Biên chế giáo viên tinh giảm từ 1,5-2%/năm
Bố Trạch là một trong những địa phương nghèo của tỉnh Quảng Bình. Địa bàn rộng lớn, trải dài trên nhiều địa hình khác nhau, trong khi dân cư thưa thớt, đời sống còn khó khăn (tỷ lệ hộ nghèo năm 2016 trên địa bàn huyện giảm còn 9,85%).
Với nhu cầu học tập của học sinh là rất lớn, đặc biệt là lứa tuổi mầm non; tuy nhiên, hiện giáo viên của huyện này đang lo lắng trước việc Chính phủ sẽ tiến hành tinh giản biên chế.
Ông Nguyễn Hữu Hồng, Phó chủ tịch UBND huyện Bố Trạch nhìn nhận, Chính phủ đề xuất việc giảm biên chế là phù hợp với bối cảnh thực tế hiện tại khi đang có nhiều bộ, ngành bị “phình” nhân viên.
Song ông Hồng cho rằng, việc giảm biên chế nên xem xét theo tính chất đặc thù từng ngành cho phù hợp.
Một lớp học mẫu giáo tại Trường Mẫu giáo Bắc Dinh
Theo định hướng của tỉnh Quảng Bình, từ nay đến năm 2021, mỗi năm tỉnh này giảm từ 1,5-2% biên chế sự nghiệp giáo dục. Theo đó, các địa phương xem xét sáp nhập các trường học trên cùng một phường, xã. Như thế, nếu có nhiều trường tiểu học quy mô nhỏ dưới 10 lớp thì sáp nhập thành một trường và có thêm điểm trường. Các trường tiểu học, THCS có ít học sinh thì sáp nhập thành trường chung có 2 cấp học là tiểu học và THCS.
Ông Hồng cho rằng, việc giảm biên chế đối với các cơ sở giáo dục nên bắt đầu từ đội ngũ y tế tại các trường, nhất là trong tình trạng các trường của huyện này hiện vẫn trong tình cảnh “thừa học trò nhưng thiếu thầy”.
Ông Hồng dẫn chứng, hiện các trường mầm non đang thiếu tổng cộng 83 giáo viên, trong khi bậc học này luôn có nhiều phụ huynh gửi con em đến trường. Học sinh đến lớp đông, trong khi đội ngũ giáo viên lại thiếu khiến điều kiện chăm sóc trẻ không được tốt. Bên cạnh đó, việc thiếu lớp, thiếu giáo viên khiến ngành mầm non của Bố Trạch không thể mở thêm các nhóm lớp khác.
“Nhiều phụ huynh mang con đến gửi tại các cơ sở mầm non, nhưng các trường không thể nhận thêm được vì đã quá nhiều, giáo viên lại không đủ để đảm bảo theo quy định. Việc thiếu trường, lớp, đã khiến các trường phải đi mượn nhà ở, nhà công vụ để giảng dạy và chăm sóc trẻ. Việc các cháu đến tuổi được đến trường, nhưng không thể tiếp nhận đó là điều chúng tôi rất trăn trở", ông Hồng nói.
Ông Nguyễn Minh Ngọc, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bố Trạch cho biết, hiện giáo viên mầm non của huyện này vẫn đang còn thiếu, cơ sở vật chất chưa đồng bộ. Trước bài toán tinh giảm biên chế thì giáo viên sẽ tiếp tục thiếu việc giảng dạy sẽ bị ảnh hưởng, nhất là các trường mầm non.
Theo ông Ngọc, việc tinh giảm biên chế phải có lộ trình, đối với ngành giáo dục, đầu tiên nên giảm biên chế đối với đội ngũ y tế tại các trường.
Khó đầu tư xã hội hóa, phát triển giáo dục mầm non
Địa bàn rộng, nhưng lại thiếu trường nên các cơ sở giáo dục mầm non của huyện Bố Trạch đành phải đi mượn các công trình dân dụng để có lớp học. Trường Mầm non Bắc Dinh – thị trấn Nông trường Việt Trung của huyện Bố Trạch là một ví dụ điển hình.
Cô Đỗ Thị Thanh Tâm, Hiệu trưởng cho biết, do thiếu phòng học nên trường vẫn đang mượn các phòng của Công ty TNHH MTV Việt Trung để mở các lớp.
Theo ghi nhận của PV tại điểm trường mầm non thuộc tiểu khu Dũng Cảm thị trấn Nông trường Việt Trung mà trường mầm non Bắc Dinh mượn để cải tạo thành lớp học, đa phần các lớp vẫn chưa đảm bảo điều kiện để nuôi dạy trẻ. Bếp ăn của điểm trường chưa đầy 30m2, thiếu cơ sở vật chất cũng như sân chơi cho trẻ.
Thiếu lớp học nên các trường phải mượn công trình dân dụng để làm lớp học (trong ảnh, điểm trường của mẫu giáo Bắc Dinh)
Trong khi đó, tại các xã miền núi của huyện như Liên Trạch, Cự Nẫm, Phúc Trạch..., nhu cầu gửi con mẫu giáo khá cao. Tuy nhiên, do địa bàn rộng nên có nhiều điểm trường, giáo viên cũng phải “xé lẻ” tại các điểm này khiến giáo viên bị hụt.
Ông Hồng cho rằng, để cải thiện vấn đề tại các trường đặc biệt là mầm non trong bối cảnh bài toán tinh giảm biên chế đang được triển khai thì việc xã hội hóa giáo dục là điều thiết yếu và lúc này. Hiện tại ngân sách cho giáo dục vẫn còn hạn hẹp nên việc kêu gọi xã hội hóa, xây dựng các trường tư thục sẽ giảm gánh nặng cho giáo dục công lập.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Hồng cho biết, trong bối cảnh hiện tại của huyện Bố Trạch thì việc kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng trường tư thục là điều khó khăn. Bởi lẽ, số vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn lâu. Tại các điểm đông dân cư, đời sống của người dân còn thấp, trong khi học phí cao là rào cản đối với phụ huynh. Các xã miền núi, địa bàn phức tạp, việc các nhà đầu tư xây dựng trường học dường như là không thể.
Bếp ăn của một trường mẫu giáo tại huyện Bố Trạch
Cùng quan điểm với ông Hồng, ông Ngọc cũng cho rằng nên xã hội hóa giáo dục kêu gọi từ các nguồn lực hiện có trong xã hội. Chính quyền các cấp cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất để đảm bảo việc dạy và học, không bị ảnh hưởng trong bối cảnh bài toán biên chế đang dần triển khai.
Hữu Duy