Trong những năm qua, Hà Tĩnh đã đạt được những kết quả rất tích cực về công tác chuyển đổi số. Năm 2022, Hà Tĩnh đứng thứ hai toàn quốc về tỷ lệ cấp thẻ Căn cước công dân và tỷ lệ kích hoạt định danh điện tử; chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI), xếp thứ 37/63 tỉnh thành phố trên cả nước (tăng 22 bậc so với năm 2021).
Hà Tĩnh cũng xếp thứ 28 cả nước về chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) và thứ 7 cả nước về chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính (SIPAS).
Ngoài ra, các nhóm chỉ số khác cũng đều cơ bản có sự tăng hạng, như: Nhóm chỉ số An toàn thông tin mạng tăng 28 bậc so với năm 2021; Nhóm chỉ số Nhân lực số tăng 12 bậc so với năm 2021; Nhóm chỉ số Hạ tầng số tăng 29 bậc so với năm 2021; Nhóm chỉ số Nhận thức số tăng 25 bậc so với năm 2021.
Đến nay, 100% các xã, phường, thị trấn, tổ dân phố, thôn, xóm đã thành lập tổ chuyển đổi số cộng đồng; 100% các sản phẩm OCOP của các địa phương được đăng tải lên sàn thương mại điện tử tỉnh và của các doanh nghiệp; 100% doanh nghiệp, tổ chức sử dụng hóa đơn điện tử; 507 hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký và chuyển đổi sử dụng hóa đơn điện tử; số lượng hóa đơn có mã ngành Thuế tiếp nhận và xử lý là 721.568 hóa đơn; 100% hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGap, Global G.A.P, OCOP; có 544 sản phẩm được giới thiệu và bày bán trên sàn thương mại điện tử Hà Tĩnh, trong đó 416 sản phẩm tiêu biểu và các sản phẩm đặc trưng của Hà Tĩnh.
Toàn tỉnh hiện có trên 21.000 km cáp quang nội tỉnh, 3.250 trạm BTS (3G, 4G) phủ sóng 99% khu vực dân cư, đáp ứng tốt nhu cầu thông tin của chính quyền, doanh nghiệp, người dân. 100% cơ quan đơn vị sử dụng gửi nhận văn bản điện tử, ký số, hạ tầng công nghệ thông tin đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ đề ra. 100% hệ thống thông tin trên địa bàn tỉnh đã phê duyệt hồ sơ đề xuất cấp độ.
Đến nay, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập được gần 2.000 Tổ chuyển đổi số cộng đồng tại các thôn, tổ dân phố. Nhiều nhất là các địa phương: Hương Sơn, Nghi Xuân, Thạch Hà, Can Lộc, Lộc Hà…
Sau khi thành lập và đi vào hoạt động, các Tổ chuyển đổi số cộng đồng đã trực tiếp tổ chức hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng nền tảng số, dịch vụ số, thực hiện các giao dịch, phòng tránh lừa đảo trên không gian mạng… góp phần phát triển xã hội số, hướng tới chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số tại từng khu dân cư.
Xuân Lê