Trong bản dự thảo lần thứ 7 về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô thay thế Nghị định 86 trình Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải vẫn bảo lưu quan điểm sẽ quản lý các đơn vị taxi công nghệ như Grab, Fast Go... giống với taxi truyền thống.
Ngay sau đó, ông Lim Yen Hock – Giám đốc Grab Việt Nam đã gửi Thủ tướng văn bản đề xuất cách tiếp cận chính sách với dịch vụ này và nêu ba kiến nghị. Thứ nhất, theo ông Lim, taxi công nghệ không cần có đồng hồ tính tiền và niêm yết bảng giá. Thứ hai, loại hình này không cần sơn logo và hộp đèn (mào) taxi gắn cố định trên nóc xe. Thay vào đó có thể yêu cầu lắp đặt bảng LED gắn trong xe hoặc sau kính chắn gió. Hộp đèn này phải được bật khi xe đang chở khách và có thể tắt đi khi xe không phục vụ. Thứ ba, taxi công nghệ không được đón khách vãng lai trên đường mà không thông qua dịch vụ kết nối vận tải.
Lãnh đạo Grab giải thích, trong quá trình thí điểm, hoạt động của loại hình áp dụng hợp đồng điện tử có những điểm tương đương với taxi truyền thống. Dù cũng có thể coi GrabCar là một loại hình taxi, hai bên vẫn có một số điểm khác biệt quan trọng về cách thức vận hành, công cụ tính cước và nhận xe.
Ông lấy ví dụ, taxi truyền thống có thể đón khách vẫy trên đường nên cần phải có những tính năng dễ nhận biết như hộp đèn, màu sơn, logo đặc trưng. Trong khi, GrabCar đã giao kết hợp đồng điện tử trước khi khách lên xe và khách cũng được thông báo qua ứng dụng về thông tin xe, tài xế, giá cước nên không cần hộp đèn, sơn logo, đồng hồ cước và niêm yết bảng giá.
Ngoài ra, lãnh đạo Grab Việt Nam cũng đề xuất phân loại dịch vụ đặt xe qua ứng dụng trực tuyến là "Dịch vụ kết nối vận tải" – một phân ngành mới của Dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ (quy định tại Luật Giao thông đường bộ). Theo đó, cơ quan quản lý có thể áp dụng những quy định và điều kiện phù hợp với đặc thù của các nhà cung cấp dịch vụ kết nối vận tải, bên cạnh những quy định thương mại điện tử hiện hành.
Tô Thanh