Theo đó, vừa qua, trong quá trình quan trắc, giám sát và cảnh báo môi trường vùng nuôi trồng thủy sản tại một số tỉnh trọng điểm khu vực phía Bắc, Trung tâm Quan trắc Môi trường và Bệnh thủy sản miền Bắc (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I) đã phát hiện sự xuất hiện của một loài rết biển (hay còn gọi là sâu biển) có tên khoa học Chloeia sp. tại vùng nuôi ngao ở một số địa phương.

Sâu biển ăn thịt cả ngao lớn

Theo Trung tâm Quan trắc Môi trường và Bệnh thủy sản miền Bắc, loài sâu biển vừa được phát hiện tại Ninh Bình và Quảng Ninh thuộc giống sâu biển Chloeia sp. trên cơ thể có phân đốt và phủ đầy lông, thuộc họ Amphinomidae... Các loài thuộc họ này thường được gọi là "sâu lửa" do có khả năng gây ra cảm giác nóng rát khi tiếp xúc.

Đặc điểm hình thái cơ thể dài khoảng 5-10cm, dạng dẹt, rộng, hai bên thân có nhiều lông tơ phức tạp, dọc sống lưng có các vệt hình tam giác hoặc đốm tròn kéo dài từ đầu đến cuối. Chúng thường sống ở tầng đáy và hoạt động mạnh vào ban đêm. Tuy nhiên, vào mùa ngao sinh sản (ở miền Bắc từ tháng Ba đến tháng Sáu), chúng có xu hướng bơi lên tầng mặt và tiến sát vào bờ...

Sâu biển gây hại vừa được Trung tâm Quan trắc Môi trường và Bệnh thủy sản miền Bắc phát hiện.
Sâu biển gây hại vừa được Trung tâm Quan trắc Môi trường và Bệnh thủy sản miền Bắc phát hiện.

Mặc dù không có hàm (thiếu hàm), sâu biển vẫn có thể nuốt con mồi vừa cỡ miệng và hút hết nước bên trong. Đã ghi nhận trường hợp sâu biển ăn rất nhiều ngao nhỏ (ngao giống) đang được nuôi trên bãi triều tại Việt Nam. Thực tế quan trắc tại vùng nuôi ngao, phát hiện loài sâu biển này ăn thịt cả ngao cỡ lớn.

Qua quan sát thực tế, loài này thường tấn công và ăn thịt ngao cùng các nhuyễn thể nuôi, gây ra thiệt hại cho các cơ sở nuôi. Để hạn chế tác động của sâu biển đến các vùng nuôi nhuyễn thể, trong đó có các vùng nuôi ngao, Trung tâm Quan trắc Môi trường và Bệnh thủy sản miền Bắc khuyến cáo các địa phương, người nuôi cần có biện pháp theo dõi, kiểm tra và chủ động phòng chống.

Chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống

Trước khuyến cáo của Trung tâm Quan trắc Môi trường và Bệnh thủy sản miền Bắc (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I), Chi cục Thuỷ sản Hà Tĩnh đã có Văn bản 168/TS-NTTS gửi UBND các huyện, thành phố, thị xã ven biển cảnh báo sâu biển (rết biển) xuất hiện ở vùng nuôi nhuyễn thể.

Cụ thể, các cơ quan chức năng của địa phương cần quản lý chặt vùng bãi nuôi ngao, hạn chế thả giống cỡ nhỏ (500-800 con/kg trở xuống); nên thả ngao giống có kích thước lớn để tránh bị sâu biển ăn thịt, gây thiệt hại cho sản xuất hoặc có thể chờ khi độ mặn xuống thấp (dưới 25‰) để hạn chế sự xuất hiện của chúng trên bãi ngao.

Sâu biển xuất hiện tại bãi nuôi ngao tại Ninh Bình, Quảng Ninh tháng 4/2025.
Sâu biển xuất hiện tại bãi nuôi ngao tại Ninh Bình, Quảng Ninh tháng 4/2025.

Các cơ sở nuôi ngao cần chủ động diệt sâu biển bằng các biện pháp thủ công, như giăng lưới, quây đăng để bắt và diệt trừ. Các loài sâu biển vào mùa sinh sản hoạt động nhiều vào ban đêm và thường bị kích thích bởi ánh sáng, do vậy, các cơ sở nuôi có thể áp dụng thử nghiệm biện pháp dùng bóng đèn điện (hoặc bóng đèn LED bọc trong ống nhựa nhấn chìm trong nước) để kích thích, dẫn dụ sâu biển tập trung lại một khu vực trên bãi ngao, sau đó dùng lưới bắt.

Tuyệt đối không sử dụng hóa chất, thuốc trừ sâu, thuốc không có trong danh mục được phép sử dụng hay hóa chất độc hại không rõ nguồn gốc để diệt sâu biển, gây ảnh hưởng xấu tới ngao nuôi và môi trường xung quanh.

Tăng cường kiểm tra hoạt động của ngao, hàu nuôi kịp thời phát hiệnvnhững dấu hiệu bất thường. Khi phát hiện hiện tượng bất thường phải báo ngay cho cơ quan chức năng để có biện pháp ứng phó kịp thời.

Theo thông tin từ Chi cục Thuỷ sản Hà Tĩnh, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 422 ha nuôi nhuyễn thể, diện tích nuôi tập trung chủ yếu ở các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, thị xã Kỳ Anh, với sản lượng trung bình đạt khoảng 3.845 tấn/năm. Nuôi nhuyễn thể vùng nước mặn, nước lợ là một trong những thế mạnh của ngành thủy sản của địa phương nên công tác phòng chống dịch bệnh rất quan trọng, góp phấn phát triển kinh tế của người dân, ngành và địa phương.

Khánh Trình