THCL - Bạc trắng một vùng quê, ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm tiếng ồn,... ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của người dân. Đó là những gì ghi nhận được ở khu vực khai thác và vận chuyển của các mỏ đá tại khu Đồi Ngang (còn gọi là núi Voi), xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình đang được khai thác bởi 2 doanh nghiệp: Công ty TNHH Xây dựng & Thương mại Quang Long và Công ty CP Sông Đà 11.
Mỏ đá “hành hạ” người dân:
Theo quan sát của phóng viên, hàng ngày từ khu vực mỏ đá, hàng loạt xe ben có tải trọng lớn nối đuôi nhau chạy chở đất, đá ra vào trên tuyến đường từ mỏ ra quốc lộ 21 “vô tư” rơi vãi bụi – đá, đất chạy qua địa bàn dân cư, tiếng nổ mìn, tiếng máy say, tiếng máy nghiền gầm rít,.. khiến một vùng rộng lớn quanh khu vực mỏ và con đường các “hung thần” vận chuyển đá, đất chìm trong tiếng ồn, bụi đá, phủ trắng một vùng quê. Cả một tuyến đường dài 4,7km phục vụ việc đi lại của nhân dân chạy qua địa bàn 4 thôn (Suối Nẩy, Bùi Trám, Tân Sơn và Phố Thổ) bị tàn phá nghiêm trọng.
Người dân phản ánh, gần 10 năm qua, kể từ khi đi vào hoạt động khai thác đá Bazan làm vật liệu xây dựng, mỏ đá tại núi Voi của Công ty XD&TM Quang Long và Công ty Sông Đà 11 đã làm đảo lộn đời sống, sinh hoạt của dân cư khu vực, đặc biệt là người dân thôn Suối Nẩy, xã Hòa Sơn. Lợi ích từ “đào sới” tài nguyên, người dân xã Hòa Sơn chưa thấy đâu, nhưng hệ lụy – hậu quả từ ô nhiễm môi trường và an toàn thì nhân dân khu vực đã chịu đựng quá đủ.
Mời phóng viên vào nhà, ông Bùi Ngọc Hồi, thôn Suối Nẩy, nhà gần cạnh mỏ đá bức xúc cho biết: Họ nổ mìn, khai thác, nghiền đá, chuyên chở đá bất kể ngày đêm, nhiều khi tới tận sáng. Tiếng nổ, tiếng máy nghiền inh ỏi, tivi không nghe được, ngủ cũng không yên. Trời nắng ráo thì lượng bụi rất lớn, phải thường xuyên vệ sinh nhà cửa.
Đặc biệt, khi có mưa lớn thì trận nào cũng như trận nào, nước, bùn mầu đen pha lẫn mầu đỏ trên các mỏ đá chẩy tràn qua đường xuống ruộng trũng, tràn cả vào nhà cửa của chúng tôi. Mỗi lần như vậy, dọn vài ngày vẫn không hết. Rất nhiều hộ dân có ruộng cạnh mỏ không thể canh tác được do bùn thải, nước thải từ các mỏ đá đổ xuống.
Nguy hiểm luôn rình rập:
Bức xúc không kém, bà Nguyễn Thị Oanh, người cùng thôn Suối Nẩy chia sẻ: Nhà tôi ở trong thôn, nhưng có có mẹ già và mấy anh chị em sống gần mỏ đá, cạnh tuyến đường xe chở vật liệu chạy qua. Đường xá ổ gà lồi lõm, bụi suốt ngày đêm. Xe bên ngoài đi vào, xe bên trong đi ra rất nguy hiểm, người già và trẻ em đi lại có nguy cơ tai nạn rất lớn.. nhất là khi trời tối, đường lại không có điện, đèn pha ôtô chiếu thẳng mặt thì nguy hiểm rình rập khôn lường.
Trời mưa mới kinh, toàn xe mấy chục tấn đi làm trũng cả đường, có những chỗ như hố “bom”. Nhiều lúc muốn vào chơi thăm mẹ nhưng sợ đường không giám vào. Hôm nay bà ốm, dù thương mẹ nhưng không giám đi ôtô vào để đón bà được mà phải nhờ anh trai dùng xe máy chở bà ra nhà để đưa bà đi bệnh viện.
Như để minh chứng sống động cho những hiểm nguy nhân dân đã phải đối mặt hàng chục năm qua thì ngay trong buổi tác nghiệp, phóng viên đã được tận mục sở thị vụ tai nạn sảy ra trên tuyến đường vận chuyển ra vào khu vực mỏ đá, các “hung thần” khi lách tránh nhau đã đâm đổ tường bao của hộ dân Lý Đình Quỳnh tại thôn Tân Sơn.
Cùng có mặt tại hiện trường vụ việc, bà Đỗ Mai Hoa - Tổ trưởng tổ 4, Hội Phụ nữ thôn Tân Sơn cho biết: Cứ “mãi như thế này thì không ai sống nổi”, đến có đám ma thì cũng chỉ tới nửa đêm thôi, nhưng họ thậm chí nhiều hôm thâu đêm suốt sáng. Cả tôi và em tôi hiện tại đều đang bị đau mắt do ô nhiễm môi trường.
Dân tự lập “barrie” chặn xe doanh nghiệp còn … Chính quyền thì thờ ơ?
Bức xúc trước thực trạng hoạt động, gây ảnh hưởng nghiêm trọng từ hai doanh nghiệp khai thác đá, người dân thôn Suối Nẩy đã tự lập “Barie” để ngăn cản việc vận chuyển, khai thác bất kể ngày đêm từ các mỏ.
Cùng tham gia vào việc dùng “barrie” chặn xe doanh nghiệp, ông Đinh Bá Lợi cho biết: Theo cam kết họ chỉ được làm từ 5h sáng cho đến 10h30 tối nhưng họ hoạt động bất kể nên chúng tôi phải tự lập “barie” để cản họ không cho đi lại sau giờ quy định. Nhưng không phải hôm nào cũng thức để trực và canh họ được.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đình Hiến - Chủ tịch UBND xã Hoà Sơn thừa nhận việc gây ô nhiễm và phản ánh của người dân về 2 mỏ nói trên là đúng và vào năm 2014, đã xảy ra tai nạn lao động nghiêm trọng do sạt lở làm chết 01 công nhân trong quá trình vận hành của các mỏ.
Khi được hỏi về báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường,.. của 2 doanh nghiệp, ông Hiến không cung cấp được đầy đủ với nhiều lý do khác nhau? Tuy nhiên, ô Hiến cũng khẳng định, mỏ của Công ty XD&TM Quang Long không có bể lắng, còn mỏ của Công ty Sông Đà 11 có bể lắng nhưng hiện tại không có tác dụng.
Theo tìm hiểu, khu vực xã Hoà Sơn đã được xác định là điểm nóng về môi trường trên địa bàn tỉnh Hoà Bình. Nhân dân phản ánh đã kiến nghị lên chính quyền nhiều lần nhưng không giải quyết được. Vậy, chính quyền đã và đang ở đâu … mà vẫn để một điển nóng như trên gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ, đời sống, sinh hoạt, an toàn và sản xuất của người dân tồn tại kéo dài suốt nhiều năm qua? Liệu có khuất tất gì đằng sau thực trạng này?
Đề nghị các cấp chính quyền, các ngành liên quan của tỉnh Hoà Bình nhanh chóng vào cuộc, kiểm tra xử lý dứt điểm, bảo đảm môi trường sống và sản xuất nông nghiệp của người dân khu vực.
Thương hiệu & Công luận tiếp tục cập nhật, thông tin đến bạn đọc!
Dương Tú