Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã An Khê hướng dẫn người dân về kỹ thuật trồng cây dược liệu. Ảnh:baogialai.com.vn
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã An Khê hướng dẫn người dân về kỹ thuật trồng cây dược liệu. Ảnh:baogialai.com.vn.

Theo đó, mục tiêu chung của Kế hoạch là tập trung xây dựng vùng nguyên liệu, phát triển các sản phẩm dược liệu thành ngành sản xuất hàng hóa, ưu tiên phát triển các chủng loại dược liệu có lợi thế cạnh tranh để nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích, tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Thu hút các nhà đầu tư phát triển các cơ sở sản xuất, chế biến dược liệu, thuốc từ dược liệu. Xây dựng các mô hình khép kín từ nuôi, trồng dược liệu đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Từng bước phát triển ngành dược liệu theo hướng hiện đại, sử dụng công nghệ tiên tiến, tạo ra nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Trong đó, chú trọng việc bố trí diện tích phù hợp để xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, chuyên canh và trồng dược liệu theo hình thức liên kết chuỗi giá trị bền vững, gắn với phát triển công nghiệp chế biến dược liệu, phát triển các sản phẩm dược liệu có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc. Ưu tiên phát triển các loài dược liệu có lợi thế và giá trị kinh tế, có thị trường tiêu thụ, phù hợp với các vùng sinh thái của tỉnh. Xây dựng các cơ sở sản xuất, chế biến dược liệu, xây dựng các nhà máy sản xuất thuốc từ dược liệu.

Cụ thể: Đến năm 2030 hình thành 02 Trung tâm trồng khảo nghiệm, sản xuất giống cây dược liệu quý, giống cây dược liệu hàng hóa có giá trị kinh tế và lợi thế của Gia Lai. Hình thành ít nhất 04 cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống dược liệu để cung cấp cây giống chất lượng cao, đảm bảo cung ứng trên 70% nhu cầu cây giống cho các tổ chức, cá nhân tham gia trồng dược liệu.

Xây dựng thương hiệu ít nhất 02 sản phẩm dược liệu và có ít nhất thêm 05 sản phẩm dược liệu được tạo ra gắn với Chương trình OCOP của tỉnh. Đến năm 2045 hình thành ít nhất 06 cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống dược liệu để cung cấp cây giống chất lượng cao, đảm bảo cung ứng 100% nhu cầu cây giống cho các tổ chức, cá nhân tham gia trồng dược liệu. Xây dựng thương hiệu ít nhất 04 sản phẩm dược liệu và có thêm ít nhất 10 sản phẩm dược liệu được tạo ra gắn với Chương trình OCOP của tỉnh.

Đồng thời, tập trung xây dựng các cơ sở sản xuất, chế biến dược liệu, xây dựng các nhà máy sản xuất thuốc từ dược liệu. Cụ thể: Đến năm 2030 hình thành mới thêm ít nhất 02 cơ sở sơ chế, chế biến dược liệu tại các địa phương trọng điểm phát triển dược liệu của tỉnh và ít nhất 01 nhà máy sản xuất thuốc từ dược liệu đạt tiêu chuẩn Thực hành tốt sản xuất thuốc GMP-WHO.

Đến năm 2045 hình thành mới ít nhất 04 cơ sở sơ chế, chế biến dược liệu tại các địa phương trọng điểm và ít nhất 03 nhà máy sản xuất thuốc từ dược liệu đạt tiêu chuẩn Thực hành tốt sản xuất thuốc GMP-WHO.

Bên cạnh đó, tại Kế hoạch đã xác định 02 nhiệm vụ chủ yếu gồm: Phát triển vùng trồng dược liệu và lựa chọn dược liệu ưu tiên trồng; huy động nguồn lực thực hiện nhiệm vụ phát triển các nhà máy chế biến dược liệu, sản xuất thuốc từ dược liệu trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, các nhóm giải pháp trọng tâm về thông tin, tuyên truyền, vận động thực hiện chủ trương của tỉnh về phát triển công nghiệp dược, dược liệu; tổ chức sản xuất dược liệu hiệu quả và bền vững; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong kiểm soát chất lượng dược liệu lưu hành; xây dựng phát triển các sản phẩm dược liệu gắn với du lịch và Chương trình OCOP của tỉnh; giải pháp về đất đai và cơ chế, chính sách.

PV (t/h)