, chính sách cho vay bằng ngoại tệ sẽ khép lại vào ngày 31/12/2014. Như vậy, còn 2 tuần nữa để chính sách này có hiệu lưc, đây là thời điểm để các DN tranh thủ cơ hội cuối cùng.
Siết chặt tình trạng đô la hóa
Theo Thông tư số 29/2013/TT-NHNN của NHNN, đến 31/12/2014, các tổ chức tín dụng sẽ phải chấm dứt cho vay ngoại tệ đối với phần lớn nhu cầu của các DN hiện nay. Thông tin trên sẽ khiến nhiều DN, nhất là những DN xuất nhập khẩu không mấy “vui vẻ” bởi tín dụng ngoại tệ đã trở thành một nguồn vốn rẻ cho những DN trong thời điểm kinh tế gặp nhiều khó khăn.
Chính sách này, lẽ ra đã được thực hiện từ 2 năm trước, nhưng vì lợi ích của DN, NHNN đã kéo dài thời hạn, bởi lẽ, so với lãi suất vay bằng VND thì lãi suất vay ngoại tệ những năm gần đây chỉ khoảng 3 - 5%, cùng với biến động tỷ giá USD/VND trong phạm vi hẹp, nhiều DN đã tranh thủ được nguồn vốn giá trị này để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.
Số liệu của NHNN cho thấy, năm 2011, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ âm tới 20% thì đến tháng 10/2013, giảm xuống còn 13,6%. Tỷ trọng tiền gửi ngoại tệ trên tổng phương tiện thanh toán cũng giảm từ mức 19,5% năm 2011, xuống còn hơn 11% vào giữa năm nay. Các quan hệ huy động và cho vay ngoại tệ trong nền kinh tế chuyển dần sang quan hệ mua - bán. Đây là kết quả của một quá trình nỗ lực chống đô la hóa của NHNN khi mà tỷ lệ đô la hóa đã giảm xuống mức thấp nhất trong vài thập kỷ trở lại đây, thông qua việc bớt lệ thuộc vào USD và giảm thiểu các ảnh hưởng của nó cũng thể hiện rõ những năm qua.
Các chuyên gia kinh tế đánh giá rất cao lộ trình và những kết quả chống đô la hóa mà NHNN đạt được thời gian qua; song cũng có một số kiến nghị cho rằng, nếu bị “siết” ở thời điểm này, DN sẽ gặp nhiều khó khăn bởi lãi vay VND vẫn đứng ở mức cao. Vì vậy, NHNN nên nới thêm thời hạn cho vay ngoại tệ.
DN đổ xô vay ngoại tệ
Thời điểm chờ Thông tư 29/2013/TT-NHNN về cho vay bằng ngoại tệ của NHNN sẽ hết hiệu lực, hầu hết các DN nhập khẩu đã tranh thủ cơ hội về nguồn vốn cuối này hòng gom ngoại tệ dự trữ. Ông Vũ Nhật Lâm, Phó tổng giám đốc OceanBank cho biết, từ khi OceanBank triển khai chương trình vay USD ưu đãi, số lượng khách hàng hỏi vay ngoại tệ của NH này tăng mạnh.
Tín dụng ngoại tệ tăng mạnh thời gian qua, không chỉ có lợi cho DN, mà còn giúp nhiều NH vớt vát phần nào lợi nhuận trong dịp cao điểm cuối năm. Vì thế, thời điểm này, NH và DN vẫn hy vọng việc cho vay tín dụng ngoại tệ sẽ được kéo dài thêm một thời gian nữa, ít nhất là qua thời kỳ kinh tế khó khăn..
Hiện nay, tín dụng ngoại tệ tuy tăng mạnh, nhưng chỉ chiếm khoảng 15% tổng tín dụng. Nếu tính cả các khoản tiền gửi ngoại tệ trong nước và nguồn vốn nước ngoài, thì hệ số sử dụng vốn ngoại tệ khá thấp, chỉ khoảng 50 - 60%. Ngoài ra, xuất khẩu, kiều hối, FDI và dự trữ ngoại tệ đều tăng mạnh - sẽ giúp tỷ giá thời gian tới tiếp tục ổn định, ngay cả khi tín dụng ngoại tệ tiếp tục tăng.
Vì thế, việc “nới” cho vay tín dụng ngoại tệ thêm một thời gian nữa, sẽ khó thành hiện thực. Bà Nguyễn Thu Hà, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho hay, vấn đề này đang được NHNN xem xét và sẽ đưa ra quy định cụ thể thời gian tới.
TS. Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, hiện thanh khoản ngoại tệ của hệ thống NH và dự trữ ngoại hối của NHNN khá dồi dào. Do đó, trong giai đoạn trước mắt, NHNN có thể tiếp tục “nới” cho vay ngoại tệ, song về lâu dài, phải kéo mặt bằng lãi suất VND xuống thấp hơn nữa. Khi đó, DN sẽ tăng vay vốn VND thay vì vay vốn ngoại tệ.
Tháng 12 - được xem là tháng cuối cùng để các DN tranh thủ nguồn hỗ trợ về vốn trước khi phần lớn tín dụng ngoại tệ khép lại, nhu cầu buộc phải chuyển sang vay bằng VND. Cầu lớn lên thì giá trị và vị thế VND càng được củng cố.
Hoàng Hà