Theo quy hoạch giao thông vận tải đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngoài 9 cây cầu kể trên, Thủ đô sẽ xây thêm 9 cây cầu qua sông Hồng, gồm: Hồng Hà, Mễ Sở (trùng đường Vành đai 4); Thăng Long mới (trùng đường Vành đai 3); Tứ Liên; Thượng Cát, Ngọc Hồi (trùng đường Vành đai 3,5); Trần Hưng Đạo; Phú Xuyên; Vân Phúc (đường trục Bắc - Nam nối với tỉnh Vĩnh Phúc). Như vậy theo quy hoạch đã được duyệt, Hà Nội có tất cả 18 cây cầu bắc qua sông Hồng.
Mới đây nhất, Sở Giao thông Vận tải TP. Hà Nội cho biết với định hướng phát triển đô thị hai bên sông, kéo dài đến các tỉnh lân cận trong vùng Thủ đô, thành phố sẽ cần thêm nhiều cầu vượt sông hơn nữa.
Chính vì vậy, sở đề xuất bổ sung 04 cầu qua sông Hồng để tăng cường kết nối một số khu đô thị, cũng như với các tỉnh lân cận. Cụ thể gồm: cầu vượt sông Hồng số 1 nằm trên trục đường Tây Bắc – Quốc lộ 5B, để kết nối giữa Thủ đô Hà Nội và tỉnh Hưng Yên.
Cầu số 2 nằm trên đường tỉnh 429B, kết nối Hà Nội với Hưng Yên. Cầu số 3 theo hướng kéo dài trục Vành đai 2,5 để kết nối Tả, Hữu sông Hồng theo hành lang tuyến đường sắt đô thị số 8. Cầu số 4 nằm trên tuyến đường Vành đai 2,5 sang Đông Anh.
Như vậy, nếu đề xuất được phê duyệt, Hà Nội sẽ có 22 cầu vượt sông Hồng, 9 cầu đã xây dựng, 13 cây cầu sẽ được triển khai trong thời gian tới.
Đối với cầu Trần Hưng Đạo, hồi đầu năm, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội cho biết dự án được UBND thành phố phê duyệt kết quả thi tuyển phương án kiến trúc.
Trước đó, thành phố đã chấp thuận giao Công ty Cổ phần Him Lam lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT để trình thẩm định.
Dự án qua các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Long Biên. Điểm đầu tại ngã 5 Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông, quận Hoàn Kiếm; điểm cuối giao cắt với đường Nguyễn Văn Linh, quận Long Biên. Tổng chiều dài cầu Trần Hưng Đạo khoảng 5,5 km, gồm 6 làn xe cơ giới với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 8.900 tỷ đồng.
Một cây cầu quy mô lớn khác - cầu Tứ Liên nối quận Tây Hồ và huyện Đông Anh, có tổng chiều dài khoảng 4,8 km, thiết kế với khả năng chịu được động đất cấp 8. Mặt cầu rộng 08 làn xe và 02 làn đường cho người đi bộ; chiều rộng 42m với tổng mức đầu tư khoảng 17.000 tỷ đồng. Dự kiến đây là cây cầu dây văng thứ 2 sau cầu Nhật Tân được xây dựng tại Hà Nội.
Công trình hoàn thành sẽ kết nối trung tâm thành phố với huyện Đông Anh - địa phương đang được quy hoạch lên quận và các tỉnh phía Bắc, giảm tải áp lực giao thông cho các cây cầu còn lại, thúc đẩy phát triển kinh tế. Hiện tại, phương án kiến trúc cầu Tứ Liên đã được TP. Hà Nội phê duyệt.
Cầu Mễ Sở bắc qua sông Hồng, dự kiến đi trùng với Vành đai 4, kết nối huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên) và huyện Thường Tín (TP. Hà Nội).
Hồi tháng 8/2022, UBND TP. Hà Nội đề xuất Bộ Giao thông Vận tải xem xét vị trí xây cầu Mễ Sở trên vành đai 4, cách trạm bơm Hồng Vân, huyện Thường Tín, khoảng 600m về phía hạ lưu. Ở huyện Văn Giang, đường dẫn lên cầu chạy qua các xã Mễ Sở, Thắng Lợi và cạnh đường dây điện 500KV.
Cuối tháng 05/2020, Thủ tướng Chính phủ có văn bản đồng ý với đề xuất của UBND TP. Hà Nội về việc xây dựng cầu Mễ Sở vượt sông Hồng. Theo đó, dự án có chiều dài khoảng 13,8 km, chiều rộng là 17m với tổng mức đầu tư khoảng 4.881 tỷ đồng.
Cầu Hồng Hà dài 6 km, tổng mức đầu tư ước khoảng 9.800 tỷ đồng. Lộ trình triển khai trong giai đoạn 2016 - 2020 nhưng đến nay dự án vẫn chưa được xây dựng. Theo quy hoạch, phía Bắc cây cầu nằm tại xã Văn Khê, huyện Mê Linh; phía nam tại xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng. Cầu giao cắt với đường Hồng Hà đoạn qua chùa Gia Lễ, nằm giữa trường THCS Liên Hồng và thôn Bồng Lai.
Cầu Hồng Hà và Mễ Sở là một phần thuộc dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô. Tại lễ khánh thành cầu Vĩnh Tuy 2 hồi tháng 08/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề nghị Hà Nội phải khẩn trương nghiên cứu giải pháp nhằm giảm thiểu ùn tắc, trong đó có việc xây cầu Tứ Liên, Hồng Hà, Mễ Sở vào năm 2024 .
Đầu tháng 09/2023, ban quản lý dự án Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông TP. Hà Nội đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường liên quan đến dự án đầu tư và xây dựng cầu Vân Phúc qua sông Hồng.
Trước đó, cuối năm 2022, dự án xây cầu dài 7,76 km này đã được Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư. Cầu sẽ nối huyện Phúc Thọ, Hà Nội với tỉnh Vĩnh Phúc.
Cụ thể, điểm đầu tuyến nằm tại vị trí giao cắt với QL.32, thuộc địa phận xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ; điểm cuối nằm tại vị trí ranh giới hành chính giữa Hà Nội và Vĩnh Phúc. Dự kiến cầu Vân Phúc sẽ được xây dựng giai đoạn 2024 – 2027, với tổng mức đầu tư 3.444 tỷ đồng.
Trong quy hoạch phân khu sông Hồng, cầu Thăng Long cũng được Hà Nội dự kiến nghiên cứu, xây bổ sung thêm cầu Thăng Long mới nối quận Bắc Từ Liêm với huyện Đông Anh , vị trí ngay cạnh cầu Thăng Long hiện tại. Cầu Thăng Long mới đi trùng đường Vành đai 3, dài 2 km, dự kiến xây dựng sau năm 2030.
Một cây cầu khác là cầu Phú Xuyên nối 2 huyện là Phú Xuyên (Hà Nội) và Khoái Châu (Hưng Yên) với tổng chiều dài 5km. Theo quy hoạch, dự án này được triển khai giai đoạn năm 2020 – 2025.
Hồi đầu tháng Ba, chủ trương đầu tư dự án xây dựng cầu Thượng Cát và đường dẫn hai đầu cầu dài khoảng 5,2km vừa được Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội thông qua.
Cầu Thượng Cát sẽ đi trùng vành đai 3,5, bắc ngang qua khu dân cư Liên Mạc - Thượng Cát (Bắc Từ Liêm) và kết nối đến khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh). Cầu có 8 làn xe, tổng vốn đầu tư khoảng 8.300 tỷ đồng. Thời gian thực hiện trong 04 năm (2023 - 2027).
Một cây cầu khác dự kiến đi trùng Vành đai 3,5 - cầu Ngọc Hồi dài 4km, dự kiến làm trong giai đoạn 2025 – 2030. Cầu nối huyện Gia Lâm và Thanh Trì của Hà Nội, bắc ngang qua bãi đất Hoàng Mai - Thanh Trì 1 và Kim Lan - Văn Đức.
Dự án có chiều rộng 80m với 6 làn xe chạy chính. Khi đi vào hoạt động, cầu được kỳ vọng giảm áp lực giao thông cho cầu Thanh Trì. Cho tới nay, chưa có thông tin mới về việc triển khai dự án cầu Ngọc Hồi. Tuy nhiên, hiện nay, khu đất trùng với vị trí làm cầu Ngọc Hồi ở phía Tây sông Hồng đã được đưa vào kế hoạch sử dụng đất cấp huyện.
Phương Thảo (T/h)