
Ngày 11/5, mạng xã hội lan truyền video camera nhà người dân ghi lại cảnh một đàn bò thả rong trên đường Trần Văn Quế, thuộc địa phận phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng húc ngã một cháu bé. Theo đoạn camera ghi lại, cháu bé đang chơi trước nhà thì bất ngờ bị con bò chưa rõ chủ sở hữu húc ngã. Cú húc mạnh khiến cháu ngã xuống đất, ngay sau đó gia đình đã nhanh chóng kịp thời có mặt và xua đuổi đàn bò bỏ chạy.
Trao đổi với Thương hiệu & Công luận, lãnh đạo UBND phường Hòa Hiệp Nam cho biết, vụ việc xảy ra trên đường Trần Văn Quế vào khoảng 10h ngày 11/5. Đây là khu vực giáp ranh giữa xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang) và phường Hòa Hiệp Nam, vì vậy thường xuyên xảy ra tình trạng bò thả rong xuất hiện ở khu vực này.

“Chúng tôi đã liên hệ với tổ dân phố và khu vực cháu bé sinh sống, may mắn cháu không có vấn đề nghiêm trọng. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa xác định được chủ sở hữu của đàn bò trong vụ việc”, đa phần các chủ sở hữu chăn nuôi trâu, bò thả rong, không bao giờ xuất hiện khi xảy ra vụ việc nghiêm trọng hoặc bắt giữ con vật nuôi lãnh đạo phường Hòa Hiệp Nam cho hay.



Sáng nay, 12/5, phóng viên Thương hiệu & Công luận trao đổi với lực lượng chức phường Hòa Hiệp Nam, quận liên Chiểu, TP. Đà Nẵng được biết, hiện đang tiếp tục xác minh chủ nhân của đàn bò thả rong, đồng thời ra quân bắt giữ những đàn bò còn thả rong còn lại tại khu vực địa bàn phường quản lý.
Qua tìm hiểu và ghi nhận: Địa bàn phường Hòa Hiệp Nam lân cận với xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang và con đường Nguyễn Tất Thành (nối dài) đến khu công nghệ cao đều nằm trên hai địa bàn nói trên. Đoạn đường này thường xuyên, năm nào cũng có xảy ra tại nạn giao thông do trâu, bò thả rong. Đặc biệt, về đêm và trời mưa, đàn trâu, bò thả rong lên đến hàng chục con đi lông nhông trên đường, đèn đường có đoạn không đủ ánh sáng và tầm nhìn hạn chế, nên vấn nạn xảy ra tai nạn do trâu, bò thả rong là chuyện không có gì khó hiểu.
Mặc dù, người dân phường Hòa Hiệp Nam, không có hộ gia đình nào chăn nuôi trâu, bò thả rong, nhưng chính quyền sở tại đã mất rất nhiều thời gian và công công sức cũng như kinh phí để ra quân bắt giữ khi đàn trâu, bò kéo về các khu dân cư để phá hoa màu do người dân canh tác. Đặc biệt, là khu đô thị sinh thái Golden Hills (thuộc tổ dân phố 35). Anh Nguyễn Thanh T, người dân vừa làm xong nhà về ở chừng 3 tháng thở dài chia sẻ với Phóng viên: “Về đây ở không khí trong lành, rất thú vị, nhưng có một điều không hiểu sao chính quyền địa phương không triệt để vấn nạn trâu, bò thả rong được? Ngủ một đêm đến sáng ra đường, trước cửa nhà, phân trâu, bò phóng uế về đêm đầy đường, mùi hôi bốc lên nồng nặc” anh lắc đầu ngao ngán. Hầu hết người dân tổ 34 và tổ 35 đều phản ứng.


Địa bàn xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng giáp ranh với tổ dân phố 34 và tổ 35, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, toàn xã Hòa Liên có 53 hộ chăn nuôi trâu, bò thả rong, với 370 con trâu lẫn bò, bà con nơi đây đã quen tập quán nuôi thả rong từ lâu đời, trước lúc khu vực xã giải tỏa mặt bằng làm khu đô thị mới, từ đó đất được xây dựng nhà cửa, các công trình công cộng… khang trang hơn, các con đường hầu hết được tráng nhựa, người dân sinh sống đông đúc, cũng từ đó diện tích đất bị thu hẹp, trâu, bò không còn cỏ để ăn, nên đàn trâu, bò phải tìm về Khu đô thị sinh thái Golden Hills để ăn hàng ngày.



Khu đô thị sinh thái Golden Hills diện tích quá rộng với 370ha tổng dự án, mà chỉ vỏn vẹn hơn 100 hộ dân sinh sống, cũng như tổ dân phố 34 mặc dù người dân nơi đây tái định cư từ xã Hòa Liên về nơi ở mới, nhưng diện tích tại hai tổ dân phố này nằm gần các dự án chưa được xây dựng, người dân ở chưa đông, từ đó trâu, bò được lùa về đây khá nhiều, thậm chí ăn, ngủ tại chỗ, phóng uế bừa bãi cả đường đi, trước nhà dân và nơi làm việc các cơ quan.
Thương hiệu & Công luận đã có hàng loạt bài viết về vấn nạn trâu, bò thả rong tại hai địa phương này, phải chăng đây là bài toán khó…?
Hoàng Hữu Quyết