Hội thảo khoa học: Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc – Một con người đổi mới và sáng tạo - Hình 1

Toàn cảnh hội thảo (Ảnh: Hoài An)

Chủ trì hội thảo, gồm các vị GS. TS. Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc; Trần Văn Vinh, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy.

Tham dự hội thảo, có đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo tỉnh Phú Thọ; các nhà khoa học có uy tín…

Về phía tỉnh, có ông Nguyễn Văn Trì, Chủ tịch UBND tỉnh; các cán bộ trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các cán bộ nguyên là lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phú, Vĩnh Phúc; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh; đại diện gia đình Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng thị Thúy Lan, khẳng định: Trong gần 40 năm tham gia cách mạng  (1937 – 1977), nhất là từ khi giữ cương vị Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Kim Ngọc đã cùng với Ban thường vụ Tỉnh ủy đề ra nhiều chủ trương, chính sách đổi mới, sáng tạo. Tiêu biểu là Nghị quyết 68-NQ/TU, ngày 10/9/1966 “Về một số vấn đề quản lý lao động  nông nghiệp trong hợp tác xã hiện nay”. Đây là đóng góp quan trọng về mặt lý luận và thực tiễn, một trong những cơ sơ để Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 100/CT-TƯ, ngày 13/1/1981 và Nghị quyết số 10/NQ-TƯ, ngày 5/4/1988, từ đó làm thay đổi căn bản kinh tế nông nghiệp của Việt Nam.

Bà Hoàng Thị Thúy Lan nhấn mạnh: “Ước vọng lớn nhất, niềm say mê lớn nhất của đồng chí Kim Ngọc đó là đem lại ấm no cho người dân, để người dân có điều kiện đóng góp ngày càng nhiều cho quê hương, đất nước. Đồng chí Kim ngọc là hiện thân của một người cán bộ mẫu mực, là tấm gương sáng hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Trong lịch sử đấu tranh cách mạng, cũng như trong giai đoạn đổi mới hiện nay của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Vĩnh Phúc mãi mãi khắc ghi công lao và những cống hiến của đồng chí trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội”.

Nêu rõ vai trò, cốt cách của một nhà lãnh đạo, một Bí thư Tỉnh ủy, một cán bộ gương mẫu và đầy bản lĩnh, luôn tìm tòi, sáng tạo và đổi mới, tất cả vì lợi ích của nhân dân của đồng chí Kim Ngọc, GS. TS. Nguyễn Xuân Thắng cho rằng: “Đồng chí Kim Ngọc đã có những đóng  góp rất quan trọng cả về lý luận và thực tiễn trong quá trình xây dựng và phát  triển của tỉnh. Trong đó, đồng chí được coi là “cha đẻ” của chủ trương “Khoán hộ”, nội dung cốt lõi của Nghị quyết 68-NQ/TU, ngày 10/9/1966 của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc “Về một số vấn đề quản lý lao động nông nghiệp trong hợp tác xã hiện nay”.

Chủ trương “Khoán hộ” Là một hướng đi tích cực tong việc tìm tòi cách thức làm ăn mới, cách thức quản lý mới, gắn lợi ích của người nông dân với kết quả lao động của mình nhằm đem lại  hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp. Đây là quá trình đổi mới tư duy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở Vĩnh phúc, tháo gỡ các khó khăn, cản trở trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, khắc phục “dong công, phóng điểm”, không gắn lợi ích với kết quả lao động, tình trạng lãng phí nguồn lực và tiềm năng trong nông nghiệp. Đó là những đóng góp quan trọng về mặt lý luận và thực tiễn trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là một trong những cơ sở để Trung ương tham khảo, hoạch định đường lối đổi mới, mà là trước hết là đổi mới trong nông nghiệp”.

GS. TS. Nguyễn Xuân Thắng cũng nêu ra các nội dung về vai trò của đồng chí Kim Ngọc:

Thứ nhất, quá trình hoạt động của Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc và những đóng góp của đồng chí Kim Ngọc đối với quê hương Vĩnh phúc, nhất là tư duy đổi mới, sáng tạo trong nông nghiệp.

Thứ hai, dấu ấn của đồng chí Kim Ngọc với chủ trương “Khoán hộ”, cũng như giá trị lịch sử của “Khoán hộ” trong quá trình đổi mới tư duy của Đảng về nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Thứ ba, làm nổi bật tư tưởng, nhân cách của một nhà lãnh đạo dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm, tất cả vì lợi ích của nhân dân.

Thứ tư, qua tấm gương nhân cách của Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc, chúng ta đúc kết những bài học, kim nghiệm quý báu trong xây dựng nhân cách, đạo đức và tác phong của một người lãnh đạo, một người cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay.

Theo TS. Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược nông nghiệp - nông dân, chủ trương và phong trào của đồng chí Kim Ngọc là sáng tạo và dũng cảm. “Sau  2 vụ sản xuất năm 1967, 5% HTX toàn tỉnh đã áp dụng khoán hộ. Sản xuât phát triển khả quan, chấm dứt tình trạng thiếu đói. Tổng sản lượng năm 1967, tăng hơn 4.000 tấn lương thực. Gần 70% số HTX của 4 huyện, 46 xã và 160 HTX đạt năng suất lúa kỷ lục 5 - 6 tấn/ha. Đàn lợn tăng 20% số đầu con so với năm 1966 và 38% so với năm 1965. Đây là những thành tích chưa hề có trong các HTX cả nước. Chủ trương này đưa ra vào những năm phong trào HTX đang lên mạnh là rất sáng tạo và dũng cảm. Chính sách mới nhanh chóng được quần chúng và cán bộ ủng hộ”.

Trong bài tham luận “Khoán” trong quá trình đổi mới, quản lý kinh tế nông nghiệp Việt Nam của PGS. TS. Vũ Quang Hiển, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) có đưa ra quan điểm: “Từ những bước thăng trầm của nền kinh tế nông nghiệp, có thể nói, mô hình khoán áp dụng tại Vĩnh Phúc là bước đột phá lớn của thời kỳ xây dựng kinh tế - xã hội ở miền Bắc. "Cha đẻ" của chính sách này là Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc. Việc áp dụng khoán trong toàn tỉnh Vĩnh Phúc năm 1966 - đã mang lại nhiều kết quả kinh tế khả quan, hiệu suất canh tác và đời sống nhân dân được cải thiện”.

Lê Sơn – Long Trần