Dược liệu được hiểu là các nguyên liệu có nguồn gốc từ thực vật, động vật, khoáng vật, có thể sử dụng trong nhiều mục đích khác nhau như làm nguyên liệu, thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, hương liệu, sản xuất thuốc, hóa mỹ phẩm...

Như vậy, dược liệu là một trong những nguồn để sản xuất thuốc có vai trò quyết định đến sự tồn tại và phát triển của ngành Y, đặc biệt là nền y học cổ truyền. Trong khi đó, nguồn dược liệu trong nước không đáp ứng đủ cho nhu cầu xã hội, cộng với các quy định của pháp luật về mặt hàng dược liệu và hoạt động nhập khẩu dược liệu chưa phù hợp dẫn đến tình trạng một số doanh nghiệp, cá nhân vì hám lợi đã dùng mọi thủ đoạn để buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng trên qua biên giới.

Vụ hơn 100 tấn thảo dược từ Trung Quốc “đội lốt” nông sản Ảnh: T.BVụ hơn 100 tấn thảo dược từ Trung Quốc “đội lốt” nông sản. Ảnh: T.B

Các mặt hàng nhập lậu chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc thường được đưa về Việt Nam thông qua các đường mòn, lối mở thuộc các tỉnh biên giới phía Bắc. Cụ thể, cuối năm 2018, đường dây buôn lậu 100 tấn hàng hóa tại xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn đã bị lực lượng chức năng bắt quả tang đi qua đường mòn lối mở. Trong 7 xe tải bị bắt giữ, phần lớn là thuốc Bắc.

Hoặc ngày 4/12/2019, tại cửa khẩu Chi Ma huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) - Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng bắt quả tang vụ nhập khẩu và vận chuyển trên 100 tấn hàng hóa là dược liệu qua biên giới, nhưng khai là hoa quả khô.

Song, thời gian vừa qua do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cùng với sự kiểm soát chặt chẽ của các lực lượng chức năng trên tuyến biên giới đường bộ phía Bắc, các đối tượng buôn lậu mặt hàng này đã chuyển hướng vận chuyển qua tuyến đường biển, và rất có thể vận chuyển qua biên giới đường bộ sang Lào rồi sau đó tiếp tục về Việt Nam qua đường mòn, lối mở tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.

Điển hình là ngày 22/6/2020, Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Trung (Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan) chủ trì, phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng thuộc Cục Hải quan Đà Nẵng tiến hành kiểm tra lô hàng chứa trong 5 container được vận chuyển trên tàu INSPIR, chuyến 20003S từ cảng HangPu (Trung Quốc) đến cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) ngày 14/6/2020 của một Công ty có địa chỉ tại Hải Dương.

Theo khai báo, hàng hóa gồm: “táo ta, quả mơ, hạt điều, củ cải, cà rốt” sấy khô chưa qua chế biến, dùng làm thực phẩm để đun nước uống. Kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa chứa trong 5 container phần lớn là thảo dược, bằng phương pháp cảm quan sơ bộ xác định đây là nguyên liệu thuốc bắc.

Tổng trọng lượng khoảng 103 tấn. Thực tế thời gian vừa qua, một số doanh nghiệp lợi dụng nhập khẩu sản phẩm trên với thủ đoạn khai báo hàng hóa làm thực phẩm như Thảo quyết minh, Nhân trần, Phá cố chỉ, Trạch tả, Ngải cứu, Bạch Linh, Bán chỉ liên... dưới dạng hoa quả khô hoặc nông sản.

Theo quy định các mặt hàng trên thuộc đối tượng quản lý của Bộ Y tế, không phải nguyên liệu thuộc danh mục sản phẩm/nhóm sản phẩm thực phẩm được quy định trong Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm.

Như vậy, các mặt hàng này khi nhập khẩu buộc phải có đầy đủ hồ sơ (giấy phép nhập khẩu) của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp và phải chịu thuế suất thuế nhập khẩu theo quy định.

Do vậy, để giải quyết bài toán về dược liệu, thiết nghĩ các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về vấn đề này cần nghiên cứu một số đề xuất:

Thứ nhất, cần sửa đổi quy định tại Khoản 7 Điều 91 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08/05/2017 của Chính phủ: tại Khoản 7 Điều 91 nêu trên quy định: "Thuốc, nguyên liệu làm thuốc chỉ được nhập khẩu qua các cửa khẩu quốc tế, trừ thuốc được cấp phép nhập khẩu không vì mục đích thương mại theo quy định tại Điều 75 của Nghị định này" theo hướng cho phép mặt hàng dược liệu được nhập khẩu qua cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương).

Lý do, tại Khoản 1,2 Điều 4 Nghị định 112/NĐ-CP ngày 21/11/2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền quy định: 1. Cửa khẩu quốc tế được mở cho người, phương tiện của Việt Nam và nước ngoài xuất cảnh, nhập cảnh; hàng hóa, vật phẩm xuất khẩu, nhập khẩu. 2. Cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương) được mở cho người, phương tiện Việt Nam và nước láng giềng có chung cửa khẩu xuất cảnh, nhập cảnh; hàng hóa, vật phẩm xuất khẩu, nhập khẩu.

Theo quy định trên, cửa khẩu quốc tế là nơi diễn ra các hoạt động xuất nhập cảnh của người, phương tiện; hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam và nước ngoài. Như vậy lưu lượng người, hàng hóa không những của nước có chung đường biên giới trên đất liền mà còn có cả người, hàng hóa của các nước khác làm thủ tục hải quan tại đây.

Nếu quy định nguyên liệu làm thuốc (trong đó có dược liệu) chỉ được làm thủ tục qua cửa khẩu quốc tế sẽ dẫn đến việc quá tải, không đảm bảo việc lưu thông hàng hóa (việc nhập khẩu dược liệu phải có thời gian làm các thủ tục kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan hàng hóa). Còn tại cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương) chỉ mở cho người, phương tiện xuất, nhập cảnh, hàng hóa xuất nhập khẩu của hai nước láng giềng có chung biên giới trên đất liền hoạt động.

Như vậy, việc nhập khẩu hàng hóa trong đó có dược liệu tại đây vừa đảm bảo thời gian làm các thủ tục thông quan hàng hóa, vừa giảm chi phí cho doanh nghiệp, đảm bảo chặt chẽ về kiểm tra chuyên ngành đối với mặt hàng này. Hai là, các cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu sửa đổi đối với một số mặt hàng như một số loại quả, cây khô (táo, ô mai,quả la hán, nhân trần, ngải cứu) theo hướng đưa ra khỏi danh sách do Bộ Y tế quản lý đối các mặt hàng liên quan đến dược liệu.

Điều này cũng phù hợp với xu hướng của Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành rà soát loại bỏ các giấy phép nhập khẩu đối với hàng hóa không cần thiết phải áp dụng quản lý kiểm tra chuyên ngành khi nhập khẩu, tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp. Đặc biệt khi nước ta đang hội nhập ngày càng sâu trong hoạt động thương mại quốc tế.

Ba là, để đảm bảo cho việc kiểm tra chuyên ngành đối với mặt hàng trên, tại cửa khẩu chính phải bố trí các kho bãi đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn để bảo quản hàng hóa đối với những mặt hàng dược liệu dễ bị hư hỏng. Bố trí đội ngũ cán bộ y tế đủ năng lực, trình độ chuyên môn, phương tiện, thiết bị để kiểm tra chất lượng hàng hóa nhanh, chính xác phục vụ cho việc kiểm tra và rút ngắn thời gian thông quan đối với hàng hóa.

Đoàn Ngọc Toàn (Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia)