Chiều 24/5, tại trụ sở Chính phủ, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ tổ chức công bố Chỉ số CCHC năm 2018 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư (PAR index) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2018 (SIPAS).

Theo kết quả được công bố, năm 2018 không có Bộ nào có kết quả Chỉ số CCHC dưới 70%, tuy nhiên chỉ có 8 bộ có Chỉ số CCHC trên mức trung bình. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đạt Chỉ số CCHC năm 2018 cao nhất với 90,57%; Bộ GTVT đạt thấp nhất với 75,13%.

Hà Nội: Nâng cao chất lượng, tiếp tục xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính - Hình 1

Hà Nội đang đứng ở vị trí "á quân" trong bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính 2018

Còn đối với Chỉ số CCHC năm 2018 của các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư Quảng Ninh tiếp tục giữ vững ngôi vị dẫn đầu bảng xếp hạng với kết quả Chỉ số đạt 89,06%; TP Hà Nội tiếp tục đứng vị trí thứ hai với kết quả 83,98%. Tiếp đó lần lượt là Đồng Tháp 83,71%; Đà Nẵng 83,7%; Hải Phòng 83,68%. Trong năm 2018 không có địa phương đạt kết quả Chỉ số CCHC dưới 60%.

Với kết quả phát triển kinh tế xã hội, Hà Nội đang triển khai nhiều chương trình tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng lĩnh vực văn hóa xã hội tương xứng với phát triển kinh tế và giá trị truyền thống của Thủ đô. 

Cũng theo đó, trong 4 tháng đầu năm 2019, Hà Nội đã đảm bảo được các chỉ tiêu cân đối lớn về kinh tế.

Sản xuất công nghiệp duy trì mức tăng trưởng ổn định, chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm tăng 6,8% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, chỉ số sản xuất một số ngành công nghiệp chủ lực chiếm tỷ trọng lớn trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo đạt mức tăng trưởng cao như: sản xuất chế biến thực phẩm tăng 14,7%, sản xuất da tăng 23,5%, chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng 10,9%... Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, phát triển sản xuất công nghiệp, đảm bảo cung cấp và tiết kiệm điện năng, đào tạo và cung ứng lao động, hỗ trợ và đơn giản hóa các thủ tục hành chính.

Các lĩnh vực văn hóa xã hội tiếp tục được thành phố quan tâm phát triển. Nhằm đẩy mạnh tuyên truyền xây dựng nếp sống văn hóa, trật tự, kỷ cương, văn minh đô thị, ngày 16/5/2019, Chủ tịch UBND thành phố đã ký ban hành Chỉ thị số 08/CT-UBND về việc đẩy mạnh tuyên truyền xây dựng nếp sống văn hóa, trật tự, kỷ cương, văn minh đô thị gắn với việc thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố và quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố. Theo đó, tập trung tuyên truyền thực hiện xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; xây dựng văn hóa người Hà Nội “nói lời hay, làm việc tốt, ứng xử đẹp”; giáo dục lịch sử, truyền thống, văn hóa, nếp sống và bồi dưỡng phẩm chất người Hà Nội, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Hà Nội và cuộc đua công nghệ số

Từng phát biểu với báo chí, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch Hà Nội cho biết: Trong những năm qua, Hà Nội đã thực hiện cùng lúc nhiều chương trình công nghệ thông tin trên toàn địa bàn. Trong đó, tập trung vào xây dựng mối liên hệ giữa các cơ quan ban ngành, ứng dụng số hoá giúp tiết kiệm thời gian, chí phi và nâng cao hiệu quả làm việc với nhân dân và doanh nghiệp. Hà Nội hướng tới mục tiêu đưa dịch vụ số đến với mọi người, ở bất kỳ đâu.

Hà Nội: Nâng cao chất lượng, tiếp tục xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính - Hình 2

Ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch Hà Nội

Bên cạnh đó, Hà Nội thúc đẩy tiềm năng công nghệ qua nhiều cách như: chuyển toàn bộ đầu tư công sang thuê dịch vụ số; huy động mọi nguồn lực từ doanh nghiệp trên địa bàn; xây dựng hệ thống phần mềm quản lý nghiệp vụ; tích hợp và khai thác các dịch vụ số; ứng dụng tối đa các văn bản điện tử; sử dụng hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu số; tăng ứng dụng trên thiết bị di động; chuẩn hoá công nghệ thông tin cho nhân dân; khuyến khích người dân tăng sử dụng công nghệ số.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng phát biểu chỉ đạo cho rằng công nghệ là nhân tố chính cho tăng trưởng, thoát bẫy thu nhập trung bình, đưa Việt Nam thành nước phát triển. Muốn tăng thu nhập trung bình phải phát triển doanh nghiệp công nghệ để đến 2045, nước ta phải trở thành nước công nghiệp thịnh vượng, hơn 50% dân số ở tầng lớp trung lưu. Đó là một cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư. "Muốn thoát bẫy thu nhập trung bình cần làm chủ công nghệ, quản lý, có năng lực phát minh ra những công nghệ mới, đi đầu trong thiết kế, sản xuất chất lượng cao"- ông nói.

Việt Nam cần nhận thức được những thách thức trong thời đại số. Việt Nam dù đi sau vẫn có thể thành công nếu nắm được cơ hội, hành động cụ thể, kịp thời, hành động đồng bộ để chuyển đổi nền kinh tế.

PV