Chiều 29/12, tại Hội nghị thông tin báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, lãnh đạo một số sở, ngành thông tin về công tác bảo đảm cung cầu hàng hóa, quản lý thị trường dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Đến nay, đã có 25 đơn vị sản xuất, kinh doanh của thành phố Hà Nội và các tỉnh, 2 tổ chức tín dụng đăng ký tham gia Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân thông qua gần 12.500 điểm bán hàng.

Sau 12 năm tham gia Chương trình bình ổn thị trường, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) hiện có 100 điểm bán hàng, luôn bảo đảm phục vụ nhân dân Thủ đô, đặc biệt vào dịp Tết. 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Riêng với mặt hàng có nguy cơ đột biến giá là thịt lợn, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương cho biết, nguồn cung trên địa bàn mới đáp ứng được 92%. Hiện, Hà Nội có gần 1,4 triệu lợn tái đàn, là nguồn cung chủ yếu phục vụ Tết. Ngoài ra, các đơn vị cung ứng từ Hà Nam, Vĩnh Phúc, Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên... đều đã ký kết hợp đồng, bảo đảm đủ nguồn cung ứng cho người tiêu dùng Thủ đô.

Thông tin về kết quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường năm 2020, ông Trần Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho biết, tính đến ngày 14-12-2020, Cục đã kiểm tra 5.771 vụ, xử lý 5.616 vụ với tổng số tiền trên 133 tỷ đồng. Riêng trong tháng cao điểm Tết (từ ngày 15-11 đến 15-12-2020), lực lượng quản lý thị trường đã tổng kiểm tra 793 vụ, xử lý 677 vụ với số tiền xử lý hơn 9,1 tỷ đồng. 

Trong những tháng cuối năm 2020 và dịp cao điểm Tết Nguyên đán 2021, thực hiện cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các đội quản lý thị trường sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý kịp thời, triệt để các hành vi buôn bán, tàng trữ, vận chuyển, mua bán hàng cấm, hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc; sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm về chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, không bảo đảm an toàn thực phẩm…

Cùng với đó, thị trường, cung cầu, giá cả các mặt hàng phục vụ, có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp Tết để kịp thời phát hiện, xử lý khi xảy ra hiện tượng khan hiếm, thiếu hàng, lợi dụng khan hiếm hàng hóa giả tạo để tăng giá, thu lời bất chính.

PV