Mặc dù Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị Sở GD&ĐT các tỉnh, thành nghiêm cấm sử dụng các biện pháp hành chính mang tính chất áp đặt người mua bảo hiểm phải mua tại một hoặc một số doanh nghiệp bảo hiểm được chỉ định. Thế nhưng Sở GD&ĐT Hà Nội lại đang “chống lệnh” quy định này.

Văn bản Sở GĐ&ĐT gửi các đơn vị trực thuộc về việc mua bảo hiểm

Gây “sức ép” mua bảo hiểm?

Trước khi bước vào năm học mới, Sở GD&ĐT TP Hà Nội đã ký công văn  chỉ định phòng GD&ĐT các quận, thị xã và các đơn vị trực thuộc thực hiện công tác bảo hiểm học sinh năm học 2014 – 2015 theo sự “hướng dẫn” của Sở.

Cụ thể ngày 23/7/2014 Sở GD&ĐT Hà Nội đã có công văn số 7098/SGD&ĐT-HSSV do ông Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng phòng công tác HSSV ký  gửi Phòng giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, thị xã và các đơn vị trực thuộc thực hiện công tác bảo hiểm học sinh năm 2014-2015.

Theo đó, đối với các loại hình bảo hiểm tự nguyện, Sở đề nghị: Các trường và các cơ sở giáo dục chủ động lựa chọn đơn vị bảo hiểm để tuyên truyền hướng dẫn học sinh tham gia với tinh thần tự nguyện, không ép buộc, phù hợp với thực tế địa phương;  Chỉ nên tham gia bảo hiểm với các công ty có uy tín, đủ điều kiện hoạt động và có hướng dẫn đã được  Sở ký triển khai trong năm học 2014- 2015.

Chưa hết, Sở GD&ĐT Hà Nội đã “khoanh vùng” những đơn vị bảo hiểm đã được Sở ký hướng dẫn, tính đến thời điểm này, gồm: Bảo Việt Hà Nội, PJI Hà Nội, Bảo Minh Thăng Long, Bảo Minh Hà Nội và bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội).

Công văn còn thể hiện rõ: Trưởng phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã, Hiệu trưởng các trường trực thuộc chịu trách nhiệm trước Lãnh đạo Sở về việc lựa chọn những đơn vị có năng lực và uy tín (đã nêu trên) để triển khai công tác bảo hiểm học sinh.

Sau khi công văn trên được ban hành, đã gây phản ứng cho nhiều đơn vị kinh doanh bảo hiểm trên địa bàn. Nhiều Công ty bảo hiểm cho rằng, Sở GD&ĐT Hà Nội làm như vậy là vi phạm Luật kinh doanh bảo hiểm và Luật cạnh tranh.

“Bảo hiểm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Các Công ty bảo hiểm đã hoạt động thì đều được cấp phép, có uy tín cả. Vậy tại sao Sở GD&ĐT Hà Nội  lại “ép” các đơn vị trực thuộc phải nghe theo “mệnh lệnh hành chính” là chọn các Công ty bảo hiểm “đã nêu trên”. Việc ép buộc như vậy thử hỏi có đơn vị trực thuộc Sở có ai giám đi chọn các Công ty bảo hiểm khác?...”- Một đơn vị bảo hiểm tâm sự.

“Phớt lờ” chỉ đạo của Bộ Tài chính?

Thực tế đã có không ít doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã “bắt tay” với một số cơ quan quản lý nhà nước, các Sở GD& ĐT để ban hành các văn bản mang tính chất áp đặt buộc học sinh phải mua bảo hiểm theo như sự “chỉ định” của các doanh nghiệp được chọn.  Việc áp đặt này đã được Bộ Tài chính khẳng định là vi phạm quy định tại Luật kinh doanh bảo hiểm và Luật cạnh tranh.

Để khắc phục tình trạng trên và đảm bảo thực hiện đúng pháp luật, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng trong hoạt động Kinh doanh bảo hiểm, Bộ Tài chính đã ra công văn số 10556/BTC-QLBH gửi các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ yêu cầu:

Nghiêm cấm việc sử dụng các biện pháp hành chính như văn bản hành chính của các cơ quan quản lý nhà nước, công văn liên tịch giữa các sở giáo dục và đào tạo và các DN bảo hiểm... có tính chất áp đặt người tham gia bảo hiểm phải mua bảo hiểm tại một hoặc một số DN bảo hiểm được chỉ định.

Công văn 10556 đề nghị rõ các doanh nghiệp bảo hiểm quán triệt nội dung yêu cầu trên trong toàn hệ thống các đơn vị thành viên, chi nhánh… để nghiêm túc thực hiện. Đồng thời, phát hiện, chấn chỉnh kịp thời các hành vi vi phạm (nếu có) và báo cáo kết quả xử lý về Bộ Tài chính (Cục Quản lý giám sát bảo hiểm).

Như vậy Bộ Tài chính đã quyết liệt chấn chỉnh trong việc một số doanh nghiệp bảo hiểm vẫn sử dụng các biện pháp hành chính mang tính chất áp đặt người tham gia bảo hiểm phải mua theo chỉ định. Bộ Tài chính đã nghiêm cấm, tại sao vẫn xảy ra tình trạng Sở GD&ĐT Hà Nội “chọn” 5 đơn vị bảo hiểm nêu trên?

Để làm rõ vấn đề này, PV đã liên hệ với ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, nhưng ông Thống đã từ chối trả lời và trực tiếp đề nghị PV liên hệ với ông Phạm Ngọc Tuấn, người trực tiếp ký văn bản trên. Qua trao đổi, ông Tuấn khẳng định: “Công văn đấy là thể hiện các đơn vị đã đến làm việc với Sở, trong khi các đơn vị khác không hề làm việc gì với Sở”. Theo như những gì trao đổi, có thể thấy rằng, các doanh nghiệp đã “phớt lờ” quy định của Bộ Tài chính khi đã trực tiếp đến “đặt vấn đề” với Sở GD&ĐT Hà Nội trong khi việc này đang bị nghiêm cấm.

Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về vụ việc trên./.

Tuấn Ngọc – Đức Thế