Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo đó, các trạm y tế lưu động được thành lập sẽ thu dung, khám, điều trị cho F0 nhẹ, không triệu chứng tại quận, huyện, thị xã; đồng thời phát hiện sớm, xử trí cấp cứu, kịp thời chuyển viện khi người bệnh tiến triển ở mức độ vừa và nặng.

Cụ thể, các trạm y tế lưu động không tiếp nhận các F0 là phụ nữ mang thai, người mắc bệnh lý nền; chỉ tiếp nhận F0 không có triệu chứng lâm sàng hoặc mức độ nhẹ. Các triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu như: Sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi... Bệnh nhân đồng thời không có các dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu ôxy, nhịp thở dưới 20 lần/phút, SpO2 trên 96% khi thở khí trời.

Theo Sở Y tế Hà Nội, trạm y tế lưu động có 01 xe ô tô chuyên dụng, nhân viên y tế cho 01 kíp có 05 người (gồm: 01 bác sĩ phụ trách, 02 điều dưỡng, 01 kỹ thuật viên, điều dưỡng xét nghiệm và 01 dược sĩ). Căn cứ số lượng người bệnh có thể bố trí kíp nhân lực y tế phù hợp, bảo đảm điều kiện hoạt động của cơ sở.

Căn cứ điều kiện thực tiễn của từng quận, huyện, thị xã để đề xuất mô hình tổ chức và ban quản lý điều hành trạm y tế lưu động phù hợp với tình hình của địa phương. Tại các trạm y tế lưu động phải có biển cảnh báo nền đỏ, chữ vàng "Trạm y tế lưu động - cơ sở thu dung, điều trị người bệnh Covid-19: Không nhiệm vụ miễn vào". Ngoài ra, các trạm y tế lưu động phải bảo đảm kiểm soát và ngăn ngừa lây nhiễm SARS-CoV-2 ra cộng đồng.

Tại mỗi trạm y tế lưu động được chia làm 3 khu: Khu vực đón tiếp, phân loại bệnh nhân; khu hành chính, hậu cần; khu cách ly, điều trị. Riêng khu vực cách ly, điều trị được chia làm 2 loại đối tượng người bệnh, đó là phòng điều trị F0 khỏe mạnh, không triệu chứng và phòng điều trị F0 triệu chứng nhẹ: Hắt hơi, sổ mũi, ho khan... Ngoài ra, buồng bệnh bảo đảm thông thoáng, phòng bệnh của nam và nữ riêng biệt...

Theo dự kiến, Hà Nội sẽ thành lập 508 trạm y tế lưu động, trong đó có 20 trạm y tế xã được đặt tại khu công nghiệp, khu chế xuất.

 Thành Nam