Chiều 15/11, tại trụ sở Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (Hà Nội), Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã có cuộc làm việc với các bộ, cơ quan liên quan về tình hình cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) và phòng chống gian lận xuất xứ hàng hóa.

Mục đích cuộc làm việc nhằm làm rõ một số vấn đề liên quan tới những biến động trong xuất nhập khẩu đối với một số mặt hàng "nhạy cảm" và một số thị trường như Trung Quốc, Mỹ....; tránh việc lợi dụng Việt Nam để trở thành điểm trung chuyển hàng hóa của một số doanh nghiệp và tránh nguy cơ chịu trừng phạt áp thuế của nhiều quốc gia theo những cam kết của nhiều Hiệp định Thương mại tự do đã quy định. 

Ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, tình hình gian lận thương mại và xuất xứ hàng hóa đang diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến sản xuất trong nước; xuất hiện nhiều hình thức vi phạm khác nhau và tập trung vào một số thị trường như Mỹ và các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU).

Đóng gói sản phẩm chè xanh túi lọc, bột trà matcha...Đóng gói sản phẩm chè xanh túi lọc, bột trà matcha...

Trước thực tế ấy đặt ra yêu cầu cần nâng cao hiệu quả quản lý, nhưng phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp trong sản xuất và xuất khẩu hàng hóa, đồng thời, tôn trọng các quy định chung theo những cam kết quốc tế ở những Hiệp định Thương mại tự do nhưng không làm ảnh hưởng tới lợi ích của nền kinh tế. 

Ông Dũng cũng lưu ý, cần có sự chủ động để phòng chống những nguy cơ và hệ lụy ảnh hưởng tới môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam.

"Chúng tôi đã làm việc với các bộ, ngành hữu quan nhằm chủ động rà soát, phát hiện và chống việc lợi dụng cấp giấy chứng nhận C/O. Bộ Công Thương và VCCI cần làm rõ một số vấn đề như: quy trình, nguyên tắc cấp C/O; khi cấp C/O cho doanh nghiệp có đảm bảo tiến hành việc kiểm tra đầu vào không? Cách hiểu về việc cấp giấy chứng nhận C/O của các cơ quan chức năng hiện rất khác nhau nên cần làm sao để có sự thống nhất, thuận tiện cho việc quản lý, thực hiện. Một số doanh nghiệp từng có lần vi phạm thì liệu có được cấp tiếp C/O nữa hay không và đơn vị nào chịu trách nhiệm làm việc này? 

Theo ông Dũng, báo cáo từ Tổng cục Hải quan cho thấy, hiện có sự gia tăng đột biến về một số mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ và một số mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam. Do đó cần có những cảnh báo phù hợp đối với nguy cơ gian lận, giả mạo xuất xứ và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại.

Cùng với đó, cần sớm có những giải pháp thích hợp đi đôi với việc tăng cường giám sát chặt chẽ, xem xét thận trọng và kỹ lưỡng để triển khai, nhằm đảm bảo 2 mục tiêu là vừa không ảnh hưởng tới ổn định kinh tế vĩ mô và vừa không để hàng hóa của Việt Nam bị áp thuế hoặc bị xử phạt. 

Báo cáo về tình hình cấp C/O theo thẩm quyền được phê duyệt của VCCI, bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại (VCCI) cho biết, hoạt động cấp C/O cho hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam được thực hiện bởi 2 cơ quan là Bộ Công Thương và VCCI; trong đó tất cả các loại C/O ưu đãi về thuế quan theo các Hiệp định Thương mại tự do do Bộ Công Thương cấp.

Hiện tại, 18 tổ cấp thuộc 10 chi nhánh và văn phòng đại diện của VCCI ở các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước đảm bảo phục vụ cho gần 9.000 doanh nghiệp xuất khẩu. Việc cấp C/O của VCCI luôn tuân thủ các quy định trong Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa và được thực hiện theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và đáp ứng số lượng lớn các hồ sơ đề nghị cấp C/O trong những năm qua.

Trong 9 tháng năm 2019, tổng lượng cấp C/O của VCCI xấp xỉ 473 nghìn bộ, tăng 2,36% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó chủ yếu cấp 2 loại C/O mẫu A (áp dụng chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập) và mẫu B (C/O không ưu đãi của Việt Nam) với 96,56% trong tổng lượng cấp C/O. 

Tuy nhiên, số lượng cấp C/O của VCCI trong thời gian tới sẽ có xu hướng giảm mạnh do nhiều doanh nghiệp sẽ chuyển từ đề nghị cấp C/O mẫu B không ưu đãi tại VCCI sang các loại C/O ưu đãi theo các Hiệp định Thương mại tự do do Bộ Công Thương cấp.

Đồng thời, cơ chế REX (cơ chế tự chứng nhận xuất xứ khi xuất khẩu hàng hóa sang Liên minh châu Âu (EU), Na Uy, Thụy Sỹ, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thay thế việc cấp C/O mẫu A cho hàng hóa xuất khẩu đến các thị trường này từ năm 2019 dẫn đến số lượng cấp C/O của VCCI sẽ giảm khoảng 30%-40% .

Phân tích thực trạng gian lận xuất xứ hàng hóa, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, việc tham gia các  Hiệp định Thương mại tự do về cơ bản không làm gia tăng các trường hợp gian lận xuất xứ. Gian lận xuất xứ thường xảy ra đối với những hàng hóa xuất khẩu sang các thị trường áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ như (Hoa Kỳ, EU, Canada) do những thị trường này không yêu cầu doanh nghiệp xuất trình C/O do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp. 

Chính vì C/O không phải là chứng từ bắt buộc đối với một số thị trường, doanh nghiệp được tự khai và tự chịu trách nhiệm với hải quan nước nhập khẩu nên khi có chuyện xảy ra, cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ rất khó vào cuộc nếu như không được hải quan nước nhập khẩu cung cấp thông tin. 

Theo ông Khánh, cần làm rõ và hiểu đúng khái niệm gian lận xuất xứ khác với lẩn tránh vì nhiều trường hợp dù không có gian lận về xuất xứ, nước nhập khẩu vẫn có thể đánh thuế "chống lẩn tránh" nếu hàng hóa sử dụng đầu vào từ một nước mà họ đang áp thuế nhập khẩu cao. Chính vì lẽ đó, doanh nghiệp cần thường xuyên theo dõi cảnh báo của Bộ Cộng Thương để biết mặt hàng nào đang có nguy cơ cao bị điều tra "chống lẩn tránh" để chủ động, linh hoạt trong việc sử dụng nguyên liệu để sản xuất, xuất khẩu. 

Ông Khánh phân tích, vướng mắc trong việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa và phòng chống gian lận xuất xứ là do một số thị trường không yêu cầu C/O nhập khẩu do cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cấp; công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các bộ, ngành, cơ quan liên quan còn thiếu hiệu quả, tình trạng thương nhân nước ngoài làm giả C/O của Việt Nam; đồng thời chế tài xử lý gian lận xuất xứ hiện nay theo quy định chưa đủ mạnh. 

Để xử lý triệt để tình trạng gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa, ông Khánh nhấn mạnh cần tích cực tuyên truyền, phổ biến và nâng cao nhận thức đầy đủ, chính xác các quy định liên quan tới chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ và gian lận thương mại.

Bên cạnh đó, cần đề nghị các nước cho phép doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ xem xét lại cơ chế này. Các cơ quan có liên quan như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, VCCI, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổng cục Hải quan cần tăng cường phối hợp, cung cấp thông tin kịp thời để nắm bắt tình hình, tìm hiểu rõ nguyên nhân và đề xuất các giải pháp tháo gỡ.... 

Đồng tình quan điểm, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, các đơn vị chức năng cần tăng cường phối hợp, hỗ trợ cung cấp số liệu xuất nhập khẩu, làm rõ việc xác định chính sách mã HS của hàng hóa, hướng dẫn quy trình xác minh xuất xứ hàng hóa, xác minh công đoạn gia công, chế biến đơn giản...

Cùng với đó, cần thành lập nhóm tham vấn cho một số ngành hàng có số lượng xuất khẩu tăng đột biến hay nằm trong nguy cơ bị các nước áp dụng các biện pháp tự vệ như hàng điện tử, xe đạp, dệt may, da giày.... Bộ Công Thương cũng cần ủy quyền cho VCCI cấp thêm các loại C/O theo các  Hiệp định Thương mại tự do mà Bộ Công Thương đang cấp để giảm tải cho Bộ Công Thương và tăng cường quản lý Nhà nước trong vấn đề này.

Thạch Huê