Hành trình xây dựng thương hiệu
Thương hiệu VietBank thuộc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank – Mã: VBB), tiền thân là Ngân hàng Nông thôn Phú Tâm được thành lập tháng 12/2006, có trụ sở chính và địa bàn hoạt động tại tỉnh Sóc Trăng.
Khi đó, cổ đông sáng lập là những cá nhân, pháp nhân có liên quan đến Tập đoàn Hoa Lâm, Ngân hàng Á Châu (ACB) và Công ty Diệu Hiền.
Được biết, tiền thân nhóm cổ đông sáng lập ra thương hiệu VietBank là các thành viên trong gia đình ông Nguyễn Đức Kiên (thường được gọi là bầu Kiên). Trong thời gian từ 06/12/2018-06/01/2019, ông Nguyễn Đức Kiên (tức bầu Kiên, đang thụ án) đã bán ra toàn bộ 6,61 triệu cổ phần sở hữu tại VietBank (tương đương với 2,035% vốn điều lệ ngân hàng). Sau khi nhóm “bầu Kiên” ra đi tại VietBank, sự hiện diện của nhóm nữ đại gia Trần Thị Lâm thuộc Tập đoàn Hoa Lâm xuất hiện tại VietBank.
Trước đó, từ tháng 09/2006, ông Dương Ngọc Hòa, Tổng Tổng giám đốc Hoa Lâm (chồng bà Trần Thị Lâm) làm Chủ tịch VietBank.
Hội đồng quản trị (HĐQT) hiện nay gồm: Ông Dương Nhất Nguyên, Chủ tịch HĐQT; ông Nguyễn Hữu Trung, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Thành viên HĐQT độc lập và 03 Thành viên HĐQT gồm: Bà Lê Thị Xuân Lan, bà Lương Thị Hương Giang và bà Quách Tố Dung.
Sau gần 02 năm khuyết vị trí Tổng Giám đốc, trên cơ sở chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước, HĐQT VietBank đã có Quyết định bổ nhiệm bà Trần Tuấn Anh giữ chức Tổng Giám đốc Vietbank kể từ 14/08/2023 vừa qua.
Tại Báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất quý II/2023, VietBank có hơn 12.000 tỷ đồng dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản, chiếm 18% tổng dư nợ cho vay khách hàng. Vậy, Hoa Lâm và Vietbank có mối liên hệ như thế nào?
VietBank “bơm tiền” cho các doanh nghiệp “họ Hoa Lâm”?
Theo tìm hiểu, cổ đông sáng lập thương hiệu VietBank là những cá nhân, pháp nhân có liên quan đến Tập đoàn Hoa Lâm, Ngân hàng Á Châu (ACB) và Công ty Diệu Hiền. Trong đó, Tập đoàn Hoa Lâm là một trong những tập đoàn tư nhân danh tiếng tại miền Nam, hoạt động trong nhiều lĩnh vực như: Bất động sản, y tế và tài chính ngân hàng.
Tập đoàn Hoa Lâm được biết đến là cơ nghiệp của vợ chồng doanh nhân Trần Thị Lâm và Dương Ngọc Hòa. Đơn vị lõi của Hoa Lâm Group là Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Hoa Lâm (gọi tắt là Tập đoàn Hoa Lâm) được thành lập vào 4/2004, trụ sở tại phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP. Hồ Chí Minh do bà Trần Thị Lâm làm đại diện pháp luật. Tại ngân hàng VietBank, con trai bà Trần Thị Lâm là ông Dương Nhất Nguyên đang đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT, trước đây vị trí này do chồng bà Lâm là ông Dương Ngọc Hòa đảm nhiệm. Vậy, loạt dự án của Tập đoàn Hoa Lâm đang thế chấp tại ngân hàng VietBank ra sao?
Lịch sử kinh doanh có thể thấy rõ quá trình VietBank trở thành “máy bơm tiền” cho các doanh nghiệp thuộc “họ Hoa Lâm”. Có thể thấy rõ, gần đây VietBank liên tục cho vay đối với các doanh nghiệp thuộc “họ Hoa Lâm” nói trên.
Cụ thể, vào này 20/07/2023, Vietbank đã chấp thuận thông qua giao dịch cấp tín dụng (tổng cấp tín dụng 176 tỷ đồng) giữa Ngân hàng này với Công ty TNHH Bệnh viện Quốc tế City và cam kết của Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm Shangri-La (là chủ sở hữu của Công ty TNHH Bệnh viện Quốc tế City).
Ngày 29/06/2023, Vietbank cũng thông qua việc cấp tín dụng cho Công ty TNHH TML Riverside, được đảm bảo bằng loạt quyền sử dụng đất và bất động sản của Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm Shangri - La.
Cụ thể, khoản tín dụng gần 492 tỷ đồng được đảm bảo bằng quyền sử dụng đất tại thửa đất số 1-15; tờ bản đồ số 108, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh.
Khoản tín dụng gần 1.665 tỷ đồng được đảm bảo bằng bất động sản tại các thử đất số 1-10, 1-11, 1-12, 1-17, 1-18, 1-19, 2-2, 2-3 thuộc tờ bản đồ số 18, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh. Các tài sản đảm bảo nêu trên đều có chủ sở hữu là Y tế Hoa Lâm Shangri - La.
Trước đó một này (28/06/2023), quyền sử dụng đất của 8 thửa đất số đất số 1-10, 1-11, 1-12, 1-17, 1-18, 1-19, 2-2, 2-3 thuộc tờ bản đồ số 18, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh đã được VietBank chấp thuận thay thế tài sản đảm bảo cho khoản tín dụng gần 100 tỷ đồng của CTCP Kingdom Đông Dương và một khách hàng nữ là bà Nguyễn Thị Ba.
Theo dữ liệu tài chính cho thấy, vào năm 2021, nhóm cổ đông gia đình Chủ tịch Vietbank và tổ chức liên quan đang nắm giữ 15,9% tỷ lệ sở hữu tại nhà băng này. Cũng trong năm này, VietBank cấp tín dụng hơn 1.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp trong hệ thống Hoa Lâm của bà Trần Thị Lâm.
Hàng loạt dự án của Hoa Lâm đều được cấp tín dụng hoặc phát hành bảo lãnh, thế chấp bởi VietBank. Cụ thể, Dự án Khu căn hộ - Trung tâm thương mại, dịch vụ Đông Dương (tên thương mại là Kingdom 101) tại số 334 Tô Hiến Thành, phường 14, quận 10 do Công ty cổ phần Phát triển Đô Thị Đông Dương (thuộc Tập đoàn Hoa Lâm) làm chủ đầu tư. Dự án Kingdom 101 có quy mô 986 căn hộ này được xây dựng trên khu đất 11.400 m2 được khởi công vào ngày 29/09/2017.
Theo văn bản 55CV/ĐD-2018, của Công ty cổ phần Phát triển Đông Dương. Ngày 1/8/2018, Công ty cổ phần Phát triển Đô Thị Đông Dương đã thế chấp quyền sử dụng đất và nhà ở hình thành trong tương lai của dự án nói trên tại Ngân hàng Vietbank, Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh.
Hay Tập đoàn Hoa Lâm còn thế chấp toàn bộ các quyền của bên đảm bảo phát sinh từ hợp đồng Hợp tác kinh doanh 4B Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé giữa tập đoàn và Công ty Hải Thành, Bộ Quốc phòng thuộc Bộ Tư lệnh Hải Quân. Giá trị tài sản thế chấp hơn 184 tỷ đồng.
Mối liên hệ giữa Hoa Lâm và Vietbank còn thể hiện ở hàng loạt bất động sản của Hoa Lâm được Vietbank thuê lại làm trụ sở. Điển hình là ngày 30/12/2016, Vietbank thuê cao ốc số 90 Cao Thắng, quận 3 của vợ chồng ông Dương Ngọc Hòa để làm phòng giao dịch, với giá gần 190 triệu đồng/tháng, tới ngày 31/12/2022 mới hết hợp đồng.
Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm Shangri-La (là chủ sở hữu của Công ty TNHH Bệnh viện Quốc tế City) cam kết thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho Công ty TNHH Bệnh viện Quốc tế City tại mọi thời điểm khi Công ty TNHH Bệnh viện Quốc tế City mất khả năng thanh toán.
Công ty TNHH TML Riverside được thành lập vào năm 2013, với tên gọi cũ là Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm. Ngành nghề hoạt động chính của Công ty này là bệnh viện, trạm y tế. Cả TML Riverside, Y tế Hoa Lâm Shangri - La và Kingdom Đông Dương đều là các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái của Tập đoàn Hoa Lâm.
VietBank có 12.323tỷ đồng dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản
Dữ liệu báo cáo tài chính cho thấy, quý II/2023, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín đạt 171,5 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ năm trước. Tính 06 tháng đầu năm 2023, lợi nhuận trước thuế Vietbank giảm gần 5%, đạt hơn 369 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
So với kế hoạch 960 tỷ đồng đã đặt ra cho cả năm, VietBank mới chỉ thực hiện được 38% kế hoạch lợi nhuận sau 6 tháng đầu năm 2023.
Lũy kế từ đầu năm đến cuối quý II/2023 tại Vietbank, thu nhập lãi thuần đạt 919 tỷ đồng (tăng nhẹ 1,4% so với năm trước); Hoạt động kinh doanh ngoại hối thu được gần 31,9 tỷ đồng tiền lãi (tăng gấp 1,86 lần năm trước) do thu từ các công cụ tài chính phái sinh tiền tệ 48,4 tỷ đồng (tăng 17,6%) nhờ diễn biến tỷ giá trên thị trường thuận lợi so với trạng thái ngoại tệ của Ngân hàng;
Đáng chú ý, lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư giảm mạnh 45,5% chỉ còn 31,9 tỷ đồng. Theo lý giải từ Ngân hàng, do thị trường trái phiếu năm 2023 bị ảnh hưởng bởi các thông tiêu cực (lạm phát, chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ, lãi suất tăng…) nên thực hiện giữ ổn định danh mục trong thời gian còn lại của năm.
Lãi từ hoạt động khác giảm 16,3% xuống còn 102,8 tỷ đồng do thu nhập từ đặt cọc chuyển nhượng bất động sản 8,6 tỷ đồng (trong khi năm trước đạt 84,6 tỷ đồng) và chi phí từ hoạt động khác ghi nhận âm 7,4 tỷ đồng (trong khi năm trước đạt 1,9 tỷ đồng).
Trong kỳ, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 59%, chỉ còn trích 68,4 tỷ đồng và chi phí hoạt động đạt hơn 692 tỷ đồng (tăng thêm 10,9%). Chính vì thế, lợi nhuận thuần hoạt động kinh doanh của VietBank đã giảm tới 21,3% chỉ còn hơn 437 tỷ đồng.
Tại thời điểm 30/6/2023, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản tại VietBank đã giảm 5,9% so với đầu năm, từ 13.105 tỷ đồng xuống còn hơn 12.323 tỷ đồng, chiếm 18% tổng dư nợ cho vay khách hàng. Trước đó, tại BCTC cuối năm 2022, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản tại VietBank tăng đến 20% so với đầu năm, từ 10.910 tỷ đồng lên hơn 13.105 tỷ đồng, chiếm 21% tổng dư nợ cho vay khách hàng.
Tuy nhiên, kinh doanh bất động sản chỉ là một phần trong tổng dư nợ các ngân hàng cho vay với khách hàng có liên quan lĩnh vực bất động sản. Ngoài ra, số này bao gồm cả xây dựng, kinh doanh khách sạn, nhà hàng, khu du lịch, cho vay cá nhân để mua nhà ở, nhận quyền sử dụng đất để xây nhà ở khác…
Nếu tính cả dư nợ các lĩnh vực này, tỷ trọng cho vay liên quan bất động sản tại hầu hết nhà băng khả năng cao đều lớn hơn rất nhiều con số trên báo cáo tài chính.
Ông Dương Nhất Nguyên (SN 1983) là người trẻ nhất trong HĐQT VietBank. Theo giới thiệu, ông Nguyên đã có trên 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh, tài chính và ngân hàng. Trước khi về VietBank, ông Nguyên từng giữ các vị trí điều hành, quản lý tại nhiều doanh nghiệp (Giám đốc đầu tư Công ty cổ phần đầu tư phát triển Hoa Lâm; Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty TNHH Dược phẩm Hoa Lâm) và điều hành nhiều dự án lớn của Tập đoàn Hoa Lâm.
Ông Nguyên tham gia Ban Điều hành VietBank từ tháng 01/2013 với vị trí Phó Tổng giám đốc. Từ năm 2013 đến nay, ông Nguyên từng kinh qua các vị trí Phó Tổng giám đốc kiêm Thành viên HĐQT, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng giám đốc, Phó Chủ tịch HĐQT VietBank nhiệm kỳ 2016-2020.
Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin về bức tranh mang thương hiệu VietBank.
Thanh Hải