Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã có sản xuất mía đường tiếp tục phối hợp với các công ty, nhà máy đường có vùng nguyên liệu đang đầu tư trên địa bàn tập trung chỉ đạo triển khai công tác giám sát, phòng chống cháy mía trên địa bàn; xây dựng phương án phòng chống cháy mía... theo đúng tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 287/UBND-NL ngày 11/2/2023 và Thông báo số 26/TB-VP ngày 8/3/2023; chỉ đạo công an huyện điều tra phát hiện, xử lý, răn đe các đối tượng đốt mía theo đúng quy định pháp luật.
Trên cơ sở định hướng phát triển sản xuất của tỉnh, các huyện, thị xã rà soát, xác định và có kế hoạch, định hướng phát triển cụ thể, chi tiết diện tích mía ở từng địa bàn cấp xã để đảm bảo hành lang pháp lý cho các nhà máy và người trồng mía ở địa phương an tâm liên kết sản xuất, đầu tư phát triển vùng nguyên liệu mía ổn định, bền vững, hiệu quả.
Đồng thời, các huyện, thị xã làm việc và có biên bản thống nhất, cam kết của công ty, nhà máy với UBND cấp huyện trong việc đầu tư, liên kết phát triển vùng nguyên liệu mía ở địa phương; tiếp tục tổ chức thực hiện tốt việc phối hợp, hỗ trợ, giúp đỡ các công ty, nhà máy đường đầu tư phát triển vùng nguyên liệu mía ở địa phương; khuyến khích người dân dồn điền, đổi thửa để đẩy nhanh và thực hiện có kết quả kế hoạch xây dựng cánh đồng mía lớn, áp dụng cơ giới hóa, tưới và thâm canh; hình thành những vùng sản xuất mía quy mô lớn, tập trung.
Cùng với đó, các huyện, thị xã tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, đúng định hướng phát triển vùng nguyên liệu mía của tỉnh và kế hoạch sản xuất mía đường của địa phương để nâng cao năng suất, chất lượng mía, giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm mía đường Gia Lai và giảm rủi ro cho người trồng mía trong tỉnh.
Đối với các công ty, nhà máy đường trên địa bàn tỉnh, cần xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ cho nhà máy, tạo mối liên kết bền vững giữa nông dân trồng mía với nhà máy; đầu tư sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất, sản xuất tập trung, quy mô lớn, áp dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật và tiếp đến cơ giới hóa tất cả các khâu trong sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm mía, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh trong hội nhập.
Các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh các hoạt động khuyến nông; tổ chức tập huấn cho nông dân vùng nguyên liệu của nhà máy đầu tư thực hiện đồng bộ quy trình kỹ thuật thâm canh mía bền vững; thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống các loại sâu bệnh hại mía, không để phát sinh thành dịch; xây dựng phương án thu mua; tổ chức thu mua kịp thời, đúng thời điểm mía chín; công khai, minh bạch, xác định đúng chữ đường và tạp chất; thực hiện đúng, đầy đủ các điều khoản đã ký kết với người dân.
UBND tỉnh giao:
Sở Khoa học và Công chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương có liên quan tổ chức kiểm tra tình hình sử dụng, kiểm định, hiệu chuẩn các phương tiện đo của các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh, kịp thời công bố cho người trồng mía nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho nông dân trồng mía.
Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, giám sát việc đầu tư, nâng cấp các nhà máy chế biến đường trên địa bàn tỉnh, đảm bảo công nghệ sản xuất hiện đại, công suất phù hợp với vùng nguyên liệu mía phân bổ cho nhà máy; hướng dẫn các nhà máy đầu tư chiều sâu, nâng cao tỷ lệ tự động hóa, áp dụng các thiết bị tiên tiến để nâng cao năng suất, hiệu suất thu hồi và chất lượng sản phẩm; từng bước xây dựng chuỗi sản xuất theo hướng đa dạng các sản phẩm sau đường; đồng thời, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng lực cạnh tranh, đảm bảo sản xuất mía đường Gia Lai ổn định, bền vững và hiệu quả.
Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các Nhà máy đường thực hiện chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật sản xuất mía đến người dân; xây dựng các mô hình mía có tính mới, kỹ thuật sản xuất tiên tiến, hiện đại để qua đó hướng dẫn, tập huấn cho bà con nông dân; tăng cường liên kết “4 nhà" trong sản xuất mía nhằm đảm bảo lợi ích, tăng cường trách nhiệm của mỗi bên, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển mía trên địa bàn tỉnh ổn định, bền vững.
UBND tỉnh cũng yêu cầu các cơ quan báo chí tăng cường phối hợp chặt chẽ với UBND cấp huyện có sản xuất mía đường và các công ty, nhà máy đường trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quy trình kỹ thuật thâm canh mía bền vững thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu để người trồng mía có cơ hội tiếp cận và có thêm kinh nghiệm về kỹ thuật trồng, chăm sóc, sản xuất mía bền vững, hiệu quả và nâng cao ý thức phòng, cháy mía, các loại cây trồng trong mùa khô; các mô hình trồng thâm canh mía bền vững, hiệu quả để người dân tham quan, học tập, áp dụng vào sản xuất.
Thuận Yến - Thùy Linh