Đây là thông tin được đưa ra tại Cuộc đối thoại giữa lãnh đạo các sở, ban, ngành của TP. Hà Nội với 400 thanh niên Thủ đô tiêu biểu trên các lĩnh vực do Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì vào chiều 14/10.
Tổng phụ trách Đội, Liên đội trường Tiểu học Trung Yên (quận Cầu Giấy, Hà Nội) Đinh Công Thành đã đặt vấn đề Chỉ thị số 30-CT/TU của Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, trong đó có đề cập đến nội dung đưa môn “Hà Nội học” vào giảng dạy trong hệ thống các trường ở Thủ đô. “Trong thời gian tới, UBND TP, Sở Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) dự kiến triển khai thực hiện đối với nội dung này như thế nào?” – anh Thành nêu câu hỏi.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết: Nền giáo dục của TP. Hà Nội có quy mô lớn nhất cả nước với 2.913 trường học (2,3 triệu học sinh). Công tác giáo dục luôn được TP đặc biệt quan tâm với mục tiêu là đào tạo thế hệ học sinh tiệm cận công dân toàn cầu - giỏi ngoại ngữ, giỏi chuyên môn, am hiểu lịch sử. Triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018, thời gian qua, ngành giáo dục Thủ đô đã phối hợp với các ban của Thành uỷ, trong đó có Ban Tuyên giáo biên soạn tài liệu giáo dục địa phương. Nội dung tài liệu này sẽ bao gồm các di tích lịch sử, các đặc sắc về văn hoá, sinh hoạt, ẩm thực…
“Đặc biệt, gần đây Sở GD&ĐT Hà Nội đã phối hợp với trường Đại học Thủ đô Hà Nội và các trường đại học trên địa bàn thành phố biên soạn tài liệu Giáo dục địa phương. Trong đó, Hà Nội học cũng là một trong những nội dung của giáo dục địa phương”, ông Cương thông tin.
Tuy nhiên, việc đưa môn “Hà Nội học” và giáo dục lịch sử địa phương vào trong các nhà trường hiện nay đang vướng phải một số rào cản. Trong đó có vấn đề chương trình học hiện nay đã quá nặng đối với học sinh các cấp. Cụ thể, khung chương trình năm học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đang quy định quy định cấp THCS có 1.032 tiết học/năm, tức là khoảng 29,5 tiết học/tuần; cấp THPT có 1.015 tiết học/năm, khoảng 29 tiết học/tuần.
“Để đưa Hà Nội học cùng chương trình Giáo dục địa phương vào khung chương trình năm học đòi hỏi ngành giáo dục cần có sự tính toán hợp lý, tránh sự quá tải cho học sinh. Hiện nay, Luật Thủ đô sửa đổi đã cho phép Hà Nội chủ động trong việc này. Thời gian tới, khi được sự cho phép, chúng tôi chắc chắn sẽ triển khai đưa Hà Nội học vào chương trình giáo dục”, ông Cương nói.
Môn "Hà Nội học" là nội dung thiết thực
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh nêu quan điểm môn "Hà Nội học" là một nội dung rất thiết thực trong công tác đào tạo, giáo dục thế hệ tương lai của Thủ đô. “Với bề dày lịch sử nghìn năm văn hiến, Hà Nội xứng đáng là một đối tượng để nghiên cứu. Đã có nhiều người dành cả cuộc đời để tìm hiểu về Hà Nội. Chỉ khi nào hiểu về Hà Nội, chúng ta mới thực sự yêu Hà Nội và dùng những hành động, ý nghĩa, việc làm thiết thực của mình để xây dựng Thủ đô”, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nói.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh việc phát triển Hà Nội thành một thành phố xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại là nhiệm vụ trọng yếu của toàn dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phát triển Thủ đô đã đặt ra tầm nhìn đến năm 2030, xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm phát triển vùng và quốc gia, có khả năng cạnh tranh cao trên trường quốc tế. Để đạt được mục tiêu này, thanh niên cần đóng vai trò nòng cốt trong các lĩnh vực bảo vệ môi trường, bảo tồn văn hóa, và phát triển kinh tế số.
PV (t/h)