VN-Index tìm cách lấy lại ngưỡng 1.270 điểm từ sớm, nhưng động lực không đủ với thanh khoản thấp khiến chỉ số đảo chiều về gần tham chiếu, sau đó giằng co nhẹ trước khi lùi về sắc đỏ, dù chỉ là giảm nhẹ khi đóng cửa.
Nhiều chuyên gia, công ty chứng khoán đều có chung đánh giá về xu hướng không tích cực của thị trường trong tháng 4. Thậm chí, VN-Index được dự báo có thể lùi về mức 1.200 điểm khi nhà đầu tư thận trọng chờ đợi kết quả kinh doanh quý I.
Bước sang phiên giao dịch sáng nay 11/4, thị trường đón nhận ảnh hưởng xấu từ bên ngoài do dữ liệu CPI tháng 3 của Mỹ nóng hơn dự kiến, kéo theo kỳ vọng giảm về việc cắt giảm lãi suất và chỉ số VN-Index đã nhanh chóng để thủng mốc 1.250 điểm ngay khi mở cửa.
Tuy vậy, ngưỡng hỗ trợ này vẫn khá vững chắc và giúp dòng tiền trở lại thúc đẩy VN-Index dần hồi phục và lên gần đến tham chiếu sau hơn 1 giờ giao dịch.
Tuy nhiên, giao dịch trên thị trường rất ảm đạm với thanh khoản duy trì ở mức thấp, chỉ khoảng gần 6.000 tỷ đồng và đa phần các cổ phiếu đều chỉ biến động nhẹ, ngoại trừ một vài mã vừa và nhỏ hoạt động cao như APC, DCL, DAG khi sớm tăng kịch trần, trong khi SKG, ITD nhích hơn 3% và ở chiều ngược lại là PSH đang giảm sàn khớp hơn 0,5 triệu đơn vị khớp lệnh và còn hơn 2,5 triệu đơn vị dư bán sàn.
Đà hồi phục vào giữa phiên chỉ đủ giúp VN-Index chạm 1.255 điểm, trước khi thêm một nhịp đảo chiều về gần 1.250 điểm khi kết phiên với sắc đỏ lấn át trên bảng điện tử. Các chỉ báo kỹ thuật xấu đi và thanh khoản bốc hơi tiếp tục là nỗi lo của thị trường trong thời gian tới và gần nhất sẽ là phiên chiều nay.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 81 mã tăng và 366 mã giảm, VN-Index giảm 5,11 điểm (-0,41%), xuống 1.253,45 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 328,8 triệu đơn vị, giá trị 7.761,3 tỷ đồng, giảm 7% cả về khối lượng và giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 13,9 triệu đơn vị, giá trị 348,8 tỷ đồng.
Nhóm trụ cột gần như ít biến động về giá, nhưng các mã giảm chiếm ưu thế với 23 mã trong rổ VN30. Mức giảm không đáng kể với BCM dẫn đầu cũng chỉ -1,5% 60.400 đồng, mất hơn 1% chỉ còn MSN, VRE, TPB và PLX.
Trong khi các mã tăng không có cổ phiếu nào chạm đến 1%, với MWG cao nhất chỉ +0,96% lên 52.500 đồng. Các mã SSI, VPB, HPG và FPT tăng 0,1% đến 0,8%.
Thanh khoản cũng èo uột khi không cổ phiếu nào khớp đến 10 triệu đơn vị, với VHM cao nhất đạt 9,02 triệu đơn vị, HPG khớp 8,7 triệu đơn vị, ACB khớp 8,2 triệu đơn vị…
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng chỉ lác đác vài cái tên đáng nhắc đến như APC, DCL tăng kịch trần lên 7.310 đồng và 27.400 đồng, nhưng khớp lệnh cũng chỉ 0,03 triệu và 0,45 triệu đơn vị.
Tăng đáng kể chỉ còn DAG +6,4% lên 3.170 đồng, khớp 0,57 triệu đơn vị, HVX +4,3% lên 3.400 đồng, SKG +2,8% lên 16.650 đồng, tăng hơn 2% toàn sàn cũng chỉ còn lại FRT, ITD và TCR.
Ở chiều ngược lại, cũng không nhiều cổ phiếu giảm sâu, ngoại trừ PSH giảm sàn -6,9% xuống 5.450 đồng, khớp 0,58 triệu đơn vị và còn dư bán sàn hơn 2,6 triệu đơn vị, POM -5% xuống 3.830 đồng, QBS -4% xuống 1.450 đồng, MSH -3,4% xuống 43.000 đồng, NO1 -3,3% xuống 7.000 đồng…
Trên sàn HNX, diễn biến không khác nhiều, khi HNX-Index có nhịp hồi phục giữa phiên, nhưng cũng lại đảo chiều giảm sau đó và kết phiên trong sắc đỏ.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 52 mã tăng và 90 mã giảm, HNX-Index giảm 0,69 điểm (-0,29%), xuống 238,1 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 38,55 triệu đơn vị, giá trị 865 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,58 triệu đơn vị, giá trị 6,86 tỷ đồng.
Bảng điện tử phân hóa cao và giao dịch cũng mờ nhạt, với SHS, PVS, PVC, TIG, LAS, BVS tăng nhẹ, cùng VGS nhích gần 4% lên 21.400 đồng, S99 +4,3% lên 12.200 đồng.
Còn các mã CEO, MBS HUT, IDJ, IDC, TNG mất điểm nhẹ, trong khi AMV, VC7 đứng tham chiếu.
Thanh khoản SHS phiên này cao nhất cũng chỉ hơn 9,33 triệu đơn vị khớp lệnh, hai mã PVS và CEO theo ngay sau với hơn 5 triệu đơn vị.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index sau nửa đầu phiên giảm điểm đã hồi phục nhẹ lên trên tham chiếu, dù mức tăng gần như không đáng kể.
Hà Trần (t/h)