Đưa giáo dục vùng cao “trỗi dậy”

Cách TP. Pleiku gần 200 km, trường PTDT bán trú tiểu học và THCS Kon Pne (Kbang) là ngôi trường xa nhất, khó khăn nhất của tỉnh Gia Lai  được mệnh danh như trường trên “ốc đảo”. Để vào được trường, PV đã phải mất hơn 3 giờ đồng hồ men theo những con đường đèo có độ cao gần 1700m, rồi xổ dốc xuống những vực thẳm hun hút, mới hiểu hết được sự gian nan của các thầy cô “bám làng, gieo chữ”.

Ấy thế mà, hàng chục năm nay các thầy cô giáo trẻ đã tình nguyện “bám làng” làm người đưa đò để chở các em học sinh vùng cao cập bến thành công.

Thầy Phạm Văn Hinh (Hiệu trưởng Trường PTDT BT Tiểu học và THCS Kon Pne) đã có hơn 16 năm công tác trên “ốc đảo” Kon Pne. Đây là một ngôi trường xa và khó khăn nhất tỉnh Gia Lai nhưng với sự cố gắng, nỗ lực thầy Hinh đã cùng với các thầy cô đưa trường Kon Pne trở thành một trường đạt chuẩn Quốc gia.

Chia sẻ với chúng tôi, thầy Hinh tâm sự: “Lúc đó tôi còn là một chàng trai mới tốt nghiệp trường CĐSP Gia Lai với bao nhiêu hoài bão ước mơ chưa thực hiện. Khi được phân công vào giảng dạy tại “ốc đảo” Kon Pne tôi đã muốn bỏ cuộc. Nhưng cũng tự động viên cố gắng “bám làng” dạy chữ có các em.

Dần dần, những học sinh và phụ huynh đã coi tôi như một người con trong buôn làng. Cũng nhờ vậy mà việc dạy học của tôi cũng thuận lợi hơn. Thấm thoát giờ đã hơn 16 năm, nhưng chưa có lúc nào tôi có suy nghĩ sẽ bỏ “ốc đảo” này để về xuôi. Vì cuộc sống tôi đã quen với núi rừng, quen với các em học sinh vùng cao…”.

 Gia Lai: Nguyện mang hết tuổi thanh xuân cho giáo dục vùng cao - Hình 1

Thầy Hinh đã đưa các em học sinh từ núi rừng đến với môi trường giáo dục, đưa giáo dục vùng cao “trỗi dậy”

Thầy Hinh cho biết thêm: “Học sinh vùng cao khác hoàn toàn học sinh vùng xuôi. Khi các thầy cô vào cắm làng để dạy chữ phải cùng hòa mình với cuộc sống của buôn làng. Mất cả tháng trời, khi dân làng đã tin các thầy cô thì mới cho con em mình đến trường học chữ. Các em học sinh đến trường thường rất bỡ ngỡ, các kĩ năng sống hầu như các em không có. Từ việc ăn ở, sinh hoạt các thầy cô đều phải hướng dẫn cho các em lại từ đầu…”.

Trước năm 2015, Kon Pne chỉ là một “ốc đảo” của tỉnh Gia Lai. Nếu không có các thầy cô giáo tình nguyện vào cắm bản để dạy chữ thì đây là một “vùng trắng” về giáo dục. Sau năm 2015, khi xây dựng mô hình bán trú tại Kon Pne, thầy Hinh đã mạnh dạn đề xuất dạy và học theo nội trú phần để giữ học sinh, phần cách ly được cuộc sống hoang dã nơi núi rừng để đưa các em vào môi trường giáo dục.

Nhưng việc dạy này sẽ đè nặng lên vai thầy Hinh cũng như các thầy cô về công tác nuôi dạy các em. Để có thực phẩm bổ sung vào bữa ăn cho các em, thầy Hinh đã cùng các thầy cô tự trồng rau, nuôi heo trong trường. Đặc biệt, mỗi tuần các thầy cô giáo lại cùng ra huyện để vận động xin hỗ trợ quần áo, sách vở đưa vào cho các học sinh.

Chính sự nỗ lực của các thầy cô giáo đã giúp cho trường Kon Pne vươn lên thành trường đạt chuẩn Quốc gia. Không những thế, Kon Pne cũng là một trong 2 trường điểm về mô hình bán trú vùng cao của huyện Kbang nói riêng và của tỉnh Gia Lai nói chung.

Hiến tuổi thanh xuân cho sự nghiệp “trồng người”

Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai, đầu năm 2000 thầy Phạm Minh Chí (SN 1973, GV trường PTDT BT Tiểu học và THCS Krong) về nhận công tác tại một điểm trường làng ở xã Krong (huyện Kbang, Gia Lai). Lúc đó, vùng núi rừng Krong đang là một vùng trắng giáo dục, người dân vẫn sống theo kiểu thời nguyên thủy trong vùng lõi VQG Kon Ka Kinh.

Để “con chữ” đến được với người dân, thầy Chí cùng một số giáo viên khác đã được phân công vào “bám bản” làng Pngăh để dạy học cho các học sinh.

Gia Lai: Nguyện mang hết tuổi thanh xuân cho giáo dục vùng cao - Hình 2

 Thầy Chí, gần 20 năm cõng trẻ đến trường và nguyện dụng cuộc đời này để cống hiến cho giáo dục vùng cao

Cuộc sống nơi núi rừng không đơn giản như những thầy giáo trẻ vẫn nghĩ. Thầy Chí nhớ lại: “Lúc đó tôi còn là một chàng trai trẻ nên xung phong vào rừng để dạy chữ cho các em. Nhưng thấy chúng tôi, bà con trong bản ngơ ngác chạy đi trốn vì sợ người lạ.

Hai ngày liền, tôi cùng 2 thầy nữa bị làng cô lập phải ngủ bên nóc nhà sàn. Đến ngày thứ 3, các thầy đã đến nhà già làng để nhờ giúp đỡ, nhưng không thành. Sau nhiều đêm, tôi đã nhận một người cha nuôi ở trong làng, sau đó cùng người cha đi vận động bà con cho trẻ đi học. Khi bà con tin tưởng thì coi các thầy như những người con của buôn làng nên đã giúp các thầy dựng một ngôi nhà chòi nhỏ giữa rừng để dạy cho các em học…

Khi vận động được các em đến trường thì một số thầy giáo trẻ cũng xin nghỉ bỏ về xuôi vì cuộc sống quá khổ cực. Lúc đó còn một mình thầy Chí bám bản để dạy chữ cho các em.

“Cuộc sống lúc đó khổ cực lắm, vì làng trong rừng sâu nên rất nhiều vắt. Mỗi lúc tôi ngủ là vắt bò lên cắn, sáng dậy thì đã thấy trên sàn là những vũng máu của tôi. Rồi những cơn sốt rét hoành hành. Thấy vậy, dân làng thương nên giúp tôi chữa bệnh, cho tôi ăn để có sức khỏe dạy chữ cho con họ…”, thầy Chí bộc bạch.

Gia Lai: Nguyện mang hết tuổi thanh xuân cho giáo dục vùng cao - Hình 3

Niềm vui mỗi ngày của người thầy là đưa được các em đến trường

“Chúng tôi là những người thầy, sứ mệnh chính là đưa cái chữ đến với học sinh. Điều khiến tôi bám trụ gần 20 năm tại đây vì bà con coi chúng tôi như con, em. Học sinh ở vùng cao rất nhút nhát, sợ người lạ nên việc dạy học cần cái tâm người thầy. Để tôi yên tâm công tác, vợ tôi cũng đã tình nguyện vào xã khó khăn này để làm thuê với số lương ít ỏi, nhưng lại được ở gần chồng con…

Trước đó khi cũng có một chính sách ưu tiên cho những giáo viên dạy 5 năm tại vùng đặc biệt khó khăn được chuyển về vùng xuôi, nhưng tôi đã dành cho các thầy cô trẻ còn cuộc sống của tôi đã dành tất cả cho vùng Krong này rồi…”.

Phạm Hoàng-Kim Yến