(TH&CL) - Gần đây, dư luận đặc biệt nóng với các vấn đề liên quan đến giá thuốc và viện phí. Giá thuốc cao, viện phí tăng, dân không biết kêu ai? Phải chăng, các quy định pháp luật hiện nay vẫn tồn tại việc chồng chéo về thẩm quyền dẫn đến đùn đẩy trách nhiệm quản lý khung giá viện phí?
Ảnh minh họa
Lỗi thuộc Bộ Tài chính?
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, Nguyễn Thị Kim Tiến, để bộ này quản lý hoàn toàn giá thuốc theo quy trình khép kín, khiến Quốc hội và nhân dân chê trách là “Bộ Y tế vừa đá bóng, vừa thổi còi, thiếu công khai minh bạch, dễ nảy sinh tiêu cực”... Trên thế giới, không ai làm như vậy. Với thuốc bảo hiểm y tế, họ tăng cường dùng thuốc gốc, thuốc nội, tránh biệt dược và các hãng thương mại. Phải thành lập hội đồng về giá thuốc, trong đó Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về giá, Bộ Y tế chịu trách nhiệm chuyên môn, còn Bộ Công thương công bố giá gốc, hàng giả hàng nhái.
Vấn đề về trách nhiệm quản lý giá thuốc bắt đầu gây tranh cãi, vấn đề về quản lý viện phí đã tồn tại từ lâu vẫn chưa quy được trách nhiệm.
Bộ Tài chính là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Tài chính (bao gồm: ngân sách nhà nước, thuế, phí, lệ phí và khoản thu khác của ngân sách nhà nước, dự trữ quốc gia, tài sản nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước, đầu tư tài chính, tài chính doanh nghiệp, tài chính hợp tác xã và kinh tế tập thể…); hải quan; kế toán; kiểm toán độc lập; giá; chứng khoán; bảo hiểm; hoạt động dịch vụ tài chính và dịch vụ khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. (Điều 1, NĐ 215/2013/NĐ-CP ngày 23/12/2013 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính năm 2013).
Theo quy định tại Điều 1, Nghị định 63/2012/NĐ-CP ngày 31/8/2012 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y Tế năm 2012: “Bộ Y tế là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về y tế, bao gồm các lĩnh vực: Y tế dự phòng; khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng; giám định y khoa, pháp y, pháp y tâm thần; y dược cổ truyền; sức khỏe sinh sản; trang thiết bị y tế; dược; mỹ phẩm; an toàn thực phẩm; bảo hiểm y tế; dân số - kế hoạch hóa gia đình; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ”.
Bộ Tài chính quản lý các vấn đề tài chính như phí, lệ phí…, những vấn đề liên quan đến y tế như khám, chữa bệnh… sẽ thuộc sự quản lý của Bộ Y tế. Khái niệm viện phí - bản thân nó đã bao gồm cả 2 nội dung là phí và vấn đề y tế. Có lẽ, vì vậy mà khi chính thức quy định trong văn bản pháp luật đầu tiên có thể nói là trong Quyết định 45/HĐBT ngày 24/4/1989 của Hội đồng Bộ trưởng về thu một phần viện phí y tế quy định về viện phí như sau:
“Viện phí gồm các khoản tiền khám bệnh, tiền giường nằm điều trị, điều dưỡng, tiền thuốc, tiền máu, tiền xét nghiệm, tiền phim X quang và một số dịch vụ kỹ thuật khác, kể cả nội trú và ngoại trú”.
Xuất phát từ khái niệm viện phí là gồm các khoản tiền, mà khoản tiền này lại chi cho việc khám chữa bệnh hay nói chung về vấn đề y tế, vì vậy, chẳng khó lý giải tại sao ngay trong văn bản pháp luật này đã quy định về thẩm quyền quy định khung giá viện phí lại được giao cho cả hai bộ. Cụ thể: “Hội đồng Bộ trưởng giao cho Bộ Y tế và Bộ Tài chính quy định mức thu cụ thể đối với từng dịch vụ y tế, ngày nằm điều trị, điều dưỡng của từng loại bệnh, sao cho vừa sức đóng góp của nhân dân và đúng với chính sách xã hội của Nhà nước”. (Điều 4, Quyết định 45/HĐBT ngày 24/4/1989 của Hội đồng Bộ trưởng về thu một phần viện phí y tế). Theo đó, thẩm quyền quy định chung là thuộc về Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ); thẩm quyền trực tiếp quản lý và quy định mức thu cụ thể là thuộc về Bộ Tài chính và Bộ Y tế.
Chồng chéo thẩm quyền
Xuyên suốt quá trình từ năm 1989 đến nay, trong các hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đều quy định về thẩm quyền quản lý quy định khung giá viện phí về căn bản vẫn thuộc về thẩm quyền của Bộ Tài chính và Bộ Y tế. Cụ thể: Thông tư Liên tịch số 14/TTLB ngày 15/06/1989 của liên Bộ Y tế và Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 45-HĐBT ngày 24/4/1989 về việc thu một phần viện phí y tế; Nghị định 95-CP ngày 27/08/1994 của Chính phủ về việc thu một phần viện phí; Thông tư Liên tịch số 20/TTLB ngày 23/11/1994 của Liên Bộ Y tế - Tài Chính – Lao Động-Thương binh và Xã hội – Ban Vật giá Chính phủ hướng dẫn thực hiện Nghị định số 95/CP về việc thu một phần viện phí; Thông tư Liên tịch số 14/TTLB ngày 30/09/1995 của liên Bộ Y tế - Tài chính – Lao động-Thương binh và Xã hội – Ban Vật giá Chính phủ hướng dẫn thực hiện việc thu một phần viện phí; Thông tư Liên tịch số 03/2006/TTLT-BYT-BTC-BLĐTB&XH ngày 26/01/2006; Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009; Nghị định 04/1999/NĐ-CP quy định về phí và lệ phí; Nghị định 57/2002/NĐ-CP ngày 03/06/2002 quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Phí và lệ phí…
Tuy nhiên, các văn bản vừa nêu trên không chỉ quy định thẩm quyền quy định khung giá viện phí là Bộ Tài chính và Bộ Y tế, mà qua mỗi thời kỳ khác nhau thì riêng vấn đề viện phí cũng đã bao gồm nhiều cơ quan khác nhau cùng có thẩm quyền quy định khung giá, như: Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Ban Vật giá Chính phủ, thậm chí cả UBND địa phương… Rõ ràng, như vậy là có sự chồng chéo thẩm quyền.
Cụ thể, tại khoản 2, mục II Thông tư 14/TTLB năm 1989 quy định mức thu dịch vụ khám chữa bệnh trên đây là mức thu trung bình. Các địa phương căn cứ vào tình hình cụ thể nếu xét thấy cần phải thu cao hơn hay thấp hơn thì trình UBND địa phương quyết định, hoặc Bộ Y tế quyết định (nếu là bệnh viện tuyến trung ương). Chính phủ giao cho Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Ban Vật giá Chính phủ quy định khung giá một phần viện phí. Căn cứ vào khung giá của liên bộ ban hành, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định giá một phần viện phí cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do địa phương quản lý, Bộ trưởng Bộ Y tế quy định giá một phần viện phí cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Bộ. (Điều 5, NĐ 95-CP/1989).
Để phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và mức thu nhập bình quân của từng vùng có sự khác nhau, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành biểu giá của địa phương mình; Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành biểu giá cho các bệnh viện và viện nghiên cứu có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế và bệnh viện thuộc các bộ, các ngành khác, nhưng mức giá phải nằm trong khung giá do liên bộ ban hành. Trong trường hợp chỉ số giá cả biến động, cần phải điều chỉnh khung giá cho phù hợp, liên bộ ủy quyền cho Bộ Y tế hướng dẫn lại khung giá thu một phần viện phí sau khi có sự thỏa thuận của Bộ Tài chính và Ban Vật giá Chính phủ. (Mục C TTLT 14/TTLB năm 1995).
Nên giao cho bộ nào?
Mặc dù, cho tới thời điểm hiện tại đã có những văn bản pháp luật có liên quan quy định về việc thẩm quyền của Bộ Y tế và Bộ Tài chính trong việc xác định mức viện phí, cụ thể là Luật Khám bệnh và chữa bệnh năm 2008 quy định như sau: “3. Bộ trưởng Bộ Tài chính phối hợp với Bộ trưởng Bộ Y tế quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước”. Nhưng 2 văn bản pháp luật rất quan trọng là các Nghị định 63/2012/NĐ-CP quy định trực tiếp về nhiệm vụ quyền hạn của hai bộ và Nghị định 215/2013/NĐ-CP quy định về nhiệm vụ quyền hạn của hai Bộ Tài chính thì không có nội dung nào đề cập rõ ràng về thẩm quyền quy định khung giá viện phí. Điều này có thể cũng dẫn đến việc tranh chấp về thẩm quyền quy định viện phí trong thực tế.
Xét về phương diện thực tế cũng như trên phương diện pháp lý thì Bộ Y tế là cơ quan quản lý trực tiếp các vấn đề về khám chữa bệnh, các vấn đề liên quan đến y tế thì cơ quan này có vai trò tối quan trọng trong các việc đưa ra các khung giá cho ngành của mình, vì sẽ phù hợp với thực tế vừa đảm bảo mặt bằng chung về phí. Vì vậy, nên chăng cần có quy định rõ về chức năng nhiệm vụ quyền hạn về quy định khung giá viện phí cho Bộ Y tế, thay vì trao thẩm quyền cho Bộ Tài chính hay các bộ, ngành khác một cách chung chung. Bởi thứ nhất, đảm bảo không bị chồng chéo về quyền hạn giữa các bộ, ngành. Thứ hai, để cơ quan quản lý trực tiếp về lĩnh vực đó quy định sẽ phù hợp với thực tế và khả thi hơn… Và khi các vấn đề liên quan đến quyền hạn của họ - sẽ dễ dàng quy trách nhiệm thay bị đùn đẩy cho nhau khi gặp phải giải trình.
Hiện nay, Chính phủ chủ trương và từng bước thực hiện việc thu gọn đầu mối quản lý nhà nước, nâng cao tính thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tập hợp, thống nhất quy định về thẩm quyền ban hành khung giá viện phí liên quan tới các bộ, ngành khác nhau về một văn bản chung, tránh tình trạng chồng chéo trong quản lý và trong quy định thẩm quyền. Tuy nhiên, vấn đề là cần khẩn trương thực hiện công việc này, nhằm thống nhất quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thực thi pháp luật.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ: Sau 8 năm giữ trách nhiệm quản lý giá thuốc theo Luật Dược hiện hành, Bộ Y tế thấy việc dùng mệnh lệnh hành chính, “ép giá, áp giá các doanh nghiệp” để giữ giá thuốc là không hiệu quả… |
TS. Nguyễn An