THCL TP. Hà Nội, do nhu cầu tăng cao dẫn đến tình trạng quá tải ở một số bể bơi gần trung tâm, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng nước. Điều này khiến nhiều bể bơi trở thành những ổ dịch gây bệnh…

Nước bị ô nhiễm nghiêm trọng

Hầu hết các bể bơi trên địa bàn TP. Hà Nội thời gian gần đây đều tăng lượt khách gấp đôi, ba lần trước đây, nhiều bể bơi còn quá tải vào dịp cuối tuần.

Qua khảo sát tại các bể bơi, trẻ đi bơi có em đeo kính bơi nhưng nhiều bé không đeo nên nguy cơ đau mắt đỏ rất cao. Thậm chí, trong lúc chờ con bơi lội, các bậc phụ huynh còn tranh thủ mang đồ ăn nước uống vào sát hồ trông rất mất vệ sinh.

Những bể bơi ngoài trời thường xuyên tiếp xúc với môi trường bên ngoài, dễ bị nhiễm khuẩn bởi bụi bẩn, các loại vi trùng, tảo bào tử trong nước mưa, phân chim... Ngoài ra, nguồn thải ô nhiễm ra bể còn bao gồm các vi sinh vật, lượng dầu bài tiết trên cơ thể người đi bơi như mồ hôi, mỹ phẩm, kem chống nắng, nước tiểu, nước bọt... Mỗi người khi vào bể bơi đã tự mang theo rất nhiều vi khuẩn; nhiều trường hợp vô ý khạc nhổ, thậm chí còn “giải quyết nỗi buồn” luôn dưới bể, nhất là trẻ em.

Bên cạnh đó, hầu hết các bể bơi đều sử dụng Clo để làm sạch nước, tuy nhiên việc xử lý lại không theo quy chuẩn nào. Theo Khoa Vệ sinh môi trường Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, để nguồn nước hồ bơi sạch đúng quy chuẩn thì phải thay nước 1 lần/ngày.

Tuy nhiên nếu thực hiện đúng sẽ tốn rất nhiều tiền và việc kinh doanh sẽ không có lời nên các bể bơi hạn chế việc này nhằm tiết kiệm chi phí. Phần lớn là 3 ngày, thậm chí 7 - 10 ngày mới thay nước và họ sẽ dùng hệ thống lọc tuần hoàn hàng ngày để tiết kiệm nước.

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện còn không ít bể bơi do chạy theo doanh thu, điều kiện cơ sở vật chất hạn chế và chưa dám đầu tư trang bị hệ thống lọc tuần hoàn khiến nguồn nước thường không bảo đảm an toàn.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, hiện thành phố có khoảng 100 bể bơi cấp quận và thành phố, chưa tính đến số bể bơi do các nhà hàng, khách sạn, biệt thự, hoa viên quản lý, qua kiểm tra hàng năm vẫn còn khoảng 20% số hồ bơi chưa đạt về chất lượng nước.

Nguy cơ mắc nhiều căn bệnh

Chị Trần Minh Phương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: “Tranh thủ 2 ngày nghỉ cuối tuần vừa qua, tôi cho hai con nhỏ đi bơi tại Công viên nước Hồ Tây. Tưởng sẽ giúp các con vận động, nhưng ngay sau đó hai đứa thi nhau sốt và tiêu chảy. Hốt hoảng đưa con đến bệnh viện, tôi được các bác sỹ cho biết các con tôi có thể dính vi khuẩn gây tiêu chảy từ hồ bơi. Chỉ cần một cháu bị bệnh này xuống hồ là các cháu còn lại đều có nguy cơ nhiễm...”.

Thấy con gái 7 tuổi mấy ngày nay đỏ và ngứa mắt, anh Hoàng Văn Thành (Cầu Giấy, Hà Nội) mua thuốc nhỏ cho con, nhưng không thấy đỡ. Khi đưa con đi khám, các bác sỹ Bệnh viện Mắt Hà Nội cho biết cháu bị đau mắt đỏ, có thể do nhiễm từ việc tắm ở một số bể bơi.

Theo các bác sỹ Bệnh viện mắt Hà Nội, những bể bơi không được tẩy trùng kỹ, sẽ là môi trường sống cho rất nhiều loại khuẩn như E.Coli, Coliform… Đây là nguyên nhân chính gây bệnh tiêu chảy ở người hay khuẩn Chlamydia Trachomatis, Adenovirus - hung thủ của viêm kết mạc ở mắt. Nhưng nếu bể bơi chứa quá nhiều chất tẩy trùng cũng không tốt, sẽ gây kích ứng da, mắt vì nồng độ clo quá lớn, độ pH thấp.

Các bác sỹ cảnh báo, tác nhân gây bệnh tiềm ẩn trong bể bơi có thể xâm nhập vào cơ thể qua đường mũi, họng hoặc các vết trầy xước trên da. Ở những bể bơi không bảo đảm vệ sinh còn tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh tai mũi họng, các bệnh ngoài da, phụ khoa, bệnh về tóc, nấm kẽ chân... Khi đi bơi vào mùa nắng nóng, các bậc phụ huynh cần lựa chọn bể bơi thích hợp, an toàn cho trẻ.

Bên cạnh đó, các bể bơi cần tăng cường vệ sinh bể, thay nước thường xuyên. Ngoài việc đề phòng những bệnh do nước bể bơi gây ra, đối với trẻ nhỏ, phụ huynh cần quan tâm chú ý để tránh những tai nạn như ngạt nước cho trẻ, vì đã có rất nhiều ca chết đuối thương tâm xảy ra.

Thiên Đức - Duy Thế