Giống cam ở làng Đồng Dụ, xã Đặng Cương, huyện An Dương, TP. Hải Phòng được trồng cách đây khoảng 800 năm, từ thời nhà Trần với hai loại: Cam Chanh và cam Đường. Đặc điểm của cam Chanh là có thành cao, vỏ dày, dưới đáy quả có một vùng tròn nên người dân hay gọi là cam “đồng tiền”.
Quả cam Chanh to bằng ấm pha nước trà, tép nhỏ, có màu hơi hồng, mọng nước, có vị ngọt, khi chín vỏ có màu vàng tươi. Cam Đường thì có quả nhỏ bằng chén uống nước trà, thành thấp, vỏ mỏng, vỏ nhiều tinh dầu thơm, khi chín giống như cam giấy, ăn có vị ngọt thanh, dịu, là sản phẩm dùng để tiến vua.
Theo người dân địa phương, cam làng Đồng Dụ cho quả vụ đầu chỉ 5-7 trái/cây/năm, sau đó số trái tăng dần, đến khi trưởng thành cho năng suất 50 – 70 trái/cây/năm và cho trái liên tục trong hàng chục năm.
Trước đây, để có cam tiến vua, làng đã tổ chức phân công người trồng và lựa chọn trái cam theo hướng chuyên nghiệp, người chọn giống, người trồng, người chăm sóc...cách chăm sóc cam tiến vua cũng rất đặc biệt, người dân sử dụng bột đậu tương, ruột ốc bụt ngâm để bón cây, khâu chọn cam được tổ chức vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm do những già làng, cao nhân có chức sắc chọn lựa từng trái để đem tiến vua.
Từ chỗ là cây trồng chủ lực, là đặc sản dùng để tiến vua, nhưng do nhiều lý do mà đến Thập niên 90 của thế kỷ XX, cả làng Đồng Dụ, xã Đặng Cương, huyện An Dương, TP. Hải Phòng chỉ còn hơn 10 hộ trồng hai loại cam này.
Theo thời gian, đến năm 2004, cam Đường biến mất, cam Chanh chỉ còn 20 cây, lúc này chính quyền địa phương mới chú ý đến việc tìm kiếm và khôi phục giống cam quý, sau đó xây dựng đề án khôi phục giống cam tiến vua Đồng Dụ với 12 hộ tham gia. Dù vậy, do chưa có sự theo sát việc áp dụng kỹ thuật nên đề án bị phá sản, người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, hầu hết đất vườn, đất ruộng đều được trồng đào cảnh, trông hoa...những loại cây này cho giá trị kinh tế cao hơn.
Hai giống cam Chanh, cam Đường làng Đồng Dụ đều ngon nhưng vì cho năng suất không cao, hay bị sâu bệnh, cây già yếu và có dấu hiệu tàn lụi dần, không cạnh tranh được với nhiều loại cam trên thị trường nên nhiều hộ không còn quan tâm đến việc khôi phục và cải tạo giống cam quý.
Đến năm 2020, may mắn vào thời điểm đó còn hộ cụ Nguyễn Sinh Xúy, 90 tuổi, trú tại thông Dân Hạnh, xã Đặng Cương, huyện An Dương, TP. Hải Phòng vẫn còn 03 cây.
Cuối năm 2020, Trung tâm Phát triển khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng đã về kiểm tra và lấy 100 mắt của cây mang đi nhân giống với kỳ vọng khôi phục được để phát triển, cũng như tạo thương hiệu vùng trồng và sản phẩm chủ đạo của làng quê Đặng Cương, An Dương, Hải Phòng.
Nhóm nghiên cứu chiết cành từ cây cam quý trong vườn nhà ông Xúy đem ghép vào 40 thân cây bưởi khỏe mạnh để gây dựng lại vườn cam bản địa, chống tuyệt chủng. Bên cạnh việc khôi phục vườn cam bản địa, nhóm nghiên cứu cũng sử dụng phương pháp ghép đỉnh sinh trưởng để tạo ra cây cam F0 trong phòng thì nghiệm nhằm khôi cam Đồng Dụ, xã Đặng Cương, huyện An Dương, TP. Hải Phòng.
Việc khôi phục giống cam Đồng Dụ “tiến vua” được Hải Phòng thực hiện chặt chẽ theo đề án, từ 50 cây F0 được nhân giống trong phòng thí nghiệm, nay đã phát triển nhân giống được khoảng 2.500 cây giống để đưa ra trồng đại trà. Mong muốn của huyện An Dương, TP. Hải Phòng là sẽ phát triển cam Đồng Dụ thành sản phẩm OCOP của địa phương.
Lương Huệ (t/h)