Sau 6 năm bền bỉ đàm phán, Hiệp định VPA/FLEGT giữa Việt Nam và EU đã được ký kết. Với Hiệp định này, Việt Nam cam kết xây dựng và vận hành Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam (gọi tắt là VNTLAS) phù hợp với đặc điểm chuỗi cung của Việt Nam và quy định của EU. Qua đó để xác minh, truy xuất nguồn gốc gỗ trong toàn bộ chuỗi cung làm căn cứ để cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy phép FLEGT cho các lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang EU.
(Ảnh minh họa)
Ngược lại, các lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam có giấy phép FLEGT sẽ không phải thực hiện trách nhiệm giải trình về nguồn gốc gỗ hợp pháp khi xuất khẩu vào EU, đây được coi là “Giấy thông hành đặc biệt”.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, thương mại gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp và bền vững phù hợp với các mục tiêu phát triển và nỗ lực của Việt Nam nhằm bảo vệ rừng và hạn chế biến đổi khí hậu. Không chỉ đảm bảo rằng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang EU có nguồn gốc hợp pháp mà gỗ khai thác bất hợp pháp cũng không được đưa vào thị trường Việt Nam.
Hiệp định VPA/FLEGT được dự đoán sẽ giúp Việt Nam cải thiện thể chế về quản lý rừng, giải quyết tình trạng khai thác và thương mại gỗ trái phép, góp phần phát triển bền vững ngành chế biến gỗ xuất khẩu.
Cùng với đó, thực thi Hiệp định VPA/FLEGT, 100% gỗ xuất khẩu vào EU phải là gỗ hợp pháp, dù doanh nghiệp dùng gỗ nguyên liệu trong nước hay nhập khẩu thì vẫn phải đảm bảo đầy đủ hồ sơ, giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của gỗ. Điều này sẽ khiến chi phí tăng, doanh nghiệp phải thực hiện nhiều công đoạn để đảm bảo truy xuất nguồn gốc gỗ rõ ràng. Đây là một đòi hỏi tất yếu của thị trường thế giới.
Hiệp định cũng sẽ góp phần nâng cao uy tín và hình ảnh ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam trên toàn cầu, giúp mở rộng thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam sang các nước ngoài EU như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia…; góp phần thực hiện mục tiêu nâng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt từ 12-13 tỷ USD vào năm 2020, vươn lên đứng thứ 4 thế giới.
Hiện Việt Nam đã trở thành trung tâm chế biến gỗ của châu Á. Trước những yêu cầu ngày càng khắt khe của các thị trường nhập khẩu lớn, ngành gỗ Việt Nam cần xây dựng trở thành ngành gỗ hợp pháp, minh bạch. Đây là một yêu cầu mang tính chất “sống – còn” của một ngành kinh tế, ông Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trends cũng khuyến cáo.
Để các điều khoản được thực thi thông suốt quan trọng nhất vẫn là sự hiểu biết và cập nhật thông tin của từng chủ rừng và các doanh nghiệp để chủ động tuân thủ các cam kết trong Hiệp định. Do đó, người dân và doanh nghiệp phải tham gia trong chuỗi cung ứng hoàn chỉnh. Người trồng rừng cần có chứng chỉ thể hiện nguồn gỗ đó minh bạch, hợp pháp. Doanh nghiệp xác định, rà soát lại toàn bộ quy trình hiện có để có được nguồn gốc gỗ đầu vào hợp pháp; tự đánh giá năng lực của doanh nghiệp có phù hợp với các tiêu chí để được xếp vào danh mục loại một (doanh nghiệp minh bạch).
Hiệp định VPA/FLEGT bắt đầu đàm phán từ tháng 11/2010, đến nay đã chính thức ký kết. Mục tiêu khi đàm phán hiệp định là mở rộng thị trường XK gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vào EU thông qua việc Việt Nam cam kết xây dựng Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp (VNTLAS) phục vụ việc cấp phép FLEGT cho các lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ XK sang EU...
Hằng Vương