Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa yêu cầu các địa phương thực hiện việc chuyển giao quản lý các đơn vị sự nghiệp giáo dục, cụ thể là các trường trung học cơ sở, tiểu học và mầm non, về cho chính quyền cấp xã. Quyết định này được đưa ra dựa trên Kết luận số 137-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Theo công văn, Bộ GD&ĐT đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh rà soát và xác định rõ những nội dung quản lý nhà nước về giáo dục mà hiện tại cấp huyện đang thực hiện, từ đó có phương án chuyển giao phù hợp về Sở GD&ĐT hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã.
Bộ cũng nhấn mạnh rằng, trong suốt quá trình sắp xếp, mọi hoạt động hành chính liên quan đến giáo dục phải diễn ra một cách bình thường, thông suốt và liên tục, không được gây gián đoạn hay ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, doanh nghiệp và hoạt động chung của xã hội.
Một yêu cầu quan trọng khác của Bộ là việc quản lý nhà nước về lĩnh vực giáo dục phải được giao cho cơ quan chuyên môn để đảm bảo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ như quyết định vị trí việc làm, định mức tài chính cho giáo dục, thực hiện giao biên chế và phân bổ ngân sách giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Đáng chú ý, Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương giao cho Sở GD&ĐT trách nhiệm thực hiện thống nhất trên toàn tỉnh các công tác liên quan đến tuyển dụng, sắp xếp, điều động, biệt phái và phát triển đội ngũ nhà giáo.
Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 74/NQ-CP ngày 7/4 về Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, giao Bộ GD&ĐT ban hành hướng dẫn để đảm bảo duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục, đào tạo trong quá trình thực hiện sắp xếp, tổ chức lại.
Hiện tại, các trường trung học cơ sở, tiểu học và mầm non công lập đang được quản lý bởi Phòng GD&ĐT cấp huyện, trong khi chính quyền cấp xã chỉ quản lý các nhóm trẻ, lớp mầm non độc lập tư thục. Việc thay đổi này sẽ đánh dấu một bước chuyển lớn trong hệ thống quản lý giáo dục ở cấp cơ sở.
Tâm An (t/h)