Nặng gánh với DNNN

Theo báo cáo hợp nhất của các tập đoàn, tổng công ty, tổng số nợ phải trả lên tới trên 1,5 triệu tỉ đồng, tăng 1,3% so với thực hiện năm 2016. Số nợ này chiếm đến 56,5% tổng nguồn vốn của các tập đoàn, tổng công ty.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, một số tập đoàn, tổng công ty có số nợ vay từ các ngân hàng lớn. Cụ thể: PVN nợ hơn 146.580 tỷ đồng; EVN hơn 132.000 tỷ đồng; TKV gần 48.700 tỷ; Viettel gần 43.500 tỷ; Vinachem gần 28.420 tỷ đồng. Ngoài vay từ các ngân hàng trong nước, các DNNN cũng vay từ các tổ chức tài chính nước ngoài gần 616.000 tỷ đồng.

Từng là cánh chim đầu đàn của ngành giấy, nắm giữ những ưu thế mà các doanh nghiệp ngoài ngành và tư nhân thèm muốn, những năm gần đây, Tổng Công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) đang phải gồng mình giải quyết những khó khăn mà người trong ngành đánh giá là rất dễ rơi vào cảnh kiệt quệ nếu kéo dài.

Theo lãnh đạo đơn vị, doanh thu hợp nhất giai đoạn 2013-2015 của tổng công ty giảm từ 3.456 tỷ đồng xuống 2.879 tỷ đồng, lãi sau thuế từ 85 tỷ chuyển ngược thành lỗ 33,8 tỷ đồng. Năm 2017, doanh thu của tổng công ty tiếp tục giảm.

Không chỉ có Vinapaco gặp khó khăn mà tình hình “sức khoẻ” của nhiều đơn vị đang kinh doanh thua lỗ rất xấu.  Riêng lỗ luỹ kế của 10 tập đoàn, tổng công ty lên tới hơn 12.074 tỷ đồng. Theo báo cáo của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, doanh nghiệp này có mức lỗ lũy kế 1.967,8 tỷ đồng. Tập đoàn Viễn thông quân đội 5.589 tỷ đồng; Tổng Công ty Cà phê Việt Nam 44,67 tỷ đồng; Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (14,98 tỷ đồng); Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (14,61 tỷ đồng); Công ty TNHH MTV Duyên Hải (11,994 tỷ đồng).

Gánh nặng nợ nần của DNNN: Quả bom nổ chậm… - Hình 1

PVN là tập đoàn có khoản nợ khó đòi lớn nhất, 6.956 tỷ đồng

Theo báo cáo của Bộ Tài chính thì hiệu quả sản xuất kinh doanh và đóng góp của một số DNNN còn hạn chế, chưa tương xứng với nguồn lực nhà nước đầu tư; một số dự án của doanh nghiệp nhà nước còn thua lỗ, thất thoát vốn lớn. Việc thực hiện cơ chế xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra sai phạm cũng như việc xử lý các hành vi vi phạm về giám sát, đánh giá chưa đầy đủ, nghiêm túc.

Bất cập trong công tác quản lý, giám sát

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho biết, một trong những bất cập trong quản lý nền kinh tế chúng ta hiện nay là việc DNNN được bảo lãnh, được ưu đãi quá nhiều. “Dù Việt Nam bước sang kinh tế thị trường nhưng DNNN vẫn được hưởng ưu đãi như thời bao cấp. Ưu đãi thể hiện rõ nhất là chính sách ưu đãi vay vốn, bảo lãnh nợ”, ông Bùi Kiến Thành cho biết.

Nói về việc sử dụng vốn của các DNNN không hiệu quả, theo báo cáo Đoàn giám sát của Quốc hội năm 2018 nhận định: “Hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu, kiểm soát nội bộ chưa hiệu quả là một trong các nguyên nhân dẫn đến những vi phạm trong quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp”.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, tình trạng các DNNN hoạt động thua lỗ, kém hiệu quả...đã diễn ra lâu nay nhưng không được giải quyết triệt để. Nguyên nhân đến từ hai phía, cả phía DNNN và các cơ quan quản lý nhà nước.

“Ở đây, rõ ràng có lợi ích nhóm. Khi chưa vượt qua được lợi ích nhóm đó thì chưa thể giải quyết triệt để vấn đề. Người ta sẽ không muốn đụng chạm đến lợi ích đang có, còn nếu làm tung tóe, bung bét ra sẽ có ông A, bà B phải chịu trách nhiệm chứ không chỉ mình doanh nghiệp”, TS Lê Đăng Doanh nói.

Cũng cho ý kiến về con số tổng tài sản và tổng nợ của DNNN, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng, phải làm rõ xem các con số trên được tính toán thế nào. Chẳng hạn, trong tổng tài sản doanh nghiệp có tài sản công nợ, vốn chủ sở hữu, tuy nhiên vốn chủ sở hữu nhiều khi tính chưa được chuẩn vì nhiều tập đoàn lâu lâu chưa đánh giá lại. Tương tự, số nợ của doanh nghiệp không rõ tính nợ ngân hàng hay tổng nợ.

Nói về thực trạng DNNN, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Cải cách và Phát triển doanh nghiệp (CIEM) cho biết, báo cáo hợp nhất năm 2016 cho thấy 23/91 tập đoàn, tổng công ty, nhóm công ty mẹ - con lỗ luỹ kế trên 17.000 tỷ đồng. Theo ông Trung, nguyên nhân dân đến thua lỗ là do các tập đoàn, tổng công ty đầu tư ngoài ngành hàng chục nghìn tỷ đồng nhưng đến nay chưa thu hồi được và giá trị thực tế của nhiều dự án đang ở dưới mức giá trị đã đầu tư.

Theo ông Trung, để xảy ra tình trạng này là do có sự chồng chéo, chồng lần giữa chức năng giám sát của chủ sở hữu với hoạt động thanh tra, kiểm tra thuộc chức năng quản lý nhà nước. Mặt khác, các quy định hướng dẫn chi tiết cách thức, công cụ thực hiện giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu chưa thực sự rõ ràng, gây lúng túng khi thực hiện.

Ngọc Linh