Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có báo cáo cập nhật mới nhất về thiệt hại do mưa lớn. Công tác phòng, chống thiên tai luôn được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt từ sớm từ xa của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và cộng đồng.
Ngày10/9, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đi kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ sau bão tại Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng; Phó Thủ tướng Lê Thành Long chỉ đạo tại Yên Bái.
Trưa ngày 10/9, Thủ tướng Chính phủ chủ trì họp với các Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn và các tỉnh, thành phố: Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hà Nội để chỉ đạo ứng phó đảm bảo an toàn hạ du thủy điện Thác Bà.
Các Bộ ngành, địa phương đã hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ trước khi bão đổ bộ như kiểm đếm, hướng dẫn cho 51.319 tàu cá/219.913 người về nơi tránh trú. Tổ chức sơ tán 52.979 người trên lồng bè, chòi canh nuôi thủy sản, trong các nhà yếu đến nơi an toàn. Huy động 438.275 người, 6.642 phương tiện các loại để ứng phó với bão.
Về thiệt hại do mưa lớn tính đến 14h30 ngày 10/9 đã khiến 157 người chết, mất tích (87 người chết, 70 người mất tích) trong đó: tại Cao Bằng 55 người, Lào Cai 40 người, Yên Bái 28 người, Quảng Ninh 9 người, Hải Phòng 2 người, Hải Dương 1 người, Hà Nội 1 người, Hòa Bình 4 người, Lạng Sơn 2 người, Bắc Giang 1 người, Tuyên Quang 2 người, Hà Giang 2 người, Lai Châu 1 người, Phú Thọ 9 người.
Mưa bão cũng khiến 752 người bị thương (Quảng Ninh 536, Hải Phòng 81, Hải Dương 05, Hà Nội 10, Bắc Giang 5, Bắc Ninh 52, Lạng Sơn 10, Lào Cai 14, Yên Bái 10, Cao Bằng 12, Phú Thọ 5, Bắc Kạn 1, Hòa Bình 1, Vĩnh Phúc 8, Thanh Hóa 2). 85 tàu thuyền các loại bị chìm tại nơi neo đậu ở Quảng Ninh. Ngoài ra thiệt hại về nông nghiệp là rất lớn.
Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, hiện nay bão đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và tan dần trên khu vực phía Tây Bắc Bộ, song hoàn lưu của bão còn tiếp tục gây mưa lớn đến hết ngày 11/9 cho các tỉnh Bắc Bộ, nhất là khu vực Tây Bắc.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ở vùng núi và trung du Bắc Bộ từ chiều tối 10/9 đến chiều 11/9, có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 30-70mm, cục bộ có nơi trên 120mm; riêng Lào Cai, Yên Bái có mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-100mm, cục bộ có nơi trên 200mm. Đêm 11/9, có mưa vừa và dông, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa phổ biến 20-40mm, cục bộ có nơi trên 70mm.
Khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình, Thanh Hóa từ chiều tối 10/9 đến chiều 11/9, có mưa to đến rất to và dông với lượng mưa phổ biến 50-120mm, cục bộ có nơi trên 250mm. Đêm 11/9 đến chiều 12/9, có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 30-70mm, cục bộ có nơi trên 120mm.
Ngoài ra, chiều tối và đêm 10/9, ở khu vực từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế có mưa rào và rải rác có dông, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa từ 15-30mm, cục bộ có nơi trên 70mm. Ở khu vực Đà Nẵng đến Bình Thuận, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và rải rác có dông, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa từ 15-40mm, cục bộ có nơi trên 80mm. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Chiều tối và đêm 12/9 Bắc và Trung Trung Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to. Mưa lớn và mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc (thông tin cảnh báo khu vực nguy cơ lũ quét, sạt lở đất thời gian thực được cung cấp trực tuyến trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Khí tượng Thủy văn tại địa chỉ: https://luquetsatlo.nchmf.gov.vn và trong bản tin riêng cảnh báo lũ quét, sạt lở đất).
Về diễn biến lũ trên các sông, cơ quan khí tượng cho biết lũ trên sông Thao tại Thành phố Lào Cai tiếp tục xuống chậm; tại Bảo Hà đã đạt đỉnh ở mức 61,95m (7h/10/9), trên báo động (BĐ) 3: 4,95m, trên mức lũ lịch sử năm 2008 (60,93m) 1,02m; tại Yên Bái đang dao động ở mức đỉnh lũ 35,70m, trên báo động (BĐ) 3: 3,70m, trên mức lũ lịch sử năm 1968 (34,42m) 1,28m và đang xuống chậm; tại Phú Thọ đang lên nhanh.
Lũ trên sông Lô (Tuyên Quang, Phú Thọ), sông Cầu (Bắc Ninh), sông Thương (Bắc Giang), sông Thái Bình (Hải Dương), sông Hồng (Hà Nội), sông Hoàng Long (Ninh Bình) đang lên; sông Lục Nam (Bắc Giang) đang xuống chậm.
Trong 12 giờ tới, lũ trên sông Thao tại Lào Cai tiếp tục xuống; tại Yên Bái sẽ xuống chậm nhưng vẫn trên mức lũ lịch sử; tại Phú Thọ lên mức BĐ2. Lũ trên sông Lô tại Tuyên Quang có khả năng đạt đỉnh 27,30m, trên BĐ3 1,30m vào tối nay (10/9); tại Vụ Quang tiếp tục lên và đạt đỉnh ở mức 20,40m, dưới BĐ3 0,10m, vào đêm nay (10/9);
Lũ trên sông Cầu tiếp tục lên và ở trên mức BĐ3; sông Thương tiếp tục lên chậm trên mức BĐ3. Lũ trên sông Lục Nam xuống chậm ở dưới mức BĐ3. Lũ trên sông Thái Bình tiếp tục lên trên mức BĐ2. Lũ trên sông Hoàng Long tiếp tục lên trên mức BĐ3. Lũ trên sông Hồng tại Hà Nội tiếp tục lên nhanh ở dưới mức BĐ2.
Cảnh báo trong 12 đến 24 giờ tới, mực nước các trạm hạ lưu hệ thống sông Hồng- Thái Bình có khả năng lên mức BĐ3 và trên BĐ3. Mực nước lũ lên cao gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, bãi bồi ngoài đê chính, gây tràn vỡ các đê bối ven sông, sạt lở đê kè ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vị trí xung yếu thuộc hệ thống đê, kè, công trình ven sông thuộc các tỉnh: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình.
Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hòa Bình; lũ quét và sạt lở đất trên các sườn dốc ở khu vực vùng núi Bắc Bộ.
Lũ trên các sông, suối lên gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, bờ bãi ven sông bị nước xâm lấn, nhiều diện tích bãi nổi giữa sông bị ngập sâu, ảnh hưởng tới các hoạt động giao thông đường thủy, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp dân sinh và các hoạt động kinh tế xã hội, đặc biệt tại hạ lưu sông Hồng-Thái Bình.
Theo Sức khoẻ và đời sống