Bức tranh sáng của ngành công thương

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng nhận định: Khu vực phía bắc có vị trí địa lý hết sức quan trọng, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật của cả nước.

Đồng thời, khu vực này có tài nguyên thiên nhiên vô cùng đa dạng và phong phú, đặc biệt là nguồn sinh vật biển tập trung ở ngư trường trọng điểm Hải Phòng - Quảng Ninh, góp phần phát triển ngành thủy sản.

Đây cũng là khu vực có các trữ lượng khoáng sản đáng kể như than đá ở Quảng Ninh, đá vôi ở Ninh Bình, đồng, apatit ở Lào Cai, sắt ở Thái Nguyên và nhiều loại khoáng sản khác. Những tài nguyên này, cung cấp nguyên liệu quan trọng cho việc phát triển công nghiệp trong khu vực và cả nước.

Thứ trưởng Công thương Phan Thị Thắng, phát biểu tại hội nghị
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng: Khu vực phía bắc có vị trí địa lý hết sức quan trọng, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật của cả nước.

Cùng với đó, hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy của Khu vực phát triển khá đồng bộ và liên tục được nâng cấp, đầu tư mới phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế; có các tuyến đường giao thông huyết mạch chạy qua như các quốc lộ 5A, 5B và 18, là 2 tuyến giao thông huyết mạch gắn kết cả Bắc Bộ nói chung với cụm cảng Hải Phòng – Cái Lân, sân bay quốc tế Nội Bài. 

Bên cạnh đó, khu vực này có tốc độ tăng trưởng GRDP cao so với cả nước, tiêu biểu có: GRDP trên địa bàn  Hà Nội năm 2022 đạt 1.196 nghìn tỷ đồng, tăng 8,89% so với năm 2021; GRDP tỉnh Quảng Ninh năm 2022 đạt đạt 269 nghìn tỷ đồng, tăng 10,28% so với năm 2021.

Theo Thứ trưởng Phan Thị Thắng, Hội nghị ngành công thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía bắc lần thứ IX/2023 được tổ chức nhằm đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển ngành công thương của các tỉnh, thành phố khu vực phía bắc năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, qua đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2023.

Hội nghị cũng nhằm thảo luận kinh nghiệm, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc có liên quan trong công tác quản lý nhà nước của các sở, ngành ở địa phương, qua đó đề ra giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo liên kết, hỗ trợ, hợp tác trong phát triển ngành công thương mỗi tỉnh, thành phố và toàn khu vực.

Thông qua hội nghị và chuỗi sự kiện của ngành công thương tại Quảng Ninh, các doanh nghiệp trong khu vực có cơ hội gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội hợp tác, xúc tiến đầu tư và thương mại nhằm tăng cường các hoạt động liên kết đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh giao thương giữa các địa phương trong khu vực.

Sự kiện cũng tạo điều kiện cho cán bộ, công chức ngành công thương các tỉnh, thành phố khu vực phía bắc tiếp xúc trao đổi, học tập kinh nghiệm quản lý nhà nước về công nghiệp, thương mại; tìm hiểu tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương để định hướng liên kết vùng trong lĩnh vực phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ.

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy  cho biết: Là một tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh, Quảng Ninh đã thể hiện rõ vai trò là tỉnh đầu tàu trong dẫn dắt, kết nối phát triển giữa các tỉnh trong khu vực. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, song 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Quảng Ninh tăng 9,46%, cao hơn 0,24 điểm % so với cùng kỳ, đứng thứ 2 vùng đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 4 cả nước.

Ông Cao Tường Huy - Quyền Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: Tỉnh Quảng Ninh được ví như “một Việt Nam thu nhỏ”, có vị trí chiến lược về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại (địa phương duy nhất trong cả nước có đường biên giới trên bộ và trên biển với Trung Quốc).
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy phát biểu tại hội nghị

Trong đó: Ngành công thương đã đóng góp trên 5,35 điểm % GRDP; thu ngân sách ngành công thương đạt 14.546 tỷ đồng, bằng 51% tổng thu ngân sách toàn tỉnh; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng 6,42% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 50,2% trong GRDP; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 73.865 tỷ đồng, tăng 16,64%, cao hơn 0,17 điểm % so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp trong tỉnh ước đạt trên 1,4 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ; thu hút vốn đầu tư của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt trên 41.300 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn FDI đạt trên 1.300 triệu USD, giải quyết việc làm cho 15.686 lao động.

Quảng Ninh xác định ngành công thương trong giai đoạn tới vẫn giữ vai trò chủ lực, động lực phát triển kinh tế toàn tỉnh. Trong đó, tập trung phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành một trụ cột chính trong nền kinh tế; phát triển công nghiệp năng lượng thân thiện với môi trường và chuyển dần sang phát triển năng lượng sạch và năng lượng tái tạo.

Đề ra một số giải pháp trọng tâm

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Phan Thị Thắng đánh giá cao sự nỗ lực, phấn đấu của các địa phương khu vực phía bắc, trong 6 tháng năm, đã đạt được những kết quả quả đáng khích lệ, đóng góp vào phát triển chung của ngành công thương.

Để đạt được mục tiêu kế hoạch năm 2023, góp phần quan trọng vào việc thực hiện hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 và thực hiện thắng lợi các mục tiêu chung của toàn ngành công thương, Thứ trưởng Phan Thị Thắng đề nghị các địa phương, đặc biệt là các sở công thương quan tâm triển khai một số nội dung như sau.

Thứ nhất, tiếp tục tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 01 của Chính phủ; tập trung cao để hoàn thành có chất lượng và đúng thời hạn các nhiệm vụ được giao tại Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của ngành công thương năm 2023, các dự án sửa đổi, bổ sung các luật và các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành.

Thứ hai, các địa phương khẩn trương chỉ đạo hoàn thiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 trên cơ sở phù hợp với các định hướng phát triển 3 vùng chiến lược đã được Bộ Chính trị thông qua (trung du, miền núi Bắc Bộ; đồng bằng sông Hồng; Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ), Quy hoạch Tổng thể quốc gia, các quy hoạch ngành công thương làm cơ sở xây dựng chiến lược, chương trình hành động và các đề án phát triển công nghiệp, thương mại trên địa bàn giai đoạn đến năm 2030; bố trí nguồn lực phù hợp để thúc đẩy phát triển công nghiệp và thương mại của địa phương.

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường tạo các đơn hàng mới để tiêu thụ sản phẩm đầu ra, thúc đẩy sản xuất cho các doanh nghiệp: Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua hướng dẫn áp dụng quy tắc xuất xứ, thuận lợi hóa thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi để khai thác các cơ hội từ các Hiệp định;

Mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hóa của Việt Nam thông qua công tác xúc tiến thương mại, công tác thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, phát triển thương mại điện tử;

Tổ chức kết nối giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI, nhất là doanh nghiệp lớn toàn cầu, tham gia vào hệ thống phân phối ở nước ngoài.

Thứ tư, tiếp tục nâng cao khả năng cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác và phát triển thị trường trong nước:

Tiếp tục thực hiện các biện pháp cân đối cung cầu, bình ổn thị trường góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, làm tiền đề triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy thương mại trong nước và các mục tiêu kinh tế vĩ mô của Chính phủ;

Triển khai kịp thời và hiệu quả các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước;

Đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu và xúc tiến thương mại thị trường trong nước;

Tăng cường áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa thông qua khuyến khích các hệ thống phân phối hiện đại, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển mạnh thương mại điện tử;

Tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình, Đề án về phát triển thị trường trong nước…

Thứ năm, triển khải đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ quản lý nhà nước trong các lĩnh vực phát triển công thương địa phương, xúc tiến thương mại, phòng vệ thương mại, quản lý cạnh tranh, quản lý thị trường và các mặt hoạt động khác, đảm bảo thị trường phát triển lành mạnh, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và bảo vệ lợi ích người tiêu dùng;

Tăng cường phối hợp với ngành công thương địa phương để triển khai các chương trình, kế hoạch, cũng như những hỗ trợ liên quan đến thúc đẩy xuất khẩu, phát triển thị trường trong nước, xúc tiến thương mại, công tác khuyến công...

Cuối cùng, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ; tiếp tục đổi mới lề lối, phương thức làm việc, đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; chủ động phối hợp xử lý công việc gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong toàn hệ thống.

Hội nghị cũng được nghe các tham luận của sở công thương các tỉnh, thành phố tập trung chủ yếu vào các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp, mở rộng thị trường xuất khẩu, chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn, phát triển hạ tầng thương mại theo hướng văn minh, hiện đại.

Khánh Quyên