Nghị định 178/2024/NĐ-CP quy định về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc do sắp xếp bộ máy đang thu hút sự quan tâm lớn. Trong đó, chính sách nghỉ hưu trước tuổi tại Điều 7 của nghị định này nhận được nhiều câu hỏi từ những người thuộc diện sắp xếp.

Cụ thể, Điểm d Khoản 2 Điều 7 Nghị định 178 quy định, trường hợp cán bộ, công chức, viên chức có tuổi đời còn dưới 2 năm so với tuổi nghỉ hưu theo quy định sẽ được hưởng chính sách nghỉ hưu trước tuổi nếu có đủ thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc để được hưởng lương hưu theo luật BHXH.
Tuy nhiên, quy định này đã gây ra những thắc mắc cho người lao động về thời gian đóng BHXH bắt buộc cụ thể là bao nhiêu năm, về việc liệu thời gian đóng BHXH bắt buộc là 20 năm hay phải đáp ứng các mốc thời gian khác như 30 năm (đối với nữ) và 35 năm (đối với nam) theo quy định cũ. Hoặc về trường hợp có thời gian đóng BHXH gần đủ 20 năm trước thời điểm luật mới có hiệu lực.
Về vấn đề này, Bộ Nội vụ đã chính thức lên tiếng giải thích, làm rõ cách tính "thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc để được hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội" trong trường hợp nghỉ hưu trước tuổi theo Nghị định 178. Theo Bộ Nội vụ, thời gian đóng BHXH bắt buộc sẽ phụ thuộc vào thời điểm người lao động nghỉ hưu.
Trường hợp nghỉ trước ngày 1/7/2025
Đối với những trường hợp cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hưu trước thời điểm ngày 1/7/2025 (thời điểm Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 có hiệu lực), sẽ áp dụng các quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Theo đó, thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tối thiểu để được hưởng lương hưu là 20 năm.
Như vậy, đối với trường hợp xin nghỉ theo Nghị định 178 trước ngày 1/7/2025 và có thời gian đóng BHXH bắt buộc là 19 năm 9 tháng, thì chưa đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu ngay.
Trường hợp nghỉ sau ngày 1/7/2025
Đối với những trường hợp cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hưu sau thời điểm ngày 1/7/2025 (thời điểm Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 có hiệu lực), sẽ áp dụng các quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024. Theo luật mới, thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tối thiểu để được hưởng lương hưu đã được điều chỉnh xuống còn 15 năm.
Như vậy, quy định về thời gian đóng BHXH bắt buộc để được hưởng lương hưu trước tuổi theo Nghị định 178 sẽ linh hoạt theo thời điểm nghỉ hưu của người lao động, tuân thủ theo các quy định của Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực tại thời điểm đó. Điều này giúp người lao động thuộc diện sắp xếp bộ máy có thể nắm rõ quyền lợi của mình khi xem xét các chính sách nghỉ việc trước tuổi.
Tâm An (t/h)