Ông Nguyễn Văn Thạnh tại vườn phong lan Mokara
Anh Nguyễn Văn Thạnh, 54 tuổi, ở thôn Lộc Mỹ, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng sử dụng thành thạo vi tính, vận dụng nhiều tiến bộ khoa học vào thực tế trồng trọt, chăn nuôi, đạt danh hiệu “Nông dân sản suất-kinh doanh giỏi” nhiều năm liền.
Cách đây 3 năm, họ là những nông dân bình thường chuyên sạ lúa, trồng khoai, thu nhập thất thường; thế mà nay là chủ cơ sở sản xuất hoa, quy mô lớn. Nhạy bén mở ra hướng đi mới, mạnh dạn đầu tư, họ đã tạo bước đột phá trong sản xuất, thu nhập gấp hàng chục lần so với trước đây.
Trồng phong lan Mokara cắt cành
Anh Nguyễn Văn Thạnh, thôn Lộc Mỹ, xã Hòa Bắc là người tiên phong đưa loài phong lan Mokara có nguồn gốc Thái Lan về trồng. Cách đây 3 năm, trong chuyến vào Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh, anh tận mắt chứng kiến nhiều người “hái ra tiền” từ loài phong lan cắt cành có tên Mokara này. Trở về Đà Nẵng, từ giã việc cày cấy, anh mạnh dạn chuyển hướng sang trồng hoa.
Với kinh phí đầu tư 1,3 tỷ đồng, chẳng bao lâu sau chuyến hành trình về phương Nam ấy, tại vườn nhà anh hình thành nhà lưới phủ kín lô đất rộng 4.000m2 và đã trồng trên 2.000m2, 15 tháng kể từ ngày đưa giống về trồng, loài phong lan Mokara nở những bông đầu tiên rất đẹp. Từ đó trở đi, đều đều mỗi cây nở 2 nhành/tháng.
Ông Nguyễn Văn Thạnh trao đổi với PV TH&CL về trồng phong lan Mokara tại vườn
Những cây phong lan Mokara chuẩn bị cho hoa
“Hồi mới đưa về trồng tôi lo lắm. Sợ nhất là cây không cho hoa đúng như mong muốn bởi khí hậu ở Đà Nẵng không giống như TP. Hồ Chí Minh. Thật may, sau 15 tháng kiên trì chăm bón, cây trổ những bông đầu tiên. Có thể nói, khi đó niềm vui không thể nào tả nổi. Nay thì ổn rồi. Tại khu trồng trên 2.000 cây, tháng nào cũng cắt bán với giá 5 - 7 nghìn đồng/bông như hiện nay, tùy theo thời điểm, Không dừng lại ở đó, khi thấy cây phát triển tốt, tôi dự định sẽ trồng tiếp trên 2.000m2 còn lại trong thời gian tới. Nếu phát huy hết cả diện tích. Tính ra, mỗi tháng cắt khoảng 7.000 bông, trị giá gần 100 triệu đồng”, anh Thạnh phấn khởi cho biết.
Kỷ thuật trồng lan Mokara
Anh Nguyễn Văn Thạnh chia sẻ, qua truy cập Internet và tham khảo thực tế cách trồng lan Mokara ở các tỉnh phía Nam. Trước hết phải xây dựng nhà lưới, tường rào, lắp đặt hệ thống tưới nước tự động, xây nhà chứa vật tư, dụng cụ ngay tại vườn lan... Bước đầu, anh trồng 1.000 cây giống mua từ thành phố Hồ Chí Minh (giá 50.000 đồng/cây).
Lan trồng được 1 năm rưỡi, anh cắt phần ngọn trồng nhân giống, phần gốc lại mọc ra nhiều nhánh con; 3 tháng sau, tiếp tục cắt nhánh trồng nhân rộng, chỉ để lại 1 nhánh cho ra hoa. Chẳng bao lâu, anh Thạnh đã trồng hết khu vườn rộng 2.000 m2 với tổng số 10.000 cây giống.
Anh Thạnh cho biết, trồng lan Mokara phải bón lót bằng lớp vỏ đậu phụng dày 25cm và đóng ống nhựa cao 1,2 mét (phi 42) theo từng luống. Các luống cách nhau 0,5 mét; mỗi luống đóng 4 hàng ống nhựa với khoảng cách 35cm. Mỗi ống nhựa được bó vào 2 nhánh lan giống, đặt cách mặt đất 15cm.
Khu trồng Mokara màu đỏ
Hằng ngày, tưới nước 2 lần, mỗi lần 10 phút. Sau 3 tháng trồng, rễ lan phát triển, hút dinh dưỡng trong lớp vỏ đậu cùng với dinh dưỡng từ phân hữu cơ được bón vào gốc và bón qua lá. Lan Mokara trồng khoảng 6 tháng là bắt đầu có hoa bán. Hoa có nhiều màu sắc óng ánh và có thể chưng được hàng tháng trời.
Anh Thạnh chia sẻ: Trong số những loại lan thì lan mokara có yêu cầu dinh dưỡng khá cao nên cần thường xuyên bổ sung dinh dưỡng cho chúng. Việc bón phân cho lan mokara là điều khá cần thiết bằng việc sử dụng các dạng phân chuồng hoặc phân NPK phối trộn và hòa chung với nước để sao có nồng độ loãng thích hợp tưới cho cây.
Thành thạo kỹ thuật, anh Thạnh áp dụng công nghệ tưới phun sương điều khiển bằng điện thoại di động và bón phân bằng bình xịt, qua đó điều chỉnh cây ra hoa chuẩn về màu sắc và độ đồng đều cao cũng như giảm được chi phí chăm sóc. Cả khu vườn rộng nhưng hằng ngày chỉ có 3 lao động với giá tiền công mỗi người 250.000 đồng/ngày. Dù ở đâu, đều dễ dàng tưới nước cho lan theo đúng quy trình kỹ thuật.
Khu trồng Mokara màu vảng mai
Hoa lan Mokara dễ tiêu thụ bởi cung chưa đủ cầu nên sản phẩm của anh Thạnh được các đại lý hoa ở chợ Hàn và chợ Cồn tiêu thụ thường xuyên, có bao nhiêu cũng bán hết. Không những vậy, các khách sạn, khu nghỉ mát, doanh nghiệp lớn cũng rất chuộng chưng lan Mokara. Đến năm 2018, sau khi trừ hết chi phí đầu tư, ông thu lãi hơn 100 triệu đồng và hiện đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng lan thêm 2.000m2.
Phấn khởi với niềm vui đạt được, anh Thạnh chia sẻ: “Cây lan Mokara sống chục năm, có hoa bán liên tục hằng quý, mỗi cành hoa hiện bán sỉ cho bạn hàng có giá từ 5.000 - 7.000 đồng”.
Mô hình trồng lan Mokara của anh Thạnh được chính quyền địa phương cùng các cơ quan chức năng của TP. Đà Nẵng và huyện Hòa Vang đầu tư, hỗ trợ, tạo thuận lợi trong quá trình sản xuất. Đặc biệt, UBND xã Hòa Bắc hỗ trợ kinh phí, xây dựng vườn lan Mokara của anh thành vườn mẫu, tổ chức cho bà con nông dân đến tham quan và trao đổi kinh nghiệm trồng lan Mokara để học hỏi, vận dụng.
Ông Nguyễn Văn Thạnh kiểm tra hoa trổ có đạt yêu cầu không trước lúc xuất ra thị trường
Theo Chủ tịch Hội Nông dân TP. Đà Nẵng Nguyễn Đình Khánh Vân, đây là mô hình trồng lan Mokara đầu tiên ở các xã miền núi huyện Hòa Vang và là gương điển hình về trình độ nông dân thời đại công nghiệp 4.0.
Với khí hậu thuận lợi, thích hợp và diện tích đất sẳn có. Hy vọng trong thời gian không xa, Xã Hòa Bắc sẽ có thêm nhiều vườn phong lan Mokara nhằm nâng cao đời sống của người dân trong xã.
Hoàng Hữu Quyết