Thời gian nghỉ hè và nghỉ phép của giáo viên được quy định cụ thể tại Thông tư số 05/2025/TT-BGDĐT, có hiệu lực từ ngày 22/4. Dù vậy, vấn đề này vẫn nhận được nhiều sự chú ý, nhất là sau Hội nghị lấy ý kiến đóng góp dự thảo Luật Nhà giáo diễn ra tại Bạc Liêu, nơi các đại biểu đưa ra kiến nghị về việc tăng chế độ và thời gian nghỉ hè cho giáo viên.

Nhiều ý kiến cho rằng giáo viên cần có kỳ nghỉ hè trọn vẹn để tái tạo sức lao động sau một năm học căng thẳng, đồng thời có thêm thời gian dành cho gia đình và bản thân. Vậy, thời gian nghỉ của giáo viên hiện nay được quy định như thế nào?
Thông tư số 05/2025/TT-BGDĐT quy định thời gian nghỉ hằng năm của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, giáo viên bao gồm nghỉ hè, nghỉ lễ, Tết và các ngày nghỉ khác theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội. Thời gian nghỉ hè được căn cứ theo Nghị định số 84/2020/NĐ-CP.
Về nghỉ phép hằng năm, Bộ luật Lao động quy định người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một đơn vị sử dụng lao động sẽ được nghỉ và hưởng nguyên lương. Số ngày nghỉ phép dao động từ 12 đến 16 ngày làm việc, tùy thuộc vào điều kiện làm việc và thâm niên công tác. Cứ mỗi 5 năm làm việc liên tục, người lao động được cộng thêm 1 ngày nghỉ phép hằng năm.
Thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường chuyên biệt là 8 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm. Giáo viên trường trung cấp và giảng viên trường cao đẳng có thời gian nghỉ hè hằng năm là 6 tuần, cũng bao gồm cả nghỉ phép hằng năm. Giảng viên cơ sở giáo dục đại học được nghỉ phép theo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học.
Trong trường hợp xảy ra các tình huống đột xuất, khẩn cấp như thiên tai, dịch bệnh, thời gian nghỉ hè của nhà giáo các cấp có thể được điều chỉnh theo thẩm quyền. Thời điểm nghỉ hè của giáo viên mầm non, phổ thông, trường chuyên biệt do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định. Việc nghỉ hè của nhà giáo trong cơ sở giáo dục thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng được thực hiện theo quy định riêng của Chính phủ.
Thông tư 05 cũng nêu rõ, trong thời gian nghỉ hè, giáo viên có thể được cơ quan có thẩm quyền triệu tập để tham gia đào tạo, bồi dưỡng hoặc các hoạt động liên quan đến thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh. Hiệu trưởng các trường có trách nhiệm bố trí thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên một cách phù hợp, đúng quy định, đồng thời đảm bảo khung thời gian năm học.
Đối với trường hợp thời gian nghỉ hè và thời gian nghỉ thai sản của giáo viên nữ có giai đoạn trùng nhau, thông tư cũng có hướng dẫn cụ thể. Giáo viên nam được nghỉ chế độ thai sản khi vợ sinh con theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, tuy nhiên, thời gian nghỉ chế độ thai sản trùng với thời gian nghỉ hè thì không được nghỉ bù.
Thời gian nghỉ hằng năm của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng được bố trí linh hoạt trong năm học và trong thời gian nghỉ hè của giáo viên để đảm bảo các hoạt động của nhà trường diễn ra bình thường. Lịch nghỉ hè của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng phải được báo cáo cơ quan có thẩm quyền quản lý hoặc theo phân cấp.
Tâm An (t/h)