Giá xăng giảm 24% nhưng nhiều loại thực phẩm giá vẫn tăng cao
Sau 5 đợt điều chỉnh, giá xăng RON95 đã giảm hơn 8.200 đồng/lít, tương ứng 25% so với đợt đỉnh cuối tháng Sáu và hiện giá bán đã tương đương đầu tháng 01/2022; giá xăng E5 RON92 giảm 7.580 đồng, tương ứng mức giảm 24%...
Tuy nhiên, có điều nghịch lý là, giá hầu hết các mặt hàng trước đây “mượn cớ” phải điều chỉnh do giá xăng dầu tăng, thì nay vẫn chưa điều chỉnh gì đáng kể, thậm chí có những hàng hóa giá vẫn cứ “neo”. Khi giá xăng dầu 3 lần liên tiếp giảm nhưng giá hàng hóa vẫn ở mức cao, ngày 31/07, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương trong thẩm quyền của mình theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời thực hiện giải pháp đảm bảo cân đối cung - cầu trong nước, ổn định giá cả, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý. Tuy nhiên, đến nay, thêm 2 lần giá xăng dầu giảm, giá hàng hóa vẫn chưa đồng loạt giảm theo.
Ghi nhận của PV Thương hiệu & Công luận sáng ngày 13/08 tại một số chợ dân sinh, chợ cóc thuộc khu vực Quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội như: chợ Nhân Chính, chợ Thượng Đình, chợ Ngã Tư Sở thuộc quận Thanh Xuân, so với thời điểm cuối tháng Sáu giá nhiều loại rau củ đã bắt đầu “hạ nhiệt”.
Cụ thể, các loại rau như rau ngót, mồng tơi, cải xanh giảm từ 2.000 - 5.000 đồng/mớ, mướp đắng giảm từ 25.000 đồng xuống còn 20.000 đồng/kg. Chanh giảm từ 30.000 - 35.000 đồng/kg xuống còn 25.000 đồng/kg, khoai tây 25.000 đồng/kg xuống còn 22.000 đồng/kg...
Chuyên bán rau tại chợ Nhân Chính, chị Lan phấn khởi chia sẻ: “Hàng nhập ở chợ đầu mối đang giảm từ 2.000-5.000 đồng/kg nên tôi bán lẻ tại chợ cũng phải giảm cho khách. Một số loại rau thơm, hành lá giá nhập vào cũng rẻ hơn nên khi khách mua hàng, tôi có thể cho kèm như trước đây. Khách mua cũng vui vẻ mà mình cũng bán được hàng”.
Bên cạnh các mặt hàng đã giảm giá, vẫn còn nhiều loại thực phẩm giữ nguyên giá bán cũ, thậm chí có mặt hàng vẫn tiếp tục tăng. Đơn cử như thịt lợn vẫn giữ giá bán là 130-140.000 đồng/kg, thịt bò được bán ở mức 240.000-250.000 đồng/kg tùy loại, thịt gà ta giá 180.000 đồng/kg. Các mặt hàng thủy hải sản như tôm giá từ 280.000-380.000 đồng/kg, cá trắm từ 80.000-120.000 đồng/kg, không thay đổi so với đầu tháng Bảy.
Bà Nguyễn Thị Huế, tiểu thương ở chợ Nhân Chính, quận Thanh Xuân, cho biết, từ đầu tháng Bảy đến nay, giá thịt lợn đã tăng lên 10 giá, và từ đó đến nay chưa có lúc nào giảm. “Giá thịt lợn chúng tôi lấy qua thương lái đã tăng vọt lên so với trước tháng Bảy, các thương lái giải thích do giá xăng tăng mạnh liên tục nên phí vận chuyển tăng, thành ra giá thịt cũng phải tăng”, bà Huế nói.
Theo bà Nguyễn Thị Hoa, người dân sống tại quận Thanh Xuân, sau đợt dịch Covid-19, nguồn việc làm chưa thể phục hồi nên thu nhập của người dân vẫn bấp bênh trong khi giá xăng dầu liên tục tăng, giá hàng hóa cũng tăng sốc khiến những người nội trợ phải tính toán chi li bữa ăn trong gia đình. Đến nay, khi giá xăng đã giảm khá sâu thì hầu hết các mặt hàng vẫn giữ nguyên giá bán cũ, thậm chí nhiều mặt hàng vẫn tiếp tục tăng. “Gần một tháng nay giá xăng đã giảm nhiều rồi, nhưng nhiều loại thực phẩm vẫn bán ra với giá cao, các bữa ăn có thêm thịt cá trong gia đình tôi vẫn phải cắt giảm, nếu như trước đây một tuần gia đình có 2 bữa được ăn thịt bò thì nay có khi đến 2 tuần tôi mới mua một lần vì giá cao quá”, bà Hoa nói.
Kinh doanh thực phẩm tại chợ Ngã Tư Sở, quận Thanh Xuân, anh Hoàng Hải cho biết, so với tuần trước, giá rau củ đã giảm nhưng các loại thịt vẫn giữ nguyên giá bán cao. Còn trứng gà, vịt tiếp tục giữ giá cao là 40.000 đồng/chục. Cũng theo chị Hà, mặc dù xăng dầu đã giảm nhưng nhiều nhà cung cấp các mặt hàng thiết yếu vẫn giữ nguyên giá, giá nhập vào cao nên các tiểu thương như chúng tôi buộc phải bán ra với giá như vậy.
Mặc giá xăng dầu giảm sâu, giá mặt hàng thiết yếu dễ lên khó xuống
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú chia sẻ chưa bao giờ giá xăng bám sát giá hàng hóa như hiện nay. Giá xăng lên là hàng hóa lên, thậm chí phong thanh nghe giá xăng chuẩn bị lên thì giá đón đầu tăng vọt trước. Tuy nhiên, kinh nghiệm theo dõi diễn biến giá cả thị trường nhiều năm nay, ông Phú cho rằng một khi giá cả nhích lên sẽ xuống rất chậm, lên 3 bậc giảm 1 bậc hoặc thậm chí không xuống.
Lý giải việc trong tháng Bảy, mặc dù giá xăng dầu trong nước giảm mạnh nhưng giá nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn có biến động tăng, Bộ Tài chính cho rằng, do nhiều yếu tố tác động đan xen như tác động của giá nguyên vật liệu đầu vào, mức độ tồn kho, năng lực sản xuất, nhu cầu biến động mang tính mùa vụ.
Cùng với đó, một số mặt hàng có giá nguyên liệu đầu vào tăng trong một thời gian dài nên chưa thể giảm giá ngay hoặc cần độ trễ sau khi giá xăng dầu giảm.
Tuy nhiên, chi phí xăng dầu chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá thành của một số hàng hóa dịch vụ như vận tải. Trong tháng 7, giá xăng dầu có 3 đợt điều chỉnh giảm trong đó kỳ điều hành ngày 11/07 và 21/07 giá giảm mạnh do việc tiếp tục điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường và giá xăng dầu thế giới giảm. Do đó, "việc giảm giá xăng dầu sẽ tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến giá của các mặt hàng, nhất là những hàng hóa, dịch vụ sử dụng xăng dầu làm đầu vào chính trong sản xuất", Bộ Tài chính khẳng định.
Theo các chuyên gia, để giá hàng hóa có tăng, có giảm, tuân theo quy luật thị trường và chịu sự điều tiết của Nhà nước thì cần phải tập trung tháo gỡ, giải quyết một số “điểm nghẽn”, đó là nhóm hàng hóa Nhà nước can thiệp và tổ chức, điều tiết. Trong đó, với những mặt hàng phải kê khai, niêm yết giá như: xi măng, thép xây dựng; thức ăn chăn nuôi; dịch vụ vận chuyển hành khách…, các bộ ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc rà soát kê khai giá của doanh nghiệp để đánh giá việc điều chỉnh giá phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng dầu trong yếu tố hình thành giá; trường hợp có thể giảm giá thì yêu cầu đơn vị thực hiện kê khai giảm giá; xử lý nghiêm hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý.
Đây cũng là yêu cầu xuyên suốt trong rất nhiều lần chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ. Song, thực tế, việc rà soát, yêu cầu giảm giá, xử lý nghiêm và công khai các hành vi vi phạm thế nào thường hiếm khi xuất hiện trên phương tiện thông tin đại chúng.
Bên cạnh việc tổ chức nguồn cung ứng hàng hóa dồi dào, thì phải xây dựng các chuỗi cung ứng ngắn, đi từ sản xuất đến bán lẻ để giảm bớt chi phí trung gian. Vấn đề này được đặt ra từ lâu và ở đây, có trách nhiệm của Bộ Công Thương, Bộ NN-PTNT.
LP-M.A