Chiều 10/10, Bộ Công Thương phối hợp Hiệp hội Lương thực Việt Nam tổ chức Hội nghị Triển vọng sản xuất và thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Sản xuất, xuất khẩu gạo có vai trò quan trọng với phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Những năm gần đây, ngành gạo Việt Nam có bước phát triển và đạt được kết quả tích cực. Hàng năm, lượng gạo Việt Nam xuất khẩu chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới.

Gạo Việt Nam chiếm 15% lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới - Hình 1

(Ảnh minh họa)

Năm 2017, Việt Nam tiếp tục là nước xuất khẩu gạo đứng thứ ba thế giới sau Ấn Độ và Thái Lan. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã xuất khẩu trên 4,89 triệu tấn gạo với giá trị khoảng 2,46 tỷ USD, lần lượt tăng 6,7% về lượng và tăng 21,3% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Gạo Việt hiện đã có mặt ở gần 150 quốc gia và vùng lãnh thổ với các sản phẩm khá đa dạng như: Gạo hạt dài, gạo hạt ngắn, gạo thơm, gạo đồ, gạo hữu cơ… Đáng chú ý, gạo Việt bước đầu đã thâm nhập được vào những thị trường có yêu cầu cao như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU…

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: “Những tiến bộ trong sản xuất, cơ cấu giống, mùa vụ cùng với những biện pháp canh tác thích hợp đã từng bước nâng cao chất lượng gạo Việt Nam. Ngoài ra, các giống lúa thơm, chất lượng cao nhằm phục vụ những phân khúc thị trường cao cấp cũng được quan tâm hơn”.

Bên cạnh đó, ngày 15/8, Chính phủ đã ban hành Nghị định 10/2018/NĐ-CP7 thay thế Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh, xuất khẩu gạo, tiếp tục tạo dựng môi trường thông thoáng, thúc đẩy đầy tư, kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất, thương mại gạo. Ngoài ra, một số cơ chế chính sách khác cũng như Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo, Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo, Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam sẽ góp phần tăng cường liên kết, gắn sản xuất với thị trường theo chuỗi giá trị, bảo đảm chất lượng gạo xuất khẩu, xây dựng và khẳng định uy tín thương hiệu gạo Việt Nam.

Mặc dù sản phẩm gạo Việt Nam đã có mặt tại hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có các thị trường đòi hỏi chất lượng cao, song các ý kiến tại hội nghị cho thấy, mặt hàng gạo Việt Nam đang đối mặt với một số khó khăn. Đó là, năng lực tiếp cận, thâm nhập thị trường, marketing, đàm phán ký kết thực hiện hợp đồng, xử lý tranh chấp thương mại quốc tế, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo còn hạn chế.

Ngoài ra, các sản phẩm thương hiệu gạo Việt Nam vẫn chưa được phần lớn người tiêu dùng cuối cùng tại các nước biết đến. Người tiêu dùng cuối cùng chủ yếu biết đến gạo Việt thông qua một thương hiệu khác.

Nguyễn Tuệ