Hội nghị có sự tham gia của Bộ trưởng Năng lượng 10 nước thành viên ASEAN, Bộ trưởng các quốc gia đối tác trong khuôn khổ ASEAN+3 (bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) và các quốc gia đối tác trong khuôn khổ Đông Á bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Niu-Di-lân, Ốt-xtrây-lia), Tổng Thư ký ASEAN, Giám đốc Trung tâm năng lượng ASEAN, Giám đốc Cơ quan Năng lượng tái tạo Quốc tế (IRENA), Giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế Đông Á - ASEAN (ERINA).

Hội nghị còn có sự tham gia của các Cơ quan điều phối, mạng lưới công tác chuyên ngành trong khuôn khổ hợp tác năng lượng ASEAN bao gồm: Hội đồng Dầu khí ASEAN (ASCOPE), Hội đồng các nhà Lãnh đạo ngành điện ASEAN (HAPUA).

Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị AMEM 41 do ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công Thương, làm Trưởng đoàn
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị AMEM 41 do Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân làm Trưởng đoàn

Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị AMEM 41 do ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công Thương, làm Trưởng đoàn và đại diện các Cục, Vụ, Viện phụ trách lĩnh vực năng lượng thuộc Bộ Công Thương, các Tập đoàn: Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam.

Đây là lần đầu tiên Hội nghị Bộ trưởng năng lượng ASEAN được tổ chức theo hình thức trực tiếp sau 3 năm tổ chức trực tuyến do sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Trong khuôn khổ Hội nghị đã diễn ra các sự kiện chính bao gồm: Hội nghị quan chức cấp cao trù bị cho Hội nghị AMEM 41, Hội nghị ASEAN +3 lần thứ 20, Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng các nước Đông Á (EAS EMM) lần thứ 17; Hội nghị tham vấn giữa các Bộ trưởng Năng lượng ASEAN với IRENA; Hội nghị tham vấn giữa Bộ trưởng Năng lượng các nước Đông Á và các Tổ chức Năng lượng quốc tế; Đối thoại Bộ trưởng - CEO, Diễn đàn Doanh nghiệp Năng lượng ASEAN 2023 (AEBF).

Tại các sự kiện này, các Bộ trưởng/Trưởng đoàn các nước tham gia đã xem xét báo cáo kết quả triển khai Kế hoạch Hành động ASEAN về Hợp tác Năng lượng (APAEC) 2016-2025 Giai đoạn 2 và các khuyến nghị, yêu cầu từ các cuộc họp cấp cao trong khuôn khổ ASEAN.

Các Bộ trưởng ghi nhận một số thành tựu về hợp tác năng lượng ASEAN bao gồm: năm 2021 tỷ lệ năng lượng tái tạo đạt 14,4% trong tổng cung cấp năng lượng sơ cấp, tỉ lệ năng lượng tái tạo trong sản xuất điện đạt 33,6% và cường độ năng lượng giảm 24,5%.

Hội nghị thông qua các Tuyên bố chung bao gồm: (1) Tuyên bố chung về An ninh năng lượng bền vững thông qua kết nối, (2) Tuyên bố chung của Brunei Darussalam, Indonesia, Malaysia, và Dự án Tích hợp Điện l Philippines (BIMP-PIP), (3) Ký kết Biên bản ghi nhớ (MoU) giữa các công ty điện lực của Brunei Darussalam, Indonesia, Malaysia (Sabah - Sarawak) và Philippines.

Hội nghị ghi nhận mục tiêu khuyến khích phát triển hơn nữa các dự án cơ sở hạ tầng năng lượng xuyên biên giới giữa các quốc gia ASEAN nhằm đạt được an ninh năng lượng bền vững thông qua kết nối. Các Bộ trưởng tái khẳng định cam kết của ASEAN trong việc giảm lượng khí thải carbon và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng và toàn diện trong khu vực.

Hội nghị thừa nhận tầm quan trọng của Bản ghi nhớ về Lưới điện ASEAN (APG MOU), Bản ghi nhớ về Đường ống dẫn khí xuyên ASEAN (TAGP MOU), và Hiệp định An ninh Dầu khí ASEAN (APSA) và việc tiếp tục các cơ chế hiện có của hợp tác kết nối khu vực và ứng phó khẩn cấp.

Bên cạnh đó, Hội nghị ghi nhận thương mại năng lượng đa phương và chuỗi cung ứng tích hợp và linh hoạt hơn trong khu vực sẽ làm tăng đáng kể việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo và tăng cường hiệu quả và bảo tồn năng lượng.

Các Bộ trưởng khuyến khích khả năng thiết lập chuỗi cung ứng khu vực bền vững cho năng lượng mặt trời, gió, địa nhiệt, thủy điện, năng lượng sinh học, năng lượng tái tạo biển và các hệ thống lưu trữ năng lượng để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng trong khu vực; và tăng cường hơn nữa hợp tác liên trụ cột trong Cộng đồng ASEAN, các Đối tác Đối thoại của ASEAN, các Tổ chức quốc tế, cũng như các đối tác bên ngoài, nhằm giải quyết các thách thức trong việc theo đuổi liên kết năng lượng nhằm hỗ trợ an ninh năng lượng dài hạn và chương trình chuyển đổi năng lượng công bằng và toàn diện của ASEAN.

Hội nghị thừa nhận vai trò của việc tăng cường hợp tác với khu vực tư nhân, các tổ chức tài chính quốc tế và các nhà tài trợ, cũng như các cơ quan thiết lập tiêu chuẩn, để tạo điều kiện và hỗ trợ việc triển khai và tài trợ cho các công nghệ năng lượng sáng tạo nhằm thúc đẩy kết nối năng lượng.

Trong khuôn khổ Hội nghị, Diễn đàn Năng lượng ASEAN 2023 (AEBF) do Trung Tâm năng lượng ASEAN phối hợp với nước chủ nhà Indonesia đã tổ chức thành công tốt đẹp, thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, đối tác trong khu vực và quốc tế. Chủ đề năm nay của Diễn đàn là: “Đẩy mạnh kết nối năng lượng nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng bền vững khu vực ASEAN”.

Minh Anh